Bạn tôi sống và làm việc ở nước ngoài nhiều năm, công việc ổn định nên cô ấy có mức thu nhập cao so với mức thu nhập bình quân ở Việt Nam. Năm nào cô ấy cũng gửi tiền về cho bố mẹ đẻ ở Việt Nam để gửi lãi suất tiết kiệm hoặc mua vàng tích trữ.
Thời gian vừa qua, lãi suất tiết kiệm giảm thấp nên cô ấy đã chuyển phần lớn số tiền sang mua vàng. Chỉ có điều, cô ấy khá lo lắng là cha mẹ đã già cả, nếu cất giữ vàng trong nhà thì rủi ro trộm cướp hoặc có khi chính các cụ cũng quên mất nơi mình đã cất giữ vàng. Khi cô ấy muốn gửi tiết kiệm vàng ở những ngân hàng nhà nước có uy tín thì họ không nhận hoặc không mặn mà, thậm chí người gửi còn mất phí để ngân hàng “giữ hộ vàng”. Vì vậy, khi số tiền tích luỹ khá nhiều, bạn tôi đã nhờ người thân, bạn bè mua vài suất đất ở quê làm “của để dành”.
Đây là cách phổ biến nhất để giữ tài sản ở Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt đối với những người không biết kinh doanh hay đầu tư theo nhiều cách khác. Chúng ta thấy tình trạng một lượng lớn “tiền chết trong dân” hay tài sản nằm yên bất động.
Đây là một sự lãng phí nguồn lực rất lớn đối với cả người dân, các doanh nghiệp và Nhà nước bởi khi tiền hay những tài sản có giá trị như vàng và đất cứ để nằm im trong két hoặc không được đem ra sử dụng và lưu thông thì coi như tài sản đó bị “chết”.
Nếu xác định tích trữ vàng như một loại tài sản tiết kiệm lâu dài thì khả năng có lãi rất cao. |
Đất nền, đất ở, đất vườn… nếu chỉ mua rồi “găm lại” chờ lên giá để bán kiếm lời mà không được sử dụng đúng mục đích có thể chỉ mang lại lợi ích cho chủ sở hữu (nếu đất lên giá) nhưng lại gây lãng phí cho xã hội, kìm chế sự phát triển.
Vậy nên, mới đây có một số ý kiến đề xuất của các chuyên gia cho rằng Nhà nước nên áp dụng chứng chỉ chứng nhận vàng có trả lãi giống như việc gửi tiết kiệm vàng có lãi suất.
Việc này lẽ ra Nhà nước nên lưu tâm và làm sớm hơn mới phải. Những người như tôi và bạn tôi sẽ là những khách hàng muốn gửi tiết kiệm bằng vàng (bên cạnh việc gửi tiết kiệm bằng tiền). Đây là một hình thức phổ biến ở nhiều quốc gia phát triển đã thực hiện và có hiệu quả. Hơn nữa, chỉ cần Nhà nước đứng ra chịu trách nhiệm về hoạt động này thì niềm tin của nhân dân sẽ tăng cao.
Lo lắng của người gửi về việc chứng chỉ chứng nhận vàng chỉ là một tờ giấy dễ rách, cháy hay bị mất, nhưng suy cho cùng, việc gửi lãi suất tiết kiệm bằng tiền suốt bao năm nay cũng chỉ thông qua một “tờ giấy” có chữ ký của ngân hàng mà thôi.
Thậm chí, trong thời đại công nghệ, với sự xuất hiện của ngân hàng số, với việc gửi tiết kiệm hay chuyển khoản online, bạn chỉ cần ngồi một chỗ và bằng vài cái click chuột, hàng trăm triệu hay hàng tỷ đồng đang nằm trong tài khoản của bạn lập tức biến mất và “nhảy” sang tài khoản người khác mà vẫn đảm bảo an toàn cho tài sản của bạn.
Cách thức thực hiện hoàn toàn thông qua mạng máy tính, nghe có vẻ “ảo” nhưng số tiền là thật, giao dịch là thật bởi luôn có sự theo dõi, kiểm soát bởi các bộ phận nhân sự trong ngân hàng và có sự đảm bảo an toàn tuyệt đối nếu bạn giao dịch tại các ngân hàng uy tín.
Nhiều người cho rằng “đồng tiền đi liền khúc ruột”, tài sản của mình thì phải do mình cất giữ chứ gửi cho ngân hàng thì khác nào “thả gà ra mà đuổi”. Nếu trước đây, ngân hàng nhà nước không có chính sách khuyến khích gửi tiết kiệm mà chỉ là hình thức “giữ hộ vàng” có thu phí thì đúng là việc gửi ngân hàng không nên và không cần thiết.
Nhưng hiểu theo đúng nghĩa thì gửi tiết kiệm vàng là khi mọi người có nguồn vàng nhàn rỗi đều có thể mang đến gửi ngân hàng để hưởng lãi suất. Người dân có thể lựa chọn mua vàng để gửi hoặc cầm tiền đến ngân hàng rồi quy đổi ra số lượng vàng tương ứng, tính theo giá hiện hành. Hết kỳ hạn gửi tiết kiệm vàng, ngân hàng sẽ thanh toán cho khách hàng đúng số vàng đã gửi hoặc số tiền ngang giá với miếng vàng tại thời điểm thanh toán. Mức lãi suất do từng ngân hàng quy định, có thể thấp hơn so với mức lãi suất tiền đồng. Điều này hoàn toàn chấp nhận được do lo ngại một số rủi ro cho Nhà nước và thị trường tiền tệ.
Nhưng chắc chắn vẫn có lợi cho người gửi bởi vàng có nơi “trú ẩn” an toàn và dù mức lãi suất thấp nhưng có lãi còn hơn là để bất động trong nhà. Như vậy, việc gửi tiết kiệm vàng có lãi hay lỗ phụ thuộc rất nhiều vào sự biến động của thị trường. Người gửi cũng có thể không thu được nhiều lợi nhuận nếu giá vàng lên, xuống khó lường trong khi người gửi vàng trong thời gian ngắn hạn hoặc gửi với số lượng ít.
Cá nhân tôi cho rằng, nếu xác định tích trữ vàng như một loại tài sản tiết kiệm lâu dài thì khả năng có lãi rất cao bởi vàng là kim loại có tính ổn định bền vững, càng để lâu càng có giá trị. Hơn nữa, việc gửi tiết kiệm bằng vàng sẽ giúp người có vàng yên tâm hơn, xã hội ổn định hơn vì hạn chế được các rủi ro trộm cướp, rủi ro lạm phát và giá cả vật chất leo thang.
Thậm chí, những giai đoạn giá vàng lên như hiện nay, những người có vàng và gửi lãi suất bằng vàng còn được lãi kép. Tức là, họ vừa được hưởng lợi từ việc vàng tăng giá vừa hưởng lãi suất của ngân hàng.
Theo Đỗ Hải/Vietnamnet.vn
Link gốc: https://vietnamnet.vn/gui-tiet-kiem-vang-2246864.html