Thứ hai 29/04/2024 14:53 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Góp ý hồ sơ Báo cáo NCTKT Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

15:06 | 23/01/2019

(Xây dựng) – Sau khi nhận được Công văn số 12919/BGTVT-KHDT ngày 14/11/2018 xin ý kiến về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (Báo cáo NCTKT), kèm theo hồ sơ do Ban quản lý dự án đường sắt lập tháng 10/2018, Bộ Xây dựng đã có Văn bản 118/BXD-HTKT gửi Bộ Giao thông Vận tải.


Ảnh minh họa.

Theo Bộ Xây dựng, Báo cáo NCTKT được tổ chức lập đúng trình tự và cơ bản đầy đủ các nội dung được quy định tại Luật Xây dựng số 50/2014/QH13.

Hồ sơ Báo cáo NCTKT cần làm rõ một số nội dung như sau: Về sự cần thiết và các điều kiện để thực hiện đầu tư xây dựng: Bổ sung những ý kiến đánh giá, góp ý của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII (kỳ họp thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội – TP Hồ Chí Minh), ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học và những giải trình tiếp thu tại hồ sơ Báo cáo NCTKT lần này;

Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của các nước có điều kiện phát triển kinh tế tương tự Việt Nam, cần đánh giá chi tiết và định lượng hơn về ưu thế của đường sắt tốc độ cao trên các mặt: Chi phí, thời gian di chuyển trên cùng một cung đường… so với các loại hình vận tải hành khách khác trong giai đoạn 1 (đoạn Hà Nội – Vinh, Nha Trang – TP Hồ Chí Minh) và trên toàn trục Bắc – Nam;

Cần dự báo nhu cầu vận tải trên trục Bắc – Nam của kịch bản 1 và kịch bản 2 ở các chặng đường tương đồng với kịch bản 3, làm cơ sở đánh giá khả năng thu hút hành khách của tuyến đường sắt tốc độ cao sau khi đưa vào khai thác; Rà soát, thống nhất các số liệu tính toán như số liệu tại bảng 5 - 1 và 7 - 1…

Đề nghị đánh giá tác động của đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam tới thị phần vận tải hành khách của đường bộ và hàng không; tới hoạt động kinh doanh của các dự án PPP đường bộ và các sân bay, cảng hàng không dọc theo tuyến đường sắt tốc độ cao;

Cần có những nghiên cứu, đặt việc đầu tư dự án trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0 với cách thức vận hành nền kinh tế có nhiều thay đổi và mục tiêu đầu tư phát triển hạ tầng, cơ sở có nhiều biến động.

Về hướng tuyến, quy mô và địa điểm xây dựng: Nghiên cứu hướng tuyến đi qua các khu vực đô thị hiện hữu và dự kiến phát triển đô thị trong tương lai bảo đảm tính khoa học, toàn diện và có tầm nhìn lâu dài trong phát triển đô thị; Chú ý cập nhật quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong giai đoạn sắp tới; Nghiên cứu phương án tránh hướng tuyến đi qua vườn quốc gia, di tích lịch sử;

Cần có phương án thống nhất của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đối với những vị trí bắt buộc phải đi qua đất quốc phòng, an ninh; Đề nghị thuyết minh cụ thể việc đánh giá, lựa chọn phương án hướng tuyến (đặc biệt hướng tuyến giữa các ga), vị trí Đề - pô, trạm bảo dưỡng, làm căn cứ thuyết phục khi tính khối lượng xây dựng, khối lượng giải phóng mặt bằng.

Về công nghệ dự kiến sử dụng: Đề nghị sử dụng công nghệ tiên tiến là xu hướng phát triển trong tương lai, tránh hiện tượng công nghệ của Giai đoạn 1 không tương thích hoặc quá lạc hậu so với Giai đoạn 2; cần xác định những nhóm công nghệ dự kiến phải chuyển giao, tránh phụ thuộc quá nhiều vào nhà cung cấp.

Về sơ bộ tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn và khả năng hoàn vốn: Dự án đường sắt tốc độ cao là một dự án có tổng mức đầu tư rất lớn, tỷ trọng vốn đầu tư trong tổng thể phát triển hạ tầng cơ sở ở mức cao, cần Nhà nước đầu tư trong thời gian dài. Nội dung, thành phần và phương pháp lập Sơ bộ tổng mức đầu tư cần tuân thủ quy định tại Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn. Cân nhắc phương án sử dụng vốn vay ODA vì mức vay dành cho đầu tư đường sắt tốc độ cao có tỷ lệ so với hạn mức có thể vay thêm (tương ứng với đường kế hoạch nợ công giai đoạn 2020 – 2040) là cao và còn ít dư địa cho các ngành khác sử dụng vốn vay.

Khánh An

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load