Quận Đống Đa, trong dự án chỉnh trang tuyến phố Nguyễn Chí Thanh, mới đây đã kiến nghị chuyển 80 cây hoa sữa trưởng thành đi chỗ khác để thay bằng loại cây khác phù hợp hơn. Chuyện thay cây ở Hà Nội, tất nhiên là gây ra nhiều tranh cãi.
Người ủng hộ thay cây có lý vì mùi hương hoa sữa ở mật độ cao, và cự ly gần thì sẽ rất khó chịu.
Người phản đối thay cây cũng có lý vì hoa sữa chỉ nở rộ khoảng một tháng trong năm, và để có được một hàng cây bóng mát trưởng thành không phải là một sớm một chiều.
Chính quyền địa phương, đứng giữa những lựa chọn của mình, tất nhiên sẽ có những lý do phù hợp để ra quyết định. Chuyện không có gì lớn. Song, điều cần phải quan tâm là thành phố Hà Nội có nguyên tắc như thế nào trong việc quyết định sử dụng loại cây nào cho từng tuyến phố? Điều gì đảm bảo để tránh đến một thời điểm nào đó những cái cây đã trưởng thành, đã tỏa bóng mát cho các con đường bỗng dưng không còn phù hợp nữa, và bị đề xuất thay?
Hàng cây hoa sữa trên phố Nguyễn Chí Thanh (Ảnh: Toàn Vũ). |
Hà Nội là một đại đô thị, với dân số cơ hữu khoảng 8 triệu người, và biến động xê dịch trong khoảng 10 triệu người. Một cộng đồng lớn như vậy không thể đồng nhất về nhu cầu, sở thích, thói quen, điều kiện sống. Vì thế, nhà chức trách không thể quản lý thành phố đại đô thị của mình bằng những tiểu sáng kiến, nay thấy ý này hay, mai thấy ý nọ thú vị, để mà đề xuất đổi thay bằng tình cảm, hoặc theo trend (xu hướng nhất thời).
Hà Nội đã từng là một thành phố rất có bản sắc về cây xanh. Những tuyến đường lớn, có phân cách giữa thì chủ đạo là xà cừ, loài cây có bóng mát lớn. Những tuyến phố nhỏ hơn, trong khu vực trung tâm thì chủ đạo là sấu, long não, cơm nguội, phượng vĩ… cũng là các loại cây lớn nhưng rễ sâu hơn xà cừ.
Những loại cây này đều có đặc điểm cho bóng mát tốt, thân mọc cao để không khuất cản tầm nhìn dưới thấp, không che khuất các biển báo giao thông, lá sạch, mùi thơm không có, hoặc rất nhẹ, rất trung tính. Những loài cây có mùi hương đậm, thường trồng ở khu vực có không gian rộng, ven hồ. Cây xanh Hà Nội đã từng được trồng với một sự tính toán cẩn thận, và cho thấy bóng dáng của những nguyên tắc lâm sinh đô thị. Nhưng đó là chuyện đã lâu rồi.
Trong khoảng 30 năm trở lại đây, việc trồng cây đường phố ở Hà Nội rất khó để nhận ra nguyên tắc. Có cảm giác nó được trồng theo mốt, theo khả năng cung cấp của nguồn cây, thậm chí là theo các ý tưởng của nhân sự qua các nhiệm kỳ.
Thập niên 80 của thế kỷ trước, cây bằng lăng được trồng rất nhiều. Loài cây này có hoa rực rỡ, bắt mắt. Nhưng mùa đông trụi lá, và chậm mọc cao.
Sang thập niên tiếp theo, loài cây trồng nhiều là muồng hoa vàng. Cây này nhanh lớn, hoa cũng rực rỡ, nhưng hay gãy đổ.
Những năm 2000 cây trồng mới ở Hà Nội đa dạng hơn. Các loài cây quen thuộc như sấu và long não, hoa sữa… được trồng lại nhiều.
Những năm 2010 trở lại đây thì cây Hà Nội ngày càng đa dạng về chủng loại. Từ bàng lá nhỏ, sang, ban, giáng hương, đến cả phong linh, chà là… Nhưng điều rất dễ nhận thấy là người ta trồng cây không có bất cứ nguyên tắc nào. Hoặc là tiện nhà cung cấp cây, hoặc là theo ý thích của chủ đầu tư các dự án đô thị mới, hoặc theo tình cảm của các nhà quản trị.
Có nhiều tuyến phố rất đẹp vì những loài cây mới, có nhiều tuyến phố trở thành con đường của máy ảnh mỗi mùa lá hoa. Nhưng, Hà Nội đã không còn bản sắc cây xanh nữa. Và những giá trị tạo nên từ cảm tính, hay sự tùy hứng của những cá nhân thường khó bền, sự phù hợp sẽ mang tính thời điểm, sẽ dẫn đến nhu cầu thay thế khi con người và tâm tính đổi thay.
Thay 80 cây hoa sữa trên đường Nguyễn Chí Thanh là chuyện nhỏ. Nhưng chuyện lựa chọn cây trồng cho những con đường luôn là chuyện lớn. Mỗi một thành phố có những đặc tính của riêng mình, đặc tính khí hậu, đặc tính giao thông, đặc tính dân cư… và trồng cây, cần phải căn cứ vào những đặc tính của đô thị để hình thành nguyên tắc. Không có nguyên tắc, chúng ta sẽ trở thành cư dân của một đại đô thị loay hoay.
Theo Phạm Trung Tuyến/Dantri.com.vn
Link gốc: https://dantri.com.vn/tam-diem/ha-noi-loay-hoay-voi-hoa-sua-20221027104850658.htm