(Xây dựng) – Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) và các thành viên nhóm cộng đồng Năng lượng tái tạo Việt Nam nhất trí đề nghị Chính phủ kéo dài thời gian hỗ trợ các dự án sản xuất điện mặt trời áp mới trong tình hình cả thế giới đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Nhiều gia đình tại Hà Nội đã lựa chọn lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái để giảm tiền điện và bảo vệ môi trường (Ảnh: GreenID). |
Ngày 6/4/2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, thay thế Quyết định 11/2017 đã hết hiệu lực từ 30/6/2019.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 22/5/2020 và có thời hạn áp dụng đến hết ngày 31/12/2020. Nội dung Quyết định đưa ra các biểu giá hỗ trợ mới (FIT2) cho các dự án điện mặt trời mặt đất, mái nhà và nổi trên mặt nước.
Trong đó, mức giá FIT mới cho hệ thống điện mặt trời mái nhà giảm xuống còn 8,38cent, tương đương 1.943 đồng/kWh. Mức giá hỗ trợ các dự án điện mặt trời mặt đất là 7,09 cent, tương đương 1.644 đồng/kwh và các dự án điện mặt trời nổi có mức giá hỗ trợ 7,69 cent Mỹ, tương đương 1.783 đồng/kwh.
Vài ngày sau, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) và các thành viên nhóm cộng đồng Năng lượng tái tạo Việt Nam phối hợp tổ chức tọa đàm trực tuyến về FIT 2 và cơ chế chính sách cho phát triển điện mặt trời ở Việt Nam sau năm 2020.
Sự kiện có sự tham gia của hơn 120 đại biểu đại diện cho các Quỹ đầu tư, chủ dự án, doanh nghiệp thi công, xây lắp, cung cấp dịch vụ, người tiêu dùng, chuyên gia và giới truyền thông trong, ngoài nước.
Tọa đàm diễn ra sôi nổi với các thảo luận xoay quanh chủ đề chính là các điểm thuận lợi và khó khăn để thực hiện cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời (FIT2) trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp trên toàn cầu.
Kết thúc toạ đàm, các đại biểu tham dự đã nhất trí về một số đề xuất, kiến nghị chung trình Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện FIT2 hiệu quả, tránh rơi vào tình trạng như FIT1.
Điện mặt trời áp mái sẽ là xu thế chung trong tương lai (Ảnh: GreenID). |
Trước hết, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần xây dựng chính sách phát triển ngành điện mặt trời lâu dài, bền vững và có lộ trình rõ ràng, minh bạch để tạo được sự tin tưởng của các nhà đầu tư, sự phát triển lành mạnh của thị trường.
Chính phủ cũng nên gia hạn thời gian thực hiện FIT2 vì tình hình dịch bệnh nghiêm trọng trên toàn cầu sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc huy động nguồn lực tài chính và cung ứng thiết bị để triển khai các dự án.
Trên cơ sở đó, các đại biểu kiến nghị Chính phủ kéo dài chính sách hỗ trợ giá theo Quyết định 13 2020/QĐ-TTg cho điện áp mái thêm ít nhất 1 năm, tính từ ngày 31/12/2020.
Ngoài ra, Chính phủ cũng nên xây dựng cơ chế, chính sách riêng cho phát triển điện mặt trời áp mái với lộ trình rõ ràng, dài hạn, bền vững và ban hành 6 tháng trước khi kết thúc thời hạn FIT2.
Theo đánh giá của các chuyên gia, điện mặt trời áp mái mang lại rất nhiều lợi ích và là giải pháp hiệu quả để giảm nguy cơ thiếu điện đang cận kề trong khi các nguồn điện lớn và đường dây truyền tải chưa thể triển khai trong thời gian tới.
Cuối cùng, các đại biểu mong muốn Bộ Công Thương sớm ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện FIT2 nhằm đảm bảo đủ thời gian cho các bên tham gia được hưởng các ưu đãi từ chính sách này.
Dịch Phong
Theo