(Xây dựng) – Chiều ngày 9/5, người đi đường qua ngã tư Mạc Thái Tông – Nguyễn Chánh (Cầu Giấy, Hà Nội) đã có một phen “hú hồn” khi cần trục tháp của một dự án quay lơ lửng trên đường.
Cẩu tháp – Hiểm họa từ trên cao. |
Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã nhiều lần “cảnh báo” về nguy cơ mất an toàn tại các cẩu tháp xây dựng trên địa bàn Hà Nội. Và thực tế, đã xảy ra không ít vụ tai nạn liên quan đến cẩu tháp xây dựng mà khi nhắc lại vẫn là nỗi ám ảnh của những người chứng kiến.
Về vấn đề an toàn trong sử dụng cần trục tháp, UBND TP.Hà Nội cũng ban hành văn bản yêu cầu các chủ đầu tư phải tuân thủ đúng quy định về quản lý, sử dụng cần trục tháp trong quá trình thi công theo Chỉ thị 01/CT - BXD ngày 02/11/2015 của Bộ Xây dựng về việc đảm bảo an toàn trong thi công và xây dựng công trình và Chỉ thị 08/CT - UBND của UBND TP.Hà Nội về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định quản lý sử dụng, vận hành cần trục tháp trong thi công xây dựng trên địa bàn Hà Nội.
Cụ thể, đối với các trường hợp vùng hoạt động của cần trục tháp vượt ra khỏi phạm vi công trường, có nguy cơ ảnh hưởng tới giao thông đi lại của nhân dân và công trình lân cận, chỉ cho phép cần trục tháp đó hoạt động trong khoảng thời gian từ 22h đến 6h sáng hôm sau và phải có đảm bảo đủ hệ thống cảnh báo, cảnh giới, người hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông theo quy định.
Bên cạnh đó, các quy định an toàn trong lao động cũng được quy định rõ tại Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định an toàn lao động; Thông tư số 04/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình; Thông tư 36/2019/TT-BLDTBXH ngày 30/12/2019 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc ban hành danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động…
Tuy nhiên trong quá trình sử dụng, rất nhiều cẩu tháp tại công trường xây dựng đều vi phạm quy định trong an toàn, vận hành cầu tháp. Một số lỗi thường gặp là việc không tuân thủ công tác kiểm định cần trục tháp định kỳ, đột xuất trong quá trình sử dụng theo quy định tại Điều 6 Nghị định 44/2016/NĐ-CP. Ở trạng thái nghỉ của cần trục tháp, không được nhà thầu đưa tay cầm và đối trọng vào trong phạm vi công trình, không có ý thực nhằm hạn chế tối đa tay cần và đối trọng vượt ra khỏi phạm vi công trình. Chủ đầu tư và nhà thầu thi công lơ là việc bố trí rào chắn và biển báo trên công trường tại các vị trí có nguy cơ gây nên mất an toàn lao động.
Đối với trường hợp vùng hoạt động của cần trục tháp vượt ra khỏi phạm vi công trình, có ảnh hưởng tới giao thông đi lại của nhân dân và công trình lân cận chỉ cho phép hoạt động từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau và phải đảm bảo có đủ hệ thống cảnh báo, cảnh giới, người hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời tăng cường kiểm tra bảo đảm an toàn kỹ thuật của cần trục tháp mới cho phép hoạt động. Tuy nhiên quy định này là lỗi thường gặp nhất đối các cầu tháp tại nhiều công trình xây dựng tại Thủ đô. Bất chấp ngày đêm, các cầu tháp vẫn vươn cần trục ra ngoài phạm vi công trình và vô tư cầu vật liệu xây dựng lửng lơ trên đầu người tham gia giao thông.
Ngoài ra, chủ đầu tư hoặc nhà thầu thi công còn phải thực hiện việc niêm yết sơ đồ mặt bằng thi công cần trục tháp tối thiểu khổ A0 trên công trường ở nơi dễ đọc và dễ quan sát bằng vật liệu khó bị hư hỏng, không bị bạc màu khi bị nước mưa, phơi nắng. Nội dung mặt bằng thi công cần trục tháp phải thể hiện giới hạn vùng nguy hiểm vật rơi do việc lắp dựng, tháo dỡ hoặc quá trình vận hành cần trục…
Thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng ngày 9/5, cẩu tháp tại công trường xây dựng dự án Nhà hát Tuổi trẻ cơ sở 2, tại lô C8, Khu đô thị mới Tây Nam Hà Nội, ngang nhiên hoạt động, quay cần và trục ra hết đường Nguyễn Chánh gây hoang mang cho người đi đường. Theo hình chiếu vùng hoạt động của cẩu tháp được niêm yết tại cổng công trường, cẩu tháp này đã hoàn toàn nằm ngoài khu vực thi công.
Bảng minh họa vị trí cẩu tháp. |
Được biết, dự án Nhà hát Tuổi trẻ cơ sở 2 do Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng miền Bắc, thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch làm Chủ đầu tư. Công ty Cổ phần Coninco 3C làm tư vấn giám sát và được thi công bởi liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn và công ty Cổ phần Thương mại & Dịch vụ Vạn Cát. Dự án được khởi công từ ngày 29/12/2020 với tổng mức đầu tư 198,575 tỷ đồng.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.
Tuấn Nghĩa
Theo