Thứ sáu 19/04/2024 14:25 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Giải bài toán lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc

08:33 | 30/08/2022

Nhiều lao động phải chi 150 triệu đồng mới được ra nước ngoài làm việc và cũng chỉ 3 năm là phải về nước, nên họ đã chọn cách bỏ trốn để ở lại kiếm thêm.

Vừa qua Bộ LĐ-TB&XH thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động đi Hàn Quốc với 8 quận, huyện của 4 tỉnh, gồm: TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương); huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa); huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An); và huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh).

Đây là tin không vui với người lao động ở các địa bàn trên, đặc biệt trong bối cảnh cánh cửa ra làm việc ở nước ngoài vừa mở lại sau hai năm bùng phát đại dịch. Nhưng nhìn vấn đề một cách có hệ thống, chúng ta sẽ thấy trước đây "thẻ đỏ" mà phía Hàn Quốc đưa ra còn nặng nề hơn rất nhiều. Giai đoạn 2016-2017, khoảng 40-50 huyện của 20 tỉnh bị "thẻ đỏ", giảm xuống còn 20 huyện vào năm 2018 và năm 2022 này chỉ có 8 huyện thuộc 4 tỉnh như nêu trên. Số liệu này phần nào minh chứng cho nỗ lực của các cơ quan chức năng liên quan thời gian qua.

giai bai toan lao dong bo tron o han quoc
Đào tạo kỹ năng khi đi làm việc ở nước ngoài cho người lao động tại Công ty TNHH Esuhai (Ảnh: CTV).

Hệ lụy của tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc, Nhật Bản... là rất rõ ràng. Trước hết bản thân họ tự đặt mình vào tình thế rủi ro, không được bảo vệ bởi cơ quan pháp luật khi có các vấn đề xảy ra. Và vì lợi ích cá nhân mà họ đã tước đi cơ hội của các thanh niên khác muốn ra nước ngoài làm việc; đồng thời làm ảnh hưởng đến hợp tác chung giữa Việt Nam và các nước liên quan.

Nói đến chuyện rủi ro với lao động ra nước ngoài làm việc theo con đường trái phép hoặc cư trú bất hợp pháp, tôi lại nhớ đến thảm kịch 3 năm trước, khi 39 người Việt chết trong xe container trên đường vào Anh. Có dịp về Nghệ An thăm và trao quà hỗ trợ cho gia đình một số nạn nhân, tôi được nghe kể rằng lý do chính họ ra đi dù biết nguy hiểm là địa phương thiếu việc làm, thu nhập không đủ nuôi gia đình; rồi bị tác động của xã hội, nhìn ra hàng xóm, anh em bạn bè nhiều người đi xuất khẩu lao động kiếm được tiền, gửi về xây nhà cao cửa rộng…

Khi về những "vùng quê xuất khẩu lao động", tôi quan sát thấy đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, nhà cửa xây cất khang trang, đời sống của nhiều người dân khá giả trông thấy. Những sự thay đổi đáng mừng nhưng chưa thực sự vui vì đi sâu vào bên trong thì còn nhiều hoàn cảnh, tâm sự. Với nhiều người dân ở Nghệ An, Thanh Hóa, việc xuất khẩu lao động bằng con đường chính tắc sang Hàn Quốc, Nhật Bản có nhiều khó khăn, mà kể cả thuận lợi đi chăng nữa thì chuyện tích lũy tiền bạc cũng không dễ. Nhiều gia đình nói thật rằng người nhà họ phải chi cỡ 150 triệu đồng mới được đi, và cũng chỉ làm có 3 năm lại phải về nước. Vì thế nên mới có hiện tượng nhiều người liều mình chuyển hướng sang châu Âu mưu sinh bằng hình thức đi lậu, hoặc chọn ở lại cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc, Nhật Bản để kiếm thêm.

Để giải quyết tình trạng trên chắc chắn cần nhiều giải pháp và cũng cần thời gian, trong đó có những việc nên làm ngay. Trước hết, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người lao động và gia đình họ, về việc nên đi theo chương trình của Nhật Bản, Hàn Quốc tổ chức và tuân thủ quy định để có cơ hội quay lại. Những nước này đã đề ra chính sách rất cởi mở dành cho người lao động chấp hành đúng hợp đồng.

Trước đây chúng ta vì nghĩ đến điều kiện khó khăn của người dân cho nên đã quyết định hạn chế các khoản thu đối với người lao động. Đây là chính sách nhân văn, tuy nhiên dẫn đến thế khó cho doanh nghiệp trong việc quản lý lao động là ít có sự ràng buộc. Nên chăng đã đến lúc cơ quan quản lý nghiên cứu số tiền ký quỹ lớn hơn, để buộc người lao động phải cân nhắc tính toán nếu vi phạm hợp đồng.

Nhìn ra các nước trong khu vực, Philippines cũng là nước xuất khẩu lao động, nhất là nghề giúp việc gia đình. Bộ phận lớn lao động Philippines ra làm việc ở nước ngoài không hẳn là chuyên gia mà cũng là lao động phổ thông, song bằng nhiều biện pháp ràng buộc và chế tài nghiêm khắc, họ không để tình trạng "trốn ở lại" trở thành vấn đề lớn. Vì sao như vậy, chúng ta cần tìm hiểu để rút ra bài học cho mình.

Theo số liệu tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 16 của Ban Bí thư về công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (diễn ra hôm 25/8), trong 10 năm qua Việt Nam đã đưa được hơn một triệu lượt người đi làm việc ở nước ngoài, tăng gần 40% so với bình quân giai đoạn trước, tạo việc làm cho khoảng 7 - 10% lực lượng lao động tăng thêm hàng năm.

Thu nhập người lao động làm việc ở nước ngoài tương đối ổn định, bình quân 200 triệu đồng người/năm, cao hơn nhiều so với làm việc trong nước cùng ngành nghề. Bình quân mỗi năm người lao động và chuyên gia gửi về nước khoảng 10 tỷ USD, tăng 5 lần so với giai đoạn trước.

Đây quả là những con số tích cực. Nhưng có lẽ tình hình và kết quả còn khả quan hơn nếu chúng ta có cách làm chặt chẽ, căn cơ và khoa học hơn. Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung đã nhấn mạnh cần phải nhìn nhận khách quan cái được và cái chưa được trong quá trình thực hiện Chỉ thị 16, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm, điều chỉnh trong thời gian tới.

Mong rằng trong thời gian tới đây, sau khi tổng kết Chỉ thị 16, chúng ta sẽ có những chính sách tích cực, thông thoáng hơn nhưng cũng chặt chẽ hơn nữa, sao cho thật hài hòa giữa quyền lợi của người lao động cũng như của nhà nước và các doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực này.

Phải làm sao để các doanh nghiệp lớn, uy tín có cơ hội phát triển tốt, an toàn cho họ. Qua đó, góp phần đẩy lùi những doanh nghiệp làm ăn chộp giật ra khỏi thị trường xuất khẩu lao động. Trong thực tế, nhiều khi doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc lại không thể "đọ" nổi với các doanh nghiệp giỏi "lách luật"," đi đêm". Và tình trạng lao động phá hợp đồng lại thường phát sinh liên quan đến những đơn vị kiểu này.

Theo Quốc Phong/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load