(Xây dựng) – UBND thành phố Hà Nội vừa trình HĐND thành phố thông qua các biện pháp, cơ chế chính sách đối với dự thảo Đề án tổng thể nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ảnh minh họa. |
Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, những năm vừa qua công tác PCCC trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, nổi bật. Dù vậy, tình hình cháy nổ trên địa bàn Thủ đô còn diễn biến phức tạp và tồn tại nhiều hạn chế, khó khăn trong công tác PCCC và CNCH. Cụ thể, vấn đề về quy hoạch hạ tầng đô thị ảnh hưởng đến công tác PCCC và CNCH trên địa bàn thành phố khó khắc phục những khó khăn, vướng mắc.
Ngoài ra, Hà Nội hiện có khoảng trên 4.500 tuyến đường, phố, ngõ, ngách, hẻm... có chiều dài hơn 200m, xe chữa cháy không thể tiếp cận được.
Hiện thành phố còn nhiều công trình vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy chưa được xử lý quyết liệt, triệt để. Nhiều tuyến phố, ngõ, xóm, tình trạng làm mái che, mái vẩy vượt quá ranh giới đất cho phép.
Theo UBND thành phố Hà Nội, việc người dân đắp bục, bệ, barie hoặc các hàng quán, phương tiện lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận của xe chữa cháy.
Bên cạnh đó, các tuyến phố thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm. Tình trạng các tuyến phố đang thi công cũng dẫn đến khó khăn cho công tác phòng cháy, chữa cháy.
Về cơ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho lực lượng Cảnh sát PCCC cũng còn nhiều khó khăn. Tính đến năm 2023, lực lượng Cảnh sát PCCC Công an Thành phố có tổng cộng 238 ô tô, trong đó 28% số xe sử dụng từ 10 đến 20 năm thường xuyên xảy ra hư hỏng. Việc sửa chữa, phục hồi tình trạng kỹ thuật cho số xe này khó khăn, thời gian chờ sửa chữa kéo dài do phải đặt hàng, chờ chuyên gia, chờ nhập thiết bị từ nước ngoài.
Ngoài ra, trang thiết bị, phương tiện chuyên dùng để tổ chức chữa cháy đối với các vụ cháy, nổ xảy ra trong không gian kín, không gian ngầm, cháy trong ngõ nhỏ, sâu và các vụ cháy, nổ liên quan hóa chất còn hạn chế.
Trang phục bảo hộ như quần áo, mũ, ủng, găng tay, bình khí, mặt nạ lọc độc... cho cán bộ, chiến sỹ tham gia, thực hiện chữa cháy còn thiếu nhiều.
Do vậy, để nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy, UBND thành phố Hà Nội đề xuất bổ sung phương tiện PCCC và CNCH phù hợp với quy mô của địa bàn.
Cụ thể, bổ sung 26 xe chữa cháy, 2 xe chữa cháy có đầu phá dỡ điều khiển từ xa, 16 xe CNCH, 1 xe chữa cháy trong môi trường hóa chất, 20 xe téc nước chữa cháy, 21 xe tải chở phương tiện, 1 xe xử lý sự cố hóa chất sinh học, 5 xe thang 32m, 6 xe thang 52m, 1 tàu chữa cháy.
Đặc biệt, UBND thành phố Hà Nội đề xuất mua sắm các thiết bị đặc thù như tàu chữa cháy trên sông; xuồng cứu hộ; ca nô chữa cháy; máy bay trực thăng CNCH; máy bay chữa cháy.
Ánh Dương
Theo