Thứ sáu 29/03/2024 19:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Gói thầu EPC dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3, 4 liệu có đảm bảo minh bạch trong đấu thầu?

17:44 | 19/08/2021

(Xây dựng) - Gói thầu Thiết kế, mua sắm, xây dựng, lắp đặt, chạy thử và nghiệm thu (EPC) Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 do Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power) làm chủ đầu tư hiện đang “lùm xùm” với hàng loạt đơn thư kiến nghị từ các công ty lớn trên thế giới. Đại sứ quán một số nước gửi lên Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành đề nghị xem xét cách tổ chức đấu thầu sao cho công bằng, minh bạch…

goi thau epc du an nha may dien nhon trach 3 4 lieu co dam bao minh bach trong dau thau
Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 (Ảnh minh họa).

Dự án được mời thầu quốc tế gói EPC có giá 24.147,637 tỷ đồng. Phương thức lựa chọn nhà thầu là 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ; Bảo đảm dự thầu 370 tỷ đồng. Sau khi được phê duyệt, Hồ sơ mời thầu của gói thầu EPC được phát hành ngày 28/3/2021 và đóng thầu vào ngày 6/7/2021. Tuy nhiên, do đề nghị của một số nhà thầu, PV Power đã gia hạn thời gian đóng thầu vào lúc 13h30 ngày 6/8/2021 và thời điểm mở thầu vào lúc 14h00 cùng ngày. Dẫu vậy, đến thời điểm đóng thầu hôm 6/8/2021, đã có ít hơn 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu. Do đó, PV Power lại quyết định gia hạn thời điểm đóng thầu tới 13h30 ngày 23/8/2021 và thời điểm mở thầu là 14h cùng ngày.

Đến nay có 16 nhà thầu trong nước và quốc tế quan tâm đến dự án này. Tuy nhiên, rất nhiều công ty lớn như Mitsubishi, Siemens và Huyndai, Đại sứ quán Nhật Bản, Đại sứ quán Đức đã phải có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đề nghị xem xét lại gói thầu, bởi các yêu cầu trong hồ sơ mời thầu đang khiến các doanh lớn trên sẽ sớm bị loại do không đáp ứng được.

Điều đáng nói là các yêu cầu trong hồ sơ thầu được đưa ra chỉ có duy nhất 1 công ty đảm bảo được yêu cầu, khiến dư luận băn khoăn về tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả của dự án. Rất có thể bài thầu đã được một nhóm lợi ích nào đó âm thầm tính toán từ trước?

Cụ thể, qua tìm hiểu, hồ sơ mời thầu dự án nêu trên yêu cầu nhà cung cấp phải có kinh nghiệm trong việc sản xuất tua-bin khí giống như thiết bị của gói thầu, cung cấp ít nhất 02 tổ máy trên toàn cầu, trong đó có ít nhất 01 tổ máy đã đưa vào vận hành thương mại.

Theo ghi chú thì các tua-bin khí này phải giống với các tua-bin khí được đề xuất cho gói thầu, cụ thể có 6 tiêu chí: Có cùng phiên bản tua-bin khí; Có cùng lớp lót buồng đốt và nguyên lý đốt giống nhau; Có cùng nhiệt độ đầu vào tua-bin; Có phần lưu lượng giống nhau đối với máy nén và tua-bin khí; Có cùng số lượng tầng cánh máy nén, cánh động và cánh tĩnh tua-bin; Có cùng kiểu làm mát buồng đốt”. 6 tiêu chí này chỉ có duy nhất nhà thầu sử dụng thiết bị của GE là Samsung C&T Corporation đảm bảo yêu cầu. Như vậy, nếu tổ chức đấu thầu thì Samsung C&T Corporation sẽ “một mình một ngựa” chiến thắng.

Qua đó, dư luận cho rằng tính cạnh tranh, hiệu quả kinh tế khó có thể được đảm bảo, còn có nguyên nhân xuất phát từ vị thế độc quyền của nhà cung cấp thiết bị chính (OEM) mà chủ đầu tư PV Power chưa quan tâm xử lý, mặc dù được nhiều nhà thầu kiên trì kiến nghị trong suốt thời gian dài kể từ khi phát hành hồ sơ mời thầu.

Được biết gói thầu EPC có phần thiết bị chính được cung cấp bởi các OEM - chiếm khoảng dưới 40% giá trị trong khi có hơn 60% còn lại là do tổng thầu EPC (cùng với các nhà thầu phụ trong nước) đảm nhận, và đây cũng là pháp nhân tham dự thầu, chịu trách nhiệm duy nhất trước Chủ đầu tư trong quá trình đấu thầu và thực hiện dự án nếu trúng thầu.

Trao đổi với Báo điện tử Xây dựng, một lãnh đạo nhà thầu Hàn Quốc cho biết: “Quy định của hồ sơ mời thầu ở dự án này “vô tình” làm cho chỉ có duy nhất một OEM đáp ứng được về mặt kỹ thuật. Về mặt thương mại, OEM này lại có thỏa thuận độc quyền về cung cấp hàng hóa chỉ cho một nhà thầu EPC duy nhất. Kết quả cuối cùng, theo đúng kịch bản dự báo và đang diễn ra, tại thời điểm nộp thầu (ngày 06/8/2021 vừa qua), chỉ duy nhất một nhà thầu EPC đi cùng với một OEM tham gia. Chủ đầu tư đã gia hạn thời gian nộp thầu đến ngày 23/8/2021 với mong muốn về lý thuyết là sẽ nhận được thêm hồ sơ dự thầu. Tuy nhiên, nếu các nội dung cơ bản của hồ sơ mời thầu, bao gồm xử lý về độc quyền OEM không thay đổi, gần như chắc chắn không thể có thêm nhà thầu nào nộp thầu được, dù rất muốn. Các nhà thầu đã có văn bản gửi Chủ đầu tư khẳng định việc này, sau khi nhận được thông báo gia hạn. Trong hoàn cảnh đó, biết trước về việc không có đối thủ cạnh tranh, liệu có nhà thầu EPC nào “tốt bụng” đến mức đưa ra giá chào thầu hợp lý như kỳ vọng của Chủ đầu tư?”.

Liên quan nội dung này, trước phản ánh của nhiều nhà thầu dựa trên thực tế của quá trình đấu thầu, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 638/QLĐT-CS ngày 17/5/2021 hướng dẫn thỏa thuận độc quyền (như mô tả ở trên) là một trong những hành vi thông thầu, bị cấm theo Điều 89, Khoản 3, Điểm c của Luật Đấu thầu, có thể dẫn đến việc phải hủy thầu, đồng thời cũng là dấu hiệu của hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo Điều 11 của Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14. Do vậy, Cục Quản lý đấu thầu đã khuyến cáo “để tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu, hạn chế việc từ chối bán hàng hóa của nhà cung cấp thiết bị gốc, gây khó khăn cho các nhà thầu tham dự thầu, thì trong hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư cần đưa ra quy định cụ thể về việc xử lý đối với hành vi hạn chế cạnh tranh nói trên”.

Đáng tiếc, Chủ đầu tư đã không tiếp thu đầy đủ ý kiến của Cục Quản lý đấu thầu; Phản ánh của các nhà thầu về thực tế thị trường, dẫn đến kịch bản độc quyền OEM xảy ra đúng như dự báo, gián tiếp tạo vị thế độc quyền cho nhà thầu EPC, không đảm bảo được tính cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cho dự án, là các mục tiêu của bất kỳ quá trình đấu thầu nào. Ở đây, cũng cần nhắc lại Văn bản số 515/ĐL-NĐ&ĐHN ngày 21/4/2020 của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Cục ĐL) – Bộ Công Thương, trong đó Cục ĐL đã khuyến cáo Chủ đầu tư về lựa chọn công nghệ, nhà cung cấp cần đảm bảo tăng tính cạnh tranh và hiệu quả của dự án.

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia trong lĩnh vực Điện khí cho rằng, ở đây nên tham khảo các quy định về đấu thầu cho các gói thầu tương tự (cùng lĩnh vực, cùng các OEM) ở các nước trên thế giới, theo đó, chủ đầu tư dự án thường đặt ra yêu cầu trong hồ sơ mời thầu về việc nghiêm cấm hành vi thỏa thuận độc quyền giữa OEM và nhà thầu EPC; nếu có thỏa thuận như vậy, thì cả OEM và nhà thầu EPC đều bị loại. Quy định tưởng chừng rất đơn giản này nhưng lại có tác dụng làm gia tăng mạnh mẽ tính cạnh tranh, và người hưởng lợi đương nhiên là Chủ đầu tư khi có giá cả tốt nhất, kỹ thuật đảm bảo và cuối cùng, người tiêu dùng điện và tổng thể nền kinh tế được lợi.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4, trước đó, PV Power đã phải hủy thầu và tổ chức đấu thầu lại gói thầu “Thi công hạng mục san lấp mặt bằng Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4”.

Về tiến độ, chậm trễ triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4 gây ảnh hưởng lớn đến Dự án Kho cảng LNG Thị Vải của PV Gas – cung cấp LNG cho Nhà máy Nhiệt điện là hộ tiêu thụ lớn nhất.

Ngày 10/08/2021, Đại sứ quán Nhật Bản đã có thư gửi Văn phòng Chính phủ bày tỏ quan ngại về quá trình đấu thầu gói thầu EPC dự án Nhơn Trạch 3, 4 và đề nghị Văn phòng Chính phủ giúp đỡ làm việc với PV Power về yêu cầu của hồ sơ mời thầu, nhằm đảm bảo công bằng, bình đẳng, trên cơ sở tuân thủ pháp luật Việt Nam và hiệu quả đấu thầu quốc tế. Trước đó, phản ánh cùng nội dung về gói thầu này, ngày 02/08/2021, Đại sứ quán Đức đã có thư gửi Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, hiếm khi một gói thầu lại nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đại sứ quán của nhiều nước tại Việt Nam như gói thầu EPC kể trên. Thiết nghĩ, sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng lúc này là hết sức cần thiết.

Nam Nhi

Theo

Cùng chuyên mục
  • GDP quý I năm 2024 tăng trưởng 5,66%

    (Xây dựng) - Sáng 29/3, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I/2024.

  • Nhà thầu phụ có được thuê lại nhân công của chủ đầu tư?

    (Xây dựng) - Bà Hoàng Thị Hóa (Quảng Bình) đang công tác tại đơn vị sự nghiệp, tự bảo đảm chi thường xuyên. Đơn vị có 250 viên chức và người lao động thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chính do UBND thành phố giao.

  • Bắc Ninh đứng thứ 2 cả nước về hút FDI trong quý I/2024

    (Xây dựng) – Với nhiều chính sách phù hợp trong thu hút đầu tư, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, cùng quan điểm chỉ đạo nhất quán trong điều hành, điều chỉnh chính sách thu hút FDI của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh thời gian qua đã giúp tỉnh này đứng thứ 2 cả nước, về hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong quý I/2024.

  • Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục hợp tác với 5 tỉnh Tây Nguyên để phát triển kinh tế - xã hội

    (Xây dựng) – Trong 2 ngày 3 - 4/4, tại khách sạn Rex, Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh Tây Nguyên (Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông) sẽ tổ chức Hội nghị sơ kết thoả thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Đồng thời triển khai kế hoạch hợp tác năm 2024 và Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên.

  • Hà Tĩnh: Chỉ số sản xuất ngành Công nghiệp quý I/2024 ước tăng 4,27%

    (Xây dựng) - Quý I/2024, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nỗ lực ổn định hoạt động sản xuất; tích cực đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ… Chỉ số sản xuất ngành Công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh quý I tăng 4,27% so với cùng kỳ năm 2023

  • Tây Ninh: Nhiều điểm sáng trong quý I/2024

    (Xây dựng) - Kết thúc quý I/2024, tỉnh Tây Ninh đạt được kết quả nhiều khởi sắc so với cùng kỳ năm 2023, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục được phục hồi, GRDP tăng 8%, cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ. Tây Ninh đặt kế hoạch đạt 50% giải ngân vốn đầu tư công của năm trong quý II/2024.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load