(Xây dựng) – Mới đây, tại Hội thảo liên quan đến điện gió, năng lượng tái tạo, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã có báo cáo về tình trạng thiếu điện nghiêm trọng giai đoạn 2020 – 2023 nếu các dự án trong Tổng sơ đồ VII điều chỉnh tiếp tục chậm tiến độ.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Đánh giá tình hình thực hiện các dự án trong quy hoạch điện VII, Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 3 (EVN PECC3) cho biết, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân trong giai đoạn 2016 -2020 phương án cơ sở là 10,34%/năm; phương án cao là 11,26%/năm. Nhưng thực tế trong thời gian 2016 – 2018, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân là 10,3%/năm.
Các năm 2019 - 2020, dự kiến sẽ đưa vào vận hành khoảng 6.900 MW. Trong đó, các nhà máy nhiệt điện than là 2.488 MW, các nhà máy thủy điện (trên 30MW) là 592MW, các dự án năng lượng tái tạo khoảng 3.800MW (điện mặt trời 2.500 MW, điện gió 350MW).
Có thể thấy, hệ thống này hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu điện toàn quốc. Tuy nhiên, nguồn nhiệt điện chạy dầu cần phải huy động với sản lượng tương ứng khoảng 1,7 tỷ kWh vào năm 2019 và 5,2 tỷ kWh trong năm 2020. Trong trường hợp các tổ máy không đáp ứng yêu cầu về độ tin cậy vận hành hoặc không đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí) cho phát điện, thì có thể Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện vào năm 2020.
Không dừng tại đó, EVN PECC3 cũng dự báo các năm 2022 - 2025, mặc dù đã huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu, tuy nhiên hệ thống điện không đáp ứng nhu cầu phụ tải và sẽ xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam. Đáng chú ý, mức thiếu hụt tăng từ 3,7 tỷ kWh (năm 2021) lên gần 10 tỷ kWh (năm 2022), mức thiếu hụt dự báo cao nhất và năm 2023 khoảng 12 tỷ kWh, sau đó giảm dần 7 tỷ kWh trong năm 2024 và 3,5 tỷ vào năm 2025.
Tổng công suất các nguồn điện có khả năng đưa vào vận hành đến 2030, được đánh giá dự kiến khoảng 80.500MW, thấp hơn so với dự kiến khoảng 15.200MW và chủ yếu sẽ thiếu hụt trong các năm từ 2020 - 2022 (với tổng công suất trên 17.000MW), nhiều dự án nguồn điện trong giai đoạn này bị chậm sang giai đoạn 2026 - 2030 và hầu hết là dự án nhiệt điện tại khu vực miền Nam.
Lý giải về nguyên nhân này, EVN PECC3 cho biết: Tiến độ các dự án khí Lô B, Cá Voi xanh đều chậm so với kế hoạch từ 9 tháng đến 1 năm; Các dự án nhiệt điện Kiên Giang 1 & 2 không đáp ứng tiến độ hoàn thành giai đoạn 2021 - 2025, thậm chí lùi sau năm 2030; Dự án Ô Môn III lùi tiến độ đến năm 2025; Dự án Long Phú 1 cũng không đáp ứng tiến độ năm 2023 và cũng lùi tiến độ sau 2025; Nhiệt điện Vân Phong và Vĩnh Tân III cũng bị lùi tiến độ 1 năm (2024 - 2025).
Với tình hình thực tế như vậy, có thể thấy, sử dụng năng lượng tái tạo là điều hết sức cần thiết để đảm bảo nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam. Cụ thể, đến nay Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Công Thương đã phê duyệt bổ sung quy hoạch 130 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 10.600MWp (khoảng 8.500MW) và các dự án điện gió với tổng công suất khoảng 2.000MW.
Như vậy, tổng công suất đã tăng hơn 167% so với Quy hoạch điện VII, gần 70% so với giai đoạn 2026 - 2030.
Tuy nhiên, từ sau cột mốc tháng 6/2019, các nhà đầu tư dự án điện mặt trời triển khai chậm lại rõ rệt do thay đổi giá bán điện năng lượng mặt trời. Ngoài ra, các dự án điện mặt trời có đặc điểm chung là phát điện không ổn định, chủ yếu phát triển tập trung ở các khu vực có nhu cầu phụ tải tại chỗ rất thấp, số giờ phát điện trong năm không cao (khoảng 1.800h/năm). Do đó, cần phải xây dựng song hành các nhà máy điện LNG hoặc tích năng để phủ lõm biểu đồ phát điện của các nhà máy năng lượng mặt trời.
Theo báo cáo đánh giá của World Bank (tháng 10/2019), tiềm năng khai thác điện gió ngoài khơi tại Việt Nam vào khoảng 475GW. Chúng ta phát triển dạng năng lượng điện gió rất phù hợp với định hướng phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh (Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ), góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ đối với Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21), đóng góp nguồn điện mới vào lưới điện Quốc gia.
Dự án điện gió ThangLong Wind (Bình Thuận) được các chuyên gia đánh giá là đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp điện, góp phần làm giảm tình hình thiếu hụt nguồn cung điện, giảm phát thải CO2, bảo vệ môi trường không khí và nước…
Tính đến thời điểm hiện tại, dự án trong quá trình thực hiện đã đạt những dấu mốc quan trọng sau: Quyết định triển khai thực hiện khảo sát, đo đạc thu thập số liệu gió ngoài khơi tại Văn bản số 621/VPCP-QHQT ngày 22/01/2019 của Văn phòng Chính Phủ; Tháng 9/2019, đã tiến hành lắp đặt thiết bị đo gió tại giàn khoan Diamond; Vào tháng 10,11/2019, thực hiện 2 chuyến bay khảo sát không ảnh và dự kiến triển khai công tác khảo sát cuối quý I/2020; Hồ sơ Báo cáo bổ sung Quy hoạch dự án điện gió ngoài khơi ThangLong Wind (ngoài khơi mũi Kê Gà) đã được trình lên Bộ Công thương và lấy ý kiến của UBND tỉnh Bình Thuận, 8 Bộ ngành, 2 tập đoàn (PVN, EVN) và Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT).
Diệu Anh
Theo