(Xây dựng) - Thời gian tới, ngành Công thương Hà Nam tiếp tục tập trung các hoạt động xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Khu công nghiệp Đồng Văn IV, tỉnh Hà Nam. |
Công nghiệp, thương mại tăng trưởng ổn định
Số liệu của Cục Thống kê tỉnh Hà Nam cho thấy, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm nay ước đạt 114.810,7 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ và đạt 50,7% kế hoạch năm; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 26.199 tỷ đồng, tăng 11,0% so cùng kỳ và đạt 48,1% kế hoạch năm.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước đạt 4.455 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ và đạt 51,2% kế hoạch năm. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3.816,5 triệu USD, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 50,1% kế hoạch năm.
Đặc biệt, một số sản phẩm chủ yếu vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ 2023, trong đó có một số sản phẩm tăng cao như: Thiết bị điện, điện tử tăng 26,3%; dây điện các loại tăng 30,9%, quần áo may sẵn tăng 9,7%, bia tăng 12,3%...
Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh Hà Nam đẩy mạnh phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp theo quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt nhằm tạo mặt bằng, thu hút các nhà đầu tư, trong đó thực hiện giao đất cho nhà đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Lê Hồ, Cụm công nghiệp Trác Văn; tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp Trung Lương mở rộng, Thi Sơn I, Yên Lệnh, Đồng Hóa...
Đồng thời, tỉnh Hà Nam cũng tăng cường công tác quản lý hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, an toàn thực phẩm trong sản xuất và kinh doanh; xây dựng và quản lý quy hoạch, kế hoạch; đôn đốc ngành điện triển khai các dự án tại Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh đã phê duyệt danh mục đầu tư, triển khai nhiều giải pháp đảm bảo ổn định tình hình cấp điện đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đời sống sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là việc cấp điện tại các khu, cụm công nghiệp.
Tích cực thúc đẩy thu hút đầu tư và phát triển các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam. |
Tuy nhiên, một số sản phẩm công nghiệp của tỉnh còn có tốc độ phát triển thấp và giảm so với cùng kỳ năm 2023 như: Vải dệt các loại ước giảm 19%; nước giải khát giảm 14%; xe máy giảm 13%...
Việc triển khai các dự án lưới điện thực hiện còn phức tạp, chậm tiến độ chung do có một số khó khăn vướng mắc trong công tác chấp thuận chủ trương đầu tư và do ảnh hưởng từ các quy hoạch dự án khác liên tục bổ sung, điều chỉnh. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Nhằm giải quyết những khó khăn còn tồn đọng trong phát triển công nghiệp, thời gian tới, tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và của UBND tỉnh về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Tập trung triển khai có hiệu quả các nội dung thuộc ngành trong Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tập trung các hoạt động xúc tiến thương mại
Thời gian tới, ngành Công Thương Hà Nam tiếp tục tập trung các hoạt động xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ nguồn kinh phí cho các cơ sở công nghiệp nông thôn thông qua các chương trình khuyến công quốc gia và địa phương để ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào hoạt động sản xuất và kinh doanh của đơn vị; hướng dẫn doanh nghiệp hồ sơ, thủ tục hưởng ưu đãi trong sản xuất công nghiệp hỗ trợ.
Về phát triển thương mại, ngành Công Thương Hà Nam tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ các Chương trình xúc tiến thương mại để triển khai hiệu quả các đề án hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các Hội chợ triển lãm, kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Khuyến khích các thành phần kinh tế trong hoạt động phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến thương mại và hoạt động tổ chức hội chợ, triển lãm.
Công nghiệp điện, điện tử là một trong những lĩnh vực được Hà Nam ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp. |
Đồng thời, tích cực và chủ động thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế đầy đủ và sâu rộng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA); triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, phát triển các thị trường tiềm năng và các ngành hàng xuất khẩu hiệu quả và khả thi.
Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đảm bảo gắn với thực tiễn thông qua các hoạt động thực chất, hiệu quả. Cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến thương mại và hoạt động tổ chức hội chợ, triển lãm. Tổ chức vận hành và khai thác sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm kết nối cung - cầu giữa nhà sản xuất với nhà phân phối, người tiêu dùng.
Vũ Phong Cầm
Theo