"Nếu không phải gánh chi phí phát sinh liên quan đến bù lỗ tỷ giá, thua lỗ của các công ty con, giá thành điện năm 2012 sẽ giảm 12.600 tỷ đồng, tương đương giá thành giảm đi 120 đồng/kWh".
Ông Nguyễn Hồng Long - Kiểm toán trưởng Chuyên ngành VI, Kiểm toán Nhà nước nói tại buổi họp báo của Kiểm toán Nhà nước ngày 25/7, liên quan đến kết quả kiểm toán Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2012.
Lãi nhờ tăng giá 2 lần
Ông Long cho biết, sản xuất kinh doanh của EVN năm 2012 lãi 8.814 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu là 7,52%. Đây là năm đầu tiên EVN lãi sau khi liên tục có vài năm lỗ (2010-2011- PV).
Nhưng, "lý do lãi là nhờ 2 lần tăng giá điện", ông Long nhấn mạnh.
Phân tích cụ thể về các lý do làm tăng giá điện tới 2 lần trong năm 2012, ông Long cho biết, có ít nhất 3 nguyên nhân cơ bản.
Thứ nhất, đó là việc EVN đã chuyển một khoản lỗ lớn lên tới gần 21.000 tỷ đồng từ năm trước vào giá điện năm 2012. Trong đó, có 10.535 tỷ đồng là chêch lệch lỗ tỷ giá và 10.482 tỷ đồng số lỗ kinh doanh treo từ những năm trước phân bổ vào.
Nếu không phải chịu chi phí phát sinh trên, giá thành điện năm 2012 sẽ giảm đi 12.600 tỷ đồng, tương đương giá thành giảm đi 120 đồng/kWh
Về lỗ do tỷ giá, nhiều năm trước, EVN đã vay vốn nước ngoài để đầu tư nhà máy điện, tỷ giá chỉ ở mức từ 13.000-14.000 đồng/USD, đến nay nay đã 20.000-21.000 đồng/USD. Ngoài ra, EVN thực hiện chính sách bình ổn giá, giá bán điện thấp hơn giá thành dẫn đến lỗ kinh doanh điện.
Nguyên nhân lớn thứ hai là EVN phải gánh thêm khoản tiền mua nhiên liệu phát điện như mua khí, mua than với giá cao.
Ví dụ, đó là việc mua khí ngoài bao tiêu lên tới 2.175 tỷ đồng. EVN mua khí của PVN đều có định mức nhất định. Nhưng sau đó, do nhu cầu sản xuất, EVN phải mua lượng khí vượt định mức trên nên phải chịu giá cao hơn.
Giá than bán cho điện cũng đang trong quá trình tiệm cận thị trường. Năm 2012, ngành than có tăng giá than bán cho điện từ 22-40% nên tất yếu giá điện tăng theo.
"Nếu tính theo giá thị trường đối với giá khí, giá than so với giá bán cho ngành điện thì mức chênh lệch là 12.063 tỷ đồng. Đó là những yếu tố tăng giá điện", ông Long nhấn mạnh.
"Nếu không phải chịu chi phí phát sinh trên, giá thành điện năm 2012 sẽ giảm đi 12.600 tỷ đồng, tương đương giá thành giảm đi 120 đồng/kWh", ông Long tính toán.
Ngoài ra, theo vị Kiểm toán trưởng này, tại thời điểm 31/12/2012, EVN đã điều chỉnh bổ sung vốn 63.000 tỷ đồng từ nguồn chênh lệch do kiểm kê, đánh giá lại tài sản. Khoản chi phí này từ 2013 trở đi sẽ ảnh hưởng tới giá thành điện, làm tăng giá thành khoảng 6.318 tỷ đồng/năm, khiến giá thành điện năm 2013 sẽ cao hơn năm 2012 là 62 đồng/kWh.
Song nhìn chung lại, theo đánh giá của ông Long, việc EVN phân bổ các khoản lỗ vào giá điện chưa đồng đều, chưa hợp lý.
Kế hoạch sản xuất kinh doanh của EVN giai đoạn năm 2011-2015 đã được Thủ tương phê duyệt. Trong đó, quy nguyên tắc phân bổ các khoản lỗ vào giá điện là dần dần, theo lộ trình phù hợp với các phương án giá bán điện từng năm.
Thế nhưng, hiện nay, Nhà nước lại không quy định rõ chế độ phân bổ cụ thể mỗi năm sẽ phân bổ như thế nào. Trong quá trình đăng ký giá bán điện hàng năm, EVN đều có đăng ký tỷ lệ phân bổ nhưng không nhất quán, không đồng đều.
"EVN không đăng ký tiêu thức phân bổ và phân bổ không đúng tỷ lệ đối với khoản lỗ chênh lệch tỷ giá theo lộ trình tại phương án giá bán điện. Tập đoàn còn chưa tuân thủ quy định về phân bổ và áp dụng định mức chi phí và chưa xác định giá thành dịch vụ", báo cáo Kiểm toán nêu rõ.
Không khách quan trong quan hệ với công ty con
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, quan hệ mua bán giữa công ty mẹ và công ty con, công ty liên kết của EVN chưa đảm bảo khách quan, không đúng quy định.
Cụ thể, năm 2012, công ty mẹ EVN đã nâng giá mua điện của 2 nhà máy điện Nhiệt điện Uông Bí, Nhiệt điện Cần Thơ gần 866 tỷ đồng, đồng thời, giảm giá bán điện cho 5 tổng công ty điện lực với tổng giá tiền là 1.717 tỷ đồng nhằm mục đích đề hỗ trợ bù lỗ cho các đơn vị này năm 2011.
Giải thích về điều này, ông Nguyễn Hồng Long nói, 5 tổng công ty điện lực đều là công ty 100% vốn của EVN, cũng phải thực hiện bình ổn giá và kiềm chế lạm phát. Vì vậy, để đảm bảo cho báo cáo tài chính khách quan, minh bạch thì việc xử lý trên báo cáo như vậy là phù hợp về hạch toán kế toán.
Tuy nhiên, 2 đơn vị được EVN mua tăng giá điện để bù lỗ là nhà máy điện Uông Bí và Cần Thơ lại là 2 công ty cổ phần. Song 2 trường hợp này có đặc thù riêng.
Ví dụ, nhà máy nhiệt điện Cần Thơ chạy bằng dầu. Giá thành điện lên tới 36.000 đồng/kWh trong khi giá các đơn vị khác là 500-700-1000 đồng/kWh, gấp 36 lần. Tuy nhiên, EVN vẫn phải huy động sản lượng điện tại đây vì phải bù cho việc thiếu hụt sản lượng điện do những sự cố đường dây.
"Năm 2012, sản lượng của nhà máy này chỉ huy động 70%, giảm 93% so với công suất phát của năm 2011 trong khi mà họ vẫn phải chịu tất cả các khoản chi phí bảo dưỡng, bảo trì, vận hành... ", ông Long cho biết.
Ngoài 2 nhà máy trên, ông Long còn cho biết trường hợp nhà máy nhiệt điện Thủ Đức cũng tương tự. Giá thành điện ở đây lên tới 200.000 đồng/kWh nhưng EVN cũng phải duy trì, huy động sản lượng để cấp bù lượng điện thiếu hụt khi xảy ra sự cố. Vì vậy, mặc dù nhà máy chạy rất ít nhưng năm 2012, vẫn chi tới 91 tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng.
Theo Vietnamnet
Theo