Thứ năm 25/04/2024 04:58 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Giải pháp phát triển mô hình kinh doanh tuần hoàn tại Việt Nam

19:33 | 20/08/2022

(Xây dựng) – Ngày 19/8, trong khuôn khổ hợp tác với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo “Mô hình kinh doanh tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức thông qua hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

giai phap phat trien mo hinh kinh doanh tuan hoan tai viet nam
Toàn cảnh Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, Hội thảo công bố báo cáo, nhằm mục đích chia sẻ kết quả nghiên cứu về mô hình kinh doanh tuần hoàn (KDTH) với trọng tâm là kinh nghiệm quốc tế về phát triển các mô hình KDTH, thực trạng và khuyến nghị giải pháp để phát triển các mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn tại Việt Nam.

Trên thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn trên cơ sở các quy định và chính sách về phát triển bền vững như: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững; Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp...

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được trách nhiệm xã hội và xây dựng các mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của mình, đóng góp vào sự phát triển bền vững chung của nền kinh tế, ví dụ các trường hợp của Công ty Cổ phần Sữa Vinamilk, Công ty Nestle Việt Nam, Công ty Coca Cola, Công ty Lagom Việt Nam, Công ty Cổ phần Hoá chất Đức Giang,..

Đặc biệt, trong lĩnh vực tái chế, nhiều mô hình KDTH đã được vận hành và đem lại những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, phần lớn việc áp dụng các mô hình KDTH tại các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là do tự phát. Từ thực tiễn trên, CIEM nhận định, những khó khăn thách thức đối với phát triển các mô hình KDTH vẫn xuất hiện ở hầu hết các khía cạnh của hoạt động kinh doanh, đó là nguồn lực, công nghệ, thị trường,…

Bên cạnh đó, nhận thức về kinh tế tuần hoàn nói chung, đặc biệt là về mô hình KDTH tại Việt Nam còn hạn chế do khung pháp luật chưa đầy đủ, rõ ràng và đồng bộ; năng lực và nguồn lực của doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; văn hoá kinh doanh, thói quen tiêu dùng và nội dung chính sách pháp luật vẫn chủ yếu dựa trên triết lý kinh doanh tuyến tính truyền thống. Kinh doanh tuyến tính truyền thống hiện vẫn đang có nhiều lợi thế so với KDTH, đặc biệt là ở khía cạnh chi phí.

Trong bối cảnh quốc tế và trong nước đưa đến những cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế tuần hoàn và kinh doanh trong kinh tế tuần hoàn, nhất là chủ trương, chính sách mới về kinh tế tuần hoàn, KDTH để đạt mục tiêu phát triển bền vững, cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), CIEM khuyến nghị, để phát triển kinh tế tuần hoàn nói chung và KDTH nói riêng, một số giải pháp quan trọng cần tập trung trong giai đoạn tới gồm: Tăng cường nhận thức về kinh tế tuần hoàn, KDTH; hoàn thiện khung thể chế, pháp luật có liên quan.

Đồng thời, cần đẩy mạnh thực hiện lồng ghép các giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn, KDTH trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp với ban hành chính sách cụ thể về hỗ trợ nguồn lực đối với các doanh nghiệp và xây dựng hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn, đặc biệt là bộ tiêu chí đo lường mức độ KDTH của các doanh nghiệp, cũng như có hướng dẫn chi tiết về việc áp dụng mô hình KDTH cho các doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực...

Về phía doanh nghiệp, để tận dụng được những cơ hội cũng như hạn chế những khó khăn, thách thức khi hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng các chiến lược dài hạn đối với việc chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng được nghe các chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ về vai trò của KDTH trong tổng thể nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế; đánh giá các giải pháp thúc đẩy phát triển KDTH của nghiên cứu và khả năng áp dụng của Công ty Cổ phần Hóa chất Đức Giang và Công ty TNHH Lagom Việt Nam;...

Đan Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load