(Xây dựng) - Ở căn hộ chung cư thường hay gặp lỗi về phong thủy là nhiều khi phải đặt ban thờ gần cửa ra vào. Vậy phải sửa như thế nào?
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Thường thì căn hộ chung cư có hai cách thiết kế lối vào phòng: Thứ nhất là vào phòng bằng một lối đi, bên cạnh là khu phụ (vệ sinh); thứ hai là cửa ra vào mở thẳng vào phòng khách.
Trường hợp thứ hai, nhiều gia đình hay đặt ban thờ gắn tường ở cạnh cửa ra vào, có khi do được hướng, cũng có khi do đây là vị trí tối ưu vì tránh được đối diện với cửa, lại không giáp với bếp và khu phụ. Tuy nhiên vị trí này cũng có nhiều điều thất cách. Thứ nhất, ban thờ thuộc tĩnh mà cửa ra vào lại luôn động. Không khó để hình dung mỗi khi mở cửa sẽ có luồng gió cuốn trực tiếp vào ban thờ. Như thế, ban thờ sẽ chịu tác động trực tiếp của các luồng khí, trong đó có sát khí, gây bất lợi cho gia chủ. Đặc biệt, ban thờ ở vị trí quá “động” sẽ không thể tụ khí, thậm chí còn tan mất linh khí, làm cho gia chủ bất an, tiền của vào cửa trước, ra cửa sau không giữ được…
Thứ hai, ban thờ thuộc âm mà cửa ra vào thuộc dương cũng là một điều bất lợi. Vì thuộc âm nên ban thờ cần nơi tối, kín đáo; thế nhưng lại đặt gần cửa ra vào sẽ không còn kín đáo nữa, thậm chí còn quá lộ liễu mà có người gọi là “lộ dương”, không giữ được âm phúc, các vị Thần linh và vong linh gia tiên không thể yên vị.
Tuy nhiên, bạn hãy yên tâm vì những điều thất cách trên hoàn toàn có thể khắc phục dễ dàng bằng các giải pháp khả thi. Trong trường hợp này, bạn chỉ cần tìm cách hạn chế, thậm chí triệt tiêu yếu tố “động” ảnh hưởng đến ban thờ; đồng thời tạo ra không gian kín đáo, trang trọng cho nơi thờ tự là ổn.
Cụ thể, bạn hãy đặt một tấm vách để ngăn cách lối đi vào phòng với ban thờ, cản dòng khí tác động trực tiếp đến ban thờ. Như vậy, ban thờ sẽ có không gian “tĩnh” chứ không còn “động” nữa. Đồng thời, vách ngăn này cũng sẽ hình thành không gian riêng cho ban thờ, tạo sự kín đáo nhất định và ban thờ không còn bị “lộ dương” hay người ngoài nhòm ngó nữa.
Tùy theo không gian, diện tích, đặc điểm… cụ thể của căn hộ mà chọn cách lắp đặt vách ngăn cho phù hợp để vừa hóa giải những thất cách về phong thủy, vừa tạo sự hài hòa và thẩm mỹ cho căn phòng.
Vách ngăn có thể kéo sát từ sàn lên trần nhà, nhưng cũng có thể chỉ cần gắn từ khoảng ngang tầm mặt ban thờ lên sát trần là đủ. Vách ngăn cũng có thể kéo ra phía trước vừa bằng mép trước của ban thờ, cũng có thể nhô thêm ra phía trước, nhô nhiều hay ít tùy thuộc vào diện tích của căn phòng; tuy nhiên, phía sau phải áp sát tường để tạo sự kín đáo, không bị “hở lưng”.
Có thể bạn chỉ cần sử dụng một tấm vách để ngăn cách ban thờ với lối vào phòng, nhưng cũng có thể sử dụng vách ngăn cho cả hai mặt bên, mặt sau và phía trên trần để tạo không gian riêng biệt cho ban thờ, vừa trang nghiêm vừa có tính thẩm mỹ cao.
Về hình thức, có thể sử dụng vách ngăn kín để tạo không gian “tĩnh” và “kín” ở mức độ cao nhất cho ban thờ. Tuy nhiên, cũng có thể sử dụng vách ngăn thoáng để tạo hình và tạo mỹ quan, không gây bức bí cho ban thờ nói riêng và toàn bộ căn phòng, căn hộ nói chung. Bạn cũng có thể sử dụng đồng thời cả vách kín và vách thoáng để “quây” không gian thờ tự, tùy vào đặc điểm của căn phòng… Nếu cần, bạn có thể treo tấm rèm trước ban thờ để tạo thêm sự kín đáo cũng tốt.
Về chất liệu, bạn có thể sử dụng nhiều loại chất liệu khác nhau, từ kim loại, thạch cao, gỗ tự nhiên, gỗ công nghiệp, kính…, nhưng chất liệu gỗ là phù hợp hơn cả. Lý do: Theo Ngũ hành thì ban thờ thuộc Hỏa, còn chất liệu gỗ thuộc hành Mộc; mà theo quy luật của Ngũ hành thì Mộc sinh Hỏa nên vách ngăn làm bằng gỗ sẽ có lợi cho ban thờ. Hơn nữa, chất liệu gỗ cũng tạo sự ấm cúng, tôn thêm sự trang nghiêm của không gian thờ tự.
Về màu sắc, bạn nên căn cứ vào tông màu tổng thể của căn phòng để phối màu cho hài hòa; tuy nhiên tốt nhất là màu vàng, nâu, cánh gián, màu be… (đại loại là màu có sắc vàng) hoặc màu đỏ là tốt nhất.
Tuệ Linh
Theo