(Xây dựng) – Quá trình đô thị hóa nhanh đang kéo theo những hệ lụy về ô nhiễm môi trường, giao thông, dân số... Và nếu không có giải pháp cấp bách, Việt Nam rất có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ “vỡ trận” trong quản lý phát triển đô thị. Việc nghiên cứu, cho ban hành Dự luật Quản lý phát triển đô thị trong giai đoạn hiện nay được coi là “liều thuốc” cấp thiết, kỳ vọng giải quyết nhiều vấn đề bức thiết trong quá trình quản lý, hình thành, phát triển đô thị.
Những bất cập, hạn chế trong quá trình đô thị hóa cho thấy sự cấp thiết phải ban hành Dự luật Quản lý phát trển đô thị.
Nhiều bất cập trong quản lý phát triển đô thị
Sau 30 năm đổi mới, quá trình đô thị hoá gắn với công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, hệ thống đô thị Việt Nam có bước phát triển nhanh về cả số lượng và chất lượng.
Theo thống kê, năm 1999, tỷ lệ đô thị hoá tại Việt Nam tăng khoảng 19,6% với 629 đô thị, năm 2016 tăng lên khoảng 36,6% với 802 đô thị (trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, 17 đô thị loại I, 25 đô thị loại II, 41 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV và khoảng 633 đô thị loại V).
Bên cạnh các đô thị mới hình thành và phát triển, các đô thị hiện đại cũng được nâng cấp, mở rộng quy mô, bộ mặt đô thị đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng hiện đại, góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện nay khu vực đô thị đóng góp trên 50% GDP, khoảng 2/3 giá trị sản xuất công nghiệp, 2/3 giá trị xuất khẩu, hình thành những khu công nghiệp, khu chế xuất hiện đại. Công tác quy hoạch phát triển đô thị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng tại các đô thị chưa thực sự cao; Năng lực cạnh tranh của đô thị còn thấp; Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị phát triển chưa đồng bộ, không đáp ứng kịp thời tốc độ phát triển kinh tế và dân số dẫn tới nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, ngập lụt... đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Điều này cũng đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận tại phiên chất vấn của Uỷ ban thường vụ Quốc hội vào sáng ngày 16/8. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: Quy hoạch đô thị vừa qua được quan tâm cả về xây dựng thể chế, tổ chức thực hiện, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong quy hoạch đô thị còn bộc lộ nhiều hạn chế… Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện các quy định, thể chế về quy hoạch đảm bảo nâng cao chất lượng, chống lãng phí trong quy hoạch.
Các chuyên gia cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân chính liên quan đến bất cập trong quản lý phát triển đô thị bắt nguồn từ hệ thống văn bản pháp luật chưa thống nhất, thiếu đồng bộ, và chưa có sự điều chỉnh toàn diện các vấn đề từ thực tiễn. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng, cho ra đời Dự luật Quản lý phát triển đô thị.
Bà Tống Thị Hạnh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây Dựng) cho biết: Sẽ có 6 chính sách “xương sống” được đề xuất trong đề nghị xây dựng Dự luật Quản lý phát triển đô thị.
Xây dựng dự luật từ những chính sách “xương sống”
Nhận thấy tính cấp bách của dự luật, Bộ Xây Dựng cũng đã có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng Dự luật quản lý phát triển đô thị.
Theo đó, Dự luật Quản lý phát triển đô thị sẽ quy định về quá trình hình thành, đầu tư xây dựng và kiểm soát phát triển đô thị; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, pháp nhân, cá nhân trong quản lý phát triển đô thị.
Phạm vi điều chỉnh của luật bao gồm các hoạt động chuyên nghành thuộc lĩnh vực xây dựng phát triển đô thị, không điều chỉnh toàn bộ các vấn đề quản lý đô thị như: vấn đề dân số, văn hoá - xã hội, an ninh quốc phòng... Nhằm tránh sự chồng chéo, luật cũng sẽ đảm bảo yêu cầu phân định rành mạch với các luật khác, cụ thể: một số quy định tại các luật khác sẽ được bãi bỏ để điều chỉnh, sửa đổi và quy định tại Luật quản lý phát triển đô thị.
Trao đổi với PV Báo Xây dựng về vấn đề này, bà Tống Thị Hạnh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) cho biết: Sẽ có 6 chính sách “xương sống” được đề xuất trong đề nghị xây dựng Dự luật quản lý phát triển đô thị. Đây được xem là những chính sách cốt lõi, giải pháp mang tính chiến lược nhằm khắc phục hạn chế, bất cập của đô thị hoá nước ta hiện nay.
Các chính sách cụ thể bao gồm: Phát triển đô thị theo định hướng, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch; Phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ; Quản lý đầu tư phát triển đô thị; Phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, xanh, sinh thái; Đa dạng hoá và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển đô thị; Quản lý nhà nước về phát triển đô thị.
Để tránh sự chồng chéo, thống nhất trong quá trình xây dựng Dự thảo luật, bà Tống Thị Hạnh cũng cho biết: Nguyên tắc của xây dựng pháp luật là phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ; đảm bảo không có sự chồng chéo mâu thuẫn giữa các văn bản luật với nhau. Nội dung dự luật về cơ bản sẽ đưa ra những quy định mới, dựa trên những cơ sở những quy định đã có, nhưng nay không còn phù hợp và phải được sửa đổi, bổ sung.
“Việc xây dựng Dự luật Quản lý phát triển đô thị sẽ được tổng hợp, phân tích kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới. Việc hoàn thiện hệ thống công cụ pháp luật ở giai đoạn hiện nay sẽ góp phần điều chỉnh các hoạt động về phát triển đô thị. Đồng thời, kiến tạo môi trường sống đô thị có chất lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, khả năng cạnh tranh của các đô thị, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng trong cả nước”, bà Tống Thị Hạnh cho biết thêm.
Nam Hạ
Theo