Thứ sáu 27/12/2024 02:52 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Dự án thoát nước cải tạo môi trường Hà Nội: Khó khăn lớn nhất vẫn là công tác GPMB

15:02 | 13/09/2007
 
Thông tin từ Ban quản lý dự án công trình giao thông công chính (Sở Giao thông công chính Hà Nội) cho biết: Dự án II là một dự án lớn, với số vốn đầu tư khoảng 5.064 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vốn vay ODA của Nhật Bản (chiếm 75,43), còn lại là vốn đối ứng trong nước. Đây là một dự án trải dài trên địa bàn nhiều huyện, quận, nhất là khu vực quận Cầu Giấy, Đống Đa. Thời gian triển khai dự án cũng khá gấp, cuối năm 2006 mới bắt đầu được thành phố phê duyệt đầu tư (theo Quyết số 4315/QĐ-UBND ngày 28/9/2006); năm 2007 tổ chức đấu thầu tư vấn thiết kế, giám sát thiết kế…; năm 2010, dự án phải hoàn thành để chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
 
Dự án II, mang trong mình “trọng trách” là chống úng ngập trong lưu vực sông Tô Lịch do nước mưa, với chu kỳ bảo vệ 10 năm đối với sông và mương thoát nước (ứng với lượng mưa 310mm/2 ngày); chu kỳ 5 năm đối với hệ thống cống (ứng với lượng mưa là 70mm/giờ). Bên cạnh đó, dự án sẽ tập trung vào cải thiện môi trường cho lưu vực sông Tô Lịch, hoàn thiện và phát triển cơ sở hạ tầng, tạo cảnh quan đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển chung của thành phố. Bên cạnh đó là việc lập báo cáo nghiên cứu kỹ thuật và đánh giá tác động môi trường cho Dự án xây dựng các nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn để đẩy nhanh tiến trình xử lý nước thải cho khu vực trung tâm Hà Nội như một dự án độc lập, thực hiện song song cùng Dự án II.
 
Theo kế hoạch triển khai Dự án II, một loạt công việc sẽ được tiến hành, đó là xây dựng nâng cấp trạm bơm Yên Sở và các công trình liên quan từ công suất 45m3/s lên 90 m3/s; Cải tạo hồ Linh Đàm (71,7ha), hồ Định Công (19,2 ha) bằng cách nạo vét, kè xung quanh kết hợp trồng cỏ từ mực nước cao nhất trở lên; Nạo vét lòng hồ và kè xung quanh 9 hồ khác là Bảy Gian và hồ Đầm, Hào Nam, Đống Đa, Bảy Mẫu, Hố Mẻ, Phương Liệt, Khương Trung 1&2 và hồ Tân Mai. Bên cạnh đó là việc cải tạo 31.768m mương, xây dựng khoảng 27km cống chính bằng bê tông cốt thép có tiết diện tròn; xây dựng trạm xử lý nước thải hồ Bảy Mẫu với công suất 13.300m3/ngày; Xây đường công vụ, kè, cầu qua các sông Tô Lịch, Lừ, Sét và phân lũ Lừ - Sét với tổng chiều dài khoảng 28,550 km và 8 cây cầu…
 
Theo kế hoạch đấu thầu đã được UBND thành phố phê duyệt, Dự án II được phân thành 11 gói thầu (4 gói thầu đấu rộng rãi trong nước, 7 gói thầu đấu quốc tế). Đến nay, dự án đã hoàn thành được phần đấu thầu tư vấn thiết kế, giám sát thi công, lập F/S cho Dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải qui mô lớn (đơn vị trúng thầu là Liên danh Nippon Koei – Viwase). Sắp tới, Ban quản lý dự án công trình giao thông công chính sẽ tổ chức việc khảo sát, thiết kế - dự toán, chuẩn bị hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ đấu thầu; ưu tiên gói thầu số 6.1, cải tạo hồ Hố Mẻ, Hào Nam, Đống Đa, Bảy Mẫu và gói thầu số 1: Trạm bơm Yên Sở & Bãi đổ cho đất nạo vét, bùn thải để đến cuối năm nay, hoặc đầu năm 2008 sẽ đấu thầu và thi công.
 
Một công tác quan trọng trong việc triển khai thực hiện Dự án II là xác định chỉ giới xây dựng, công bố quy hoạch, cắm mốc giới quy hoạch, đo hồ sơ kỹ thuật thửa, lập hồ sơ thu hồi đất. Hiện Ban quản lý đang phối hợp với Sở Quy hoạch  Kiến trúc, Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất, UBND các quận, huyện có liên quan thực hiện, làm cơ sở pháp lý để triển khai công tác đền bù, GPMB. UBND thành phố đã giao cho UBND các quận, huyện là chủ đầu tư công tác GPMB, tái định cư các hạng mục đường, hạ tầng dọc các sông Tô Lịch, Lừ, Sét, phân lũ Lừ - Sét, kênh Linh Đàm, mương Thụy Khuê. Đến thời điểm này, theo thống kê sơ bộ sẽ có khoảng 2.813 hộ nằm trong phạm vi GPMB (trong đó có 1.818 hộ bị cắt xén và khoảng 995 hộ phải tái định cư), tập trung chủ yếu ở các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa và Hoàng Mai. Riêng với Ban quản lý dự án công trình giao thông công chính, thành phố giao trực tiếp làm chủ đầu tư cải tạo 11 hồ (có tổng diện tích 153,43 ha), bao gồm, hồ Linh Đàm, Định Công, Hào Nam, Hố Mẻ, Đống Đa, Bẩy Mẫu, Tân Mai, Phương Liệt, Khương Trung 1 và Khương Trung 2; Cải tạo 31.768m kênh, mương với tổng diện tích thu hồi đất là 19,55ha; Xây dựng trạm xử lý nước thải tại hồ Bảy Mẫu (0,5ha); Xây dựng bãi đổ bùn, đất tại Yên Mỹ, Thanh Trì (57,8ha), Xây dựng khu tái định cư X2 tại Đại Kim (4ha). Với phần công việc của Ban quản lý thực hiện sẽ có khoảng 1.400 hộ nằm trong phạm vi GPMB, trong đó cắt xén 1.000 hộ, tái định cư khoảng 400 hộ.
 
Nhìn chung, trong toàn bộ Dự án II sẽ cần khoảng 1.305 căn hộ và 90 lô đất thấp tầng để phục vụ cho công tác tái định cư. Ban quản lý sẽ chuẩn bị 680 căn hộ tái định cư, còn lại dùng từ quỹ nhà của thành phố.
 
Theo kế hoạch, đến đầu năm 2008, Ban quản lý sẽ tập trung cho công tác GPMB. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực được đánh giá là khó khăn và phức tạp nhất vì khối lượng nhiều và liên quan đến quyền lợi của hàng ngàn hộ dân bị thu hồi đất. Nhiều dự án của Hà Nội đã bị kéo dài do “mắc” ở khâu GPMB. Ngay cả ở Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn I, tuyến đường bờ trái sông Tô Lịch (đoạn từ đầu đường Hoàng Quốc Việt đến Cầu Mới) đã hoàn thành từ tháng 10/2005 nhưng đến nay vẫn chưa… thông vì còn vướng vào việc đền bù, GPMB với duy nhất một hộ dân là ông Nguyễn Quang Tinh ở số 1 Đường Bưởi. Rút kinh nghiệm từ vụ việc trên, Ban quản lý đang phối hợp với các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, phường… tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục đích và lợi ích của việc thực hiện dự án; đồng thời công bố công khai các chỉ giới quy hoạch thu hồi đất, đặc biệt là cơ chế, chính sách về đền bù, hỗ trợ, tái định cư của thành phố nhằm tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân các khu vực có dự án triển khai; phấn đấu đến cuối năm 2008, Dự án II sẽ hoàn thành cơ bản công tác GPMB.
 
Dự án II hứa hẹn sẽ góp phần làm nên một Hà Nội không “lội”, sạch, đẹp hơn trong tiến trình phát triển đô thị.
 
 
Quy hoạch tổng thể thoát nước và xử lý nước thải thành phố Hà Nội do JICA (Nhật Bản) thiết kế được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 430/QĐ – TTg ngày 7/8/1995 với tổng mức đầu tư khoảng 1.162 triệu USD và được phân kỳ đầu tư thành nhiều giai đoạn. Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 1 có thời gian thi công khá dài (8 năm, từ năm 1997 – 2005), với tổng mức đầu tư là 200 triệu USD. Dự án hoàn thành đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện khả năng tiêu thoát nước của Hà Nội, hạn chế úng ngập dài ngày do nước mưa trên địa bàn thành phố. Tiếp nối giai đoạn I, Dự án II sẽ được cấp tập triển khai trong thời gian từ năm 2006 – 2010. Ở giai đoạn sau, thành phố sẽ xem xét việc cải tạo hệ thống thoát nước, chống úng ngập trên lưu vực sông Nhuệ.

Nguồn: HNM

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load