(Xây dựng) - Điều quan trọng của đặt ban thờ là hướng và vị. Bài trước đã hướng dẫn cách chọn hướng ban thờ theo tuổi; kỳ này chúng tôi sẽ trao đổi về vị trí đặt ban thờ.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Về vị trí đặt ban thờ thì phong tục mỗi nơi một khác, tuy nhiên thời trước đây, ở các vùng nông thôn trong cả nước, hầu hết các gia đình đều đặt ban thờ tổ tiên tại gian chính. Việc đặt ban thờ ở gian chính trong ngôi nhà cũng có những mặt tiện lợi, như tạo không gian ấm cúng, gần gũi, kết nối các thế hệ trong gia đình và giữ nề nếp, gia phong; giáo dục con cháu lòng biết ơn tổ tiên, uống nước nhớ nguồn; mặt khác cũng thuận tiện việc hương khói thường xuyên…
Tuy nhiên, vì ban thờ là không gian tâm linh và thuộc âm, nên nếu có điều kiện vẫn nên có gian thờ riêng biệt.
Nguyên tắc đặt ban thờ theo Âm dương, Ngũ hành
Theo các nhà phong thủy và các kiến trúc sư thì việc xác định nơi đặt ban thờ nên được tính toán ngay từ khi vẽ thiết kế để chủ động chọn được hướng, vị trí và không gian ưng ý. Muốn vậy, ta cần nắm được một số nguyên tắc cơ bản của không gian thờ cúng nói chung và vị trí đặt ban thờ như sau:
1. Ban thờ là không gian tâm linh nên phải chọn nơi trang trọng, tránh xa sự ô uế. Vì vậy không được đặt ban thờ trong phòng ngủ.
Nếu là nhà nhiều tầng mà chọn đặt ban thờ ở tầng 1 (tầng trệt) thì phía trên ban thờ (tầng trên) không được kê giường ngủ hay tủ quần áo; càng không được đặt ban thờ dưới phòng vệ sinh. Cũng không bố trí ban thờ cạnh phòng bếp và vệ sinh.
Nếu đặt phòng thờ ở tầng trên cùng thì ở sân thượng bên trên không nên làm nơi phơi quần áo; dân gian còn kiêng không chăng dây phơi quần áo ở giữa theo chiều dọc ngôi nhà, vì theo quan niệm của tiền nhân thì đường dọc theo nóc nhà có thể coi như “trục tâm linh” (gần giống như “đường Hoàng đạo”) nên làm như thế sẽ ngăn cản sinh khí lưu chuyển.
2. Không gian thờ cúng thuộc âm, vì vậy ban thờ cần đặt nơi yên tĩnh, kín đáo nhưng lại không được ẩm thấp hoặc tối tăm. Nhiều người còn khuyên ban thờ nên tạo sự kín đáo với người ngoài và tạo sự gần gũi với người trong gia đình.
Đặc biệt cần tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu vào (lộ dương) vì ánh sáng mặt trời thuộc dương sẽ làm tan mất linh khí thuộc âm. Cũng không nên đặt ban thờ phía trên cửa ra vào hoặc trên cửa sổ. Không đặt ban thờ tựa lưng vào vách kính, vì vách kính vẫn cho ánh sáng mạnh chiếu vào nên cũng bị lộ dương.
3. Ban thờ thuộc Hỏa, vì vậy cần tránh những gì thuộc Thủy, vì Thủy khắc Hỏa, sẽ khiến cho linh khí không những không tụ được mà còn gây tổn hại về âm phúc cho con cháu. Điều này có nghĩa là phía trên ban thờ không được để những gì thuộc về Thủy; ví dụ như nếu đặt ban thờ được đặt ở tầng trên cùng thì phía trên không được đặt bồn nước, hoặc không đặt đường ống nước (cả cấp và thoát nước) chạy dưới ban thờ…
4. Ban thờ thuộc tĩnh nên cần tránh xa sự ồn ào, tránh sự phô trương, cũng cần tránh các luồng gió thổi trực tiếp.
Đây chính là điều các nhà phong thủy khuyên không nên đặt ban thờ ở phòng khách, vì người đi từ ngoài vào nhà đã nhìn thấy ngay ban thờ, hình ảnh tổ tiên của gia chủ và sẽ đón nhận nhiều sát khí từ ngoài vào hoặc khi có gió thổi sẽ làm động bát hương… Mặt khác, nếu đặt ban thờ đối diện cửa chính khi gia chủ đứng khấn sẽ quay lưng ra cửa tạo cảm giác bất an và khó tập trung tư tưởng khi khấn, làm mất tính trang nghiêm.
Căn cứ vào những nguyên tắc cơ bản trên đây, nếu tính toán bố trí các không gian riêng trong ngôi nhà theo từng công năng, trong đó có không gian thờ cúng (và cả không gian bếp cũng như các phòng chức năng khác) ngay từ khi bắt đầu thiết kế, gia chủ sẽ hoàn toàn chủ động và dễ dàng chọn được vị trí phù hợp cho gian thờ, nơi đặt ban thờ hợp lý, không phạm phải những điều cấm kỵ để sau phải sửa chữa rất khó khăn mà nhiều khi vẫn không hoàn toàn ưng ý.
Tuệ Linh
Theo