(Xây dựng) - Hoàn thành 95% nhưng Dự án chống ngập do triều có xét tới yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) vẫn chưa hoàn thành đưa vào sử dụng mặc dù đã trễ hẹn gần 3 năm. Chính vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã có Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho Dự án với mục tiêu là hoàn thành trong năm 2021.
Cống Tân Thuận đang hoàn thiện những hạng mục cuối để đưa vào vận hành trong năm 2021. |
Mục tiêu ban đầu của dự án
Được khởi công xây dựng từ 26/6/2016 và dự kiến hoàn thành vào dịp 30/4/2018, thế nhưng đến nay, dự án vẫn chưa hoàn thành mà mới đạt 95% khối lượng công việc và chậm tiến độ hơn 3 năm. Dự án chống ngập do triều có xét tới yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) nhằm giải quyết ngập do triều cho khu vực trung tâm TP.HCM và khu bờ hữu sông Sài Gòn với diện tích 570 km2 và cho 6,5 triệu dân Thành phố. Dự án được xuất phát từ quy hoạch thủy lợi 1547 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt từ năm 2008, với mục tiêu ban đầu của dự án là thực hiện các giải pháp kiểm soát thủy triều, chủ động hạ thấp mức nước trên các kênh trục bao quanh vùng bờ hữu sông Sài Gòn - Nhà Bè, phát huy khả năng trữ nước của hệ thống kênh rạch, hồ nước và các khu vực thấp, trũng, làm tăng khả năng tiêu thoát cho hệ thống cống rãnh trong Thành phố, chấm dứt tình trạng úng ngập do lũ và triều, tạo nền cho việc tiêu thoát nước mưa từ hệ thống kênh rạch, định hướng các khung trục tiêu; gắn kết việc vận hành công trình kiểm soát nước với cải thiện môi trường kênh rạch cho khu vực này. Các khu vực được hưởng lợi từ dự án này là Quận 1, Quận 4, Quận 7, Quận 8, huyện Bình Chánh và Nhà Bè.
Theo quy hoạch này thì khu vực trung tâm Thành phố và bờ hữu sông Sài Gòn sẽ hết ngập do triều cường bởi 6 cống được xây dựng ở 6 cửa sông nhằm ngăn triều cường lên. Các cửa van ngăn sông có chiều rộng từ 40 – 160 m sẽ hạ xuống khi có triều lên, đồng thời, hệ thống máy bơm công suất lớn lên đến 24 m3/s sẽ bơm nước ra ngoài hỗ trợ khi trời mưa, nếu nước mưa thoát được ra sông. Nói về mục tiêu này, TS.KTS Võ Kim Cương cho biết, đây là dự án có thể giải quyết căn cơ bài toán chống ngập do triều cường, biến đổi khí hậu cũng như do mưa lớn.
Theo KTS.TS Võ Kim Cương, nếu làm được hệ thống đê bao chắn triều cường thì diện tích TP.HCM bị ngập do triều cường giảm đi rất nhiều, thậm chí có thể nói là sẽ giải quyết căn bản tình trạng ngập do triều cường. Hơn nữa, khi hoàn thành hệ thống đê cao chắn triều cường, mực nước ở các rạch trong nội thành cũng hạ xuống ổn định, tự nhiên trở thành các hồ điều tiết, khi có mưa lớn sẽ trữ nước mưa.
Theo các chuyên gia, dự án chống ngập hoàn thành cũng sẽ hạn chế được tình trạng ngập lụt do mưa. Bởi không có đê ngăn và van ngăn ở sông thì vào lúc triều cường cao, nước từ ngoài sông sẽ chảy vào trong cống, chảy ngược lên đường. Nhưng khi có đê chắn nước sông sẽ không có áp lực làm nước chảy ngược lên mặt đường nữa, trong trường hợp có mưa việc sử dụng máy bơm sẽ hiệu quả.
Bao giờ dự án phát huy hiệu quả?
Mục tiêu của dự án là vậy, nhưng khi triển khai lại gặp khó khăn, nhất là khâu giải phóng mặt bằng khiến dự án chậm tiến độ đến 3 năm khiến dư luận lo lắng. Theo báo cáo từ cơ quan chức năng, dự án được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) vào tháng 6/2016. Hợp đồng BT có tổng giá trị gần 10.000 tỷ đồng, trong đó 84% là thanh toán bằng tiền mặt và 16% là thanh toán bằng đất với thời gian hoàn thành khoảng 30/4/2018. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, công trình gặp một số vướng mắc phát sinh về vấn đề giải ngân vốn từ ngân hàng, thiếu mặt bằng thi công… cho nên đến nay công trình vẫn chưa hoàn thành như kế hoạch.
Trước những khó khăn của dự án, ngày 01/4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết số 40 về việc tiếp tục triển khai Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn l). Theo đó, Chính phủ chấp thuận về nguyên tắc theo đề nghị của UBND TP.HCM và các Bộ ngành để dự án được tiếp tục thực hiện theo cơ chế đặc thù mà Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại Thông báo số 285/TB-VPCP ngày 20/8/2015 của Văn phòng Chính phủ. Ngoài ra, vẫn phải thực hiện theo các thủ tục đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận nhằm bảo đảm lợi ích về kinh tế - xã hội, tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư. Chính phủ tháo gỡ nhưng phải thực hiện việc thanh toán, quyết toán, kiểm toán theo đúng quy định của pháp luật.
GS Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Công nghệ và Quản lý môi trường, cho biết: TP.HCM là đô thị chịu tác động mạnh mẽ về biến đổi khí hậu. Vì vậy, hệ thống cống ngăn triều chống ngập giai đoạn 1 đã phê duyệt từ 14 năm trước và đến nay chưa đưa vào vận hành thì quá trễ.
Theo báo cáo của nhà đầu tư Trung Nam Group thì 6 cống ngăn triều gồm Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định đã cơ bản thi công xong. Hiện các cống này chỉ còn thi công hoàn thiện hạng mục nhà quản lý và dọn dẹp mặt bằng công trình, riêng cống Tân Thuận, ngoài nhà quản lý thì còn hoàn thiện trụ Pin, cầu công tác và khu vực Âu thuyền. Đối với 7,8 km đê kè ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh với các cống nhỏ khẩu độ dưới 10 m thì chỉ còn thi công mang cống cho đê kè 1, 2, 3 và 4. Đối với cống Cầu Kinh, Bà Bướm thì thi công hoàn thiện trạm bơm, mương cáp và nhà quản lý và các phân khu.
Theo ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (Chủ đầu tư) cho biết: Không chỉ chính quyền mà người dân lẫn đơn vị thi công đang rất nóng lòng để dự án đưa vào sử dụng.
“Chính phủ vừa có Nghị quyết 40 tháo gỡ các khó khăn của Dự án để Dự án có thể đặt mục tiêu hoàn thành trong năm 2021 và vận hành hoạt động phục vụ người dân vào năm sau. Đây là tin rất vui cho chúng tôi và cho người dân TP.HCM, nhất là khi nhân dân Thành phố sẽ được hưởng các kết quả tích cực từ dự án”, ông Tiến chia sẻ.
Cao Cường
Theo