Thứ hai 16/12/2024 16:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Đức Thọ (Hà Tĩnh): Doanh nghiệp thi công đường ống tạm bợ để thu tiền người dân khi chưa được cấp phép

20:10 | 11/08/2020

(Xây dựng) - Nhà máy nước của Công ty TNHH HT Thành Trung đã tự ý xây dựng hệ thống mở rộng vùng cấp nước tạm bợ, để thu tiền của người dân khi chưa được cơ quan chức năng chấp thuận. Tuy nhiên, do nhận thấy việc thu tiền mà không cam kết thời gian đấu nối nguồn cấp nước, kèm theo việc đặt đường ống cấp nước sạch dưới kênh nước thải có nguy cơ không đảm bảo, nên một số hộ dân đã từ chối nộp tiền.

duc tho ha tinh doanh nghiep thi cong duong ong tam bo de thu tien nguoi dan khi chua duoc cap phep
Hệ thống ống dẫn nước sạch nhà máy nước của Công ty TNHH HT Thành Trung được lắp dưới kênh thoát nước thải của dân không đảm bảo vệ sinh.

Xây dựng đường nước trái phép để thu tiền của người dân

Qua tìm hiểu của chúng tôi, dự án nhà máy nước sạch được xây dựng tại xã Bùi La Nhân, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) do Công ty TNHH HT Thành Trung làm chủ đầu tư đã đi vào vận hành từ tháng 9/2019. Công suất dự kiến của nhà máy là 2.000 m3/ngày. Tổng vốn đầu tư trên 49 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 1 nhà máy sẽ cung cấp nước sạch cho người dân ở xã Bùi La Nhân, xã Quang Vĩnh thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Toàn bộ nguồn nước được nhà máy lấy từ một nhánh của sông La là kênh 19/5.

Mới đây, ngày 22/6, Công ty TNHH HT Thành Trung có Tờ trình gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh và Sở Kế hoạch & Đầu tư về việc xin mở rộng vùng cấp nước và thi công đường ống qua đê. Cụ thể, Công ty TNHH HT Thành Trung xin được bổ sung vùng cấp nước tại các xã gồm: Lâm Trung Thủy, Thanh Bình Thịnh, An Dũng, Liên Minh, Tùng Châu (huyện Đức Thọ) và xã Kinh Song Trường thuộc huyện Can Lộc…

Trong khi đề xuất xin mở rộng vùng cấp nước này chưa được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận, thì phía Công ty TNHH HT Thành Trung đã tự ý rải đường ống nước và kêu gọi người dân tại xã Lâm Trung Thủy nộp tiền để cấp nước sạch từ nhà máy của công ty. Sự việc này diễn ra ngang nhiên suốt thời gian qua nhưng không có cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử lý.

Bà Cao Thủy, một hộ dân tại xã Lâm Trung Thủy cho biết: “Chúng tôi đặt câu hỏi sau khi nộp tiền thì bao lâu sẽ có nước và nếu không có nước thì ai sẽ chịu trách nhiệm thì những nhân viên này đều không trả lời được. Thời điểm thu tiền vào cả thứ 7 và Chủ nhật tại trụ sở UBND xã, nhưng không có bất kỳ sự chứng kiến nào của chính quyền địa phương”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Bính - Giám đốc Công ty TNHH HT Thành Trung thừa nhận đã tự ý triển khai dự án trước khi có văn bản chấp thuận của UBND tỉnh. Còn số tiền 2,5 triệu phía công ty thu của người dân là tiền thỏa thuận dân sự giữa hai bên về việc xây dựng đấu nối, thiết bị vật tư để lắp đặt cấp nước cho người dân.

Ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch UBND xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ cho biết, trong mấy tháng qua, xã rất thiếu nguồn nước, địa phương thống nhất cho triển khai hệ thống đường nước cung cấp cho xã vì nghĩ là họ (phía nhà máy - PV) đã có giấy phép. “Tôi đã gọi cho anh Bính để đốc thúc bổ sung các giấy phép theo quy định rồi, chúng tôi sẽ phân công cán bộ kiểm tra, giám sát việc này”.

Lắp đặt ống nước tạm bợ, không đúng quy chuẩn

Về việc nhà máy nước tự ý rải ống nước trong kênh thoát nước thải tại xã Lâm Trung Thủy, ông Nghiêm Sỹ Đông - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đức Thọ cho hay: “Phía phòng vẫn chưa nắm được”.

“Tại xã Lâm Trung Thủy thì phía nhà máy nước đang xin phép mở rộng ra vùng cấp nước chứ chưa được cấp phép, còn nếu thi công đường ống cấp nước là phải làm kiên cố, chứ lắp đặt chìm ống nước dưới kênh mương thủy lợi thì không được phép. Chúng tôi sẽ tổ chức họp và kiểm tra”, ông Đông nói.

Về phía nhà máy nước, ông Bính thừa nhận hệ thống đường ống dẫn nước sạch sẽ phải có ống 110 bọc lại, rồi treo lên cao mặt nắp, chứ không được đặt đường ống nước chìm dưới kênh thoát nước thải của các hộ dân.

Điều đáng nói, một dự án vi phạm quy định, nhiều hộ dân từ chối sử dụng dịch vụ vì lo lắng việc lắp đặt đường ống dẫn nước sạch chìm dưới kênh thủy lợi (kênh thoát nước thải) có nguy cơ ô nhiễm, thế nhưng khách hàng “tiên phong” sử dụng dịch vụ lại là... lãnh đạo huyện. Cụ thể là hộ gia đình ông Đặng Giang Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Ngọc Bính - Giám đốc Công ty TNHH HT Thành Trung cho biết, hộ gia đình ông Đặng Giang Trung (Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ) đã làm hợp đồng, nộp 2,5 triệu đồng tiền đấu nối.

Sau đó, một kế toán tên Ngọc (nhân viên Công ty TNHH HT Thành Trung), cho phóng viên xem một bản hợp đồng mang tên Đặng Giang Trung, có địa chỉ thôn Trung Tiến, xã Lâm Trung Thủy và một phiếu thu 2,5 triệu đồng do công ty này phát hành, được ký vào ngày 11/7.

duc tho ha tinh doanh nghiep thi cong duong ong tam bo de thu tien nguoi dan khi chua duoc cap phep
Nhà riêng của ông Đặng Giang Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ.

Về phía địa phương, ông Trần Xuân Nhạ - Trưởng thôn Trung Tiến xác nhận việc hộ gia đình ông Đặng Giang Trung đã ký hợp đồng mua nước từ Công ty TNHH HT Thành Trung vào ngày 11/7. "Hợp đồng và phiếu thu tôi đã giao trực tiếp cho ông Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ", ông Nhạ nói.

Sự việc này khiến không ít người đặt câu hỏi có sự “tiếp tay” hay không khi một lãnh đạo phụ trách mảng kinh tế của huyện lại chấp thuận sử dụng một dự án không phép?

duc tho ha tinh doanh nghiep thi cong duong ong tam bo de thu tien nguoi dan khi chua duoc cap phep
Hệ thống cấp nước của Công ty TNHH Thành Trung được đấu nối vào nhà ông Đặng Giang Trung.

Lần theo đường dây được đấu nối về xã Lâm Trung Thủy, chúng tôi phát hiện thêm một đường ống màu đen, được đấu nối qua cống thoát nước tại Km 8+930 Quốc lộ 8. Sự việc diễn ra nhiều tháng nay nhưng Chi cục Quản lý đường bộ II.3 (thuộc Cục Quản lý đường bộ II, đơn vị phụ trách quản lý Quốc lộ 8) lại không hay biết.

Ông Võ Trường Giang - Chi Cục trưởng, Chi cục Quản lý đường bộ II.3 (thuộc Cục Quản lý đường bộ II) cho biết, sau khi nhận được phản ánh của báo chí, đơn vị đã cử thanh tra xác minh. “Anh em đã đi điều tra, xác minh, còn việc thi công chưa được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền thì đơn vị sẽ phối hợp xử lý”, ông Giang nói.

duc tho ha tinh doanh nghiep thi cong duong ong tam bo de thu tien nguoi dan khi chua duoc cap phep
Thanh tra của Chi cục Quản lý đường bộ II.3 phát hiện đường ống của Công ty TNHH Thành Trung lắp chui qua Quốc lộ 8.

Theo ông Giang, nếu là công trình thiết yếu xây dựng qua Quốc lộ, ống nước có đường kính nhỏ hơn 200mm, dài dưới 1km thì phía Cục Quản lý đường bộ II sẽ là đơn vị chấp thuận thiết kế kỹ thuật và cấp phép thi công. Còn nếu trên 1km thì Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ là đơn vị chấp thuận thiết kế kỹ thuật và Cục Quản lý đường bộ II sẽ cấp phép thi công. Ngoài ra, trong quá trình thi công phía Chi cục phải giám sát thi công.

Sự việc này diễn ra ngang nhiên suốt thời gian qua nhưng không có cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử lý. Phải chăng đang có sự lợi dụng nhu cầu cần nước sạch của người dân để thực hiện các hoạt động không phép?

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này!

Uyên Uyên – Tiến Đạt

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load