(Xây dựng) - Nhà thầu quốc tế Siemens Energy đã gửi thư kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vì cho rằng Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam tạo ra rào cản để làm khó công ty khi tham gia đấu thầu tại dự án điện Nhơn Trạch 3-4.
Dự án điện Nhơn Trạch 3-4 do Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 32.486.933.657.876 đồng (Ảnh: Internet). |
Siemens Energy cho rằng PV Power làm khó mình
Ngày 19/7/2021, Công ty Siemens Energy đã có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị về hồ sơ mời thầu của các gói thầu quốc tế tại dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4.
Theo Siemens Energy: “Công ty đang đứng trước thách thức nghiêm trọng khi tham gia đấu thầu dự án điện Nhơn Trạch 3-4 vì chủ đầu tư là Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam đã chặn chúng tôi cung cấp dòng tua bin khí 9000HL, đây là công nghệ tiên tiến và hiệu quả nhất của chúng tôi”.
Kiến nghị của Siemens Energy cũng nêu rõ, việc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam đặt ra yêu cầu đối với phiên bản 50Hz của tuabin khí để hoạt động tại thời điểm nộp thầu chủ yếu ảnh hưởng đến Siemens Energy và nó ngăn cản công ty tham gia dự án này một cách hiệu quả. Trong khi đó, phiên bản 60Hz của tuabin khí 9000HL của chúng tôi đã hoạt động từ tháng 5/2020.
Về bản chất, tuabin 60Hz là cơ sở cho tuabin 50Hz theo nguyên tắc tỷ lệ đồng dạng, đã là thông lệ tiêu chuẩn của thị trường trong hơn 50 năm qua. Nếu như theo yêu cầu đưa ra của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam thì chỉ có 01 hoặc 02 nhà thấu tham gia đấu thầu, ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của dự án.
Quan điểm mà phía Siemens Energy: “Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam đã đưa ra rào cản không cho phép tuabin 60Hz của tuabin khí 9000HL của công ty chúng tôi tham gia gói thầu Nhơn Trạch 3 - 4 và rào cản này đã bất ngờ được đưa ra chỉ vài tuần trước khi nộp thầu. Do đó, chỉ 1 hoặc 2 nhà sản xuất khác có thể tham gia đấu thầu. Khả năng cạnh tranh của dự án sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và kéo theo chi phí sử dụng điện của người dân Việt Nam sẽ cao hơn”.
Về vấn đề này, ngoài Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Siemens Energy cũng đã gửi thư cho Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam rà soát lại
Sau khi nhận được đơn kiến nghị của Công ty Siemens Energy, ngày 04/8/2021, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã ký Văn bản số 5112/BKHĐT-QLĐT gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để rà soát, xử lý dứt điểm những phản ánh, kiến nghị mà phía nhà thầu Siemens Energy đưa ra trong quá trình tổ chức đấu thầu tại dự án Nhơn Trạch 3-4 do Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư.
Nếu kiến nghị của Siemens Energy chính xác, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải tổ chức đấu thầu lại một cách minh bạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Ảnh: Internet). |
Văn bản mà Bộ Kế hoạch Đầu tư gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nêu rõ: “Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phần V Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn Nhà nước, các tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm toàn diện với hiệu quả công tác quản lý đấu thầu. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc giải quyết triệt để, khẩn trương các kiến nghị theo đúng quy định tại Điều 91 và quy trình tại Điều 92 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13; thường xuyên nắm bắt thông tin, tổ chức kiểm tra giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm; chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp để xảy ra vi phạm trong quản lý theo thẩm quyền”.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp nhận thông tin, tổ chức xem xét, xác minh và giải quyết triệt để những kiến nghị của Công ty Siemens Energy, đảm bảo tính cạnh tranh, hiệu quả của gói thầu và dự án, quyền và lợi ích hợp pháp của nhà thầu, tránh để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.
Trong quá trình xử lý kiến nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lưu ý Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (Điều 12 khoản 2) quy định trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Trường hợp phản ánh của Công ty Siemens Energy là chính xác, Tập đoàn cần có các biện pháp xử lý kịp thời, yêu cầu chủ đầu tư sửa đổi hồ sơ mời thầu, gia hạn thời điểm đóng thầu đảm bảo đủ thời gian cho nhà thầu chuẩn bị hồ sơ dự thầu (nếu cần thiết) để đảm bảo tính cạnh tranh, hiệu quả của gói thầu và dự án.
Công Hưng
Theo