Chủ nhật 19/05/2024 10:37 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành: Nguyên nhân dẫn đến chậm công tác giải ngân

21:48 | 21/10/2019

(Xây dựng) – Những ngày qua, nhiều ý kiến cho rằng dự án Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành chậm trong việc giải ngân mặc dù đã có trên 11 nghìn tỷ chuyển về tài khoản. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ này.


Phối cảnh công trình trường tiểu học tại Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn.

Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng HKQT Long Thành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 1487/QĐ-TTg ngày 06/11/2018, với tổng mức đầu tư 22.856 tỷ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước, thời gian thực hiện (2017 – 2021), mục tiêu hoàn thành công tác thu hồi đất một lần cho toàn bộ 5.000ha để triển khai xây dựng Cảng HKQT Long Thành, xây dựng 2 khu tái định cư: Lộc An – Bình Sơn và Bình Sơn (364,21ha) để bố trí cho các hộ dân và giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống người dân trong vùng dự án.

Theo đó, Đồng Nai đã được Chính phủ giao chỉ tiêu kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng HKQT Long Thành qua 2 đợt (năm 2018 và năm 2019) là 11.490 tỷ đồng.

Đến nay, các đơn vị được ủy quyền thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư dự án mới giải ngân được hơn 123 tỷ đồng, đạt 1,07% tổng số vốn Trung ương đã bố trí, chủ yếu là chi phí thuê đơn vị tư vấn lập hồ sơ, thủ tục.

Theo UBND tỉnh, dự kiến đến cuối năm 2019, các đơn vị sử dụng vốn sẽ tiếp tục giải ngân khoảng 1.768,5 tỷ đồng, đạt 15,4% kế hoạch (chi trả bồi thường 2.170ha vườn cây cao su; chi phí lập Báo cáo nghiên cứu khả thi; kinh phí thực hiện công tác bồi thường đất tổ chức do Sở Tài nguyên & Môi trường thực hiện là 1.568,5 tỷ đồng).

Cụ thể, ngày 20/7/2018, UBND tỉnh Đồng Nai có Tờ trình số 7648/TTr-UBND đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, trong đó đề nghị phân kỳ nhu cầu vốn theo 4 năm.

Trong tờ trình UBND tỉnh Đồng Nai đã dự đoán năm đầu tiên, công tác giải ngân chỉ đạt khoảng 1.533 tỷ đồng, tập trung vào chi trả cho đất tổ chức (Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam) và các chi phí lập hồ sơ, thủ tục tái định cư.

Dự án sau đó đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1487/QĐ-TTg ngày 6/11/2018 (cuối năm 2018) nên năm đầu tiên triển khai dự án là năm 2019.

Theo dự kiến đến cuối năm 2019, các đơn vị sử dụng vốn sẽ giải ngân được khoảng 1.768,5 tỷ đồng, tức là cao hơn con số mà Đồng Nai đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đây.

Theo UBND tỉnh, một trong những lý do quan trọng dẫn đến việc giải ngân năm 2019 dù có rất nhiều nỗ lực nhưng chỉ đạt 15,4% kế hoạch là do Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã bố trí cho Đồng Nai năm đầu tiên 11.490 tỷ đồng “quá cao so với nhu cầu vốn thực tế, dẫn đến việc giải ngân chỉ đạt 15,4% kế hoạch”.

UBND tỉnh cho rằng, xung quanh việc chậm giải ngân hơn 11.000 tỷ đồng nguồn vốn Trung ương bố trí là do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu do khách quan mang lại.

Việc đo đạc, kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất được thực hiện một cách nghiêm túc. Sau khi Thủ tướng phê duyệt Quyết định quy hoạch tổng thể Cảng HKQT Long Thành tại Quyết định số 909/QĐ-TTg ngày 14/06/2011, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quy định cấm chuyển nhượng, xây dựng mới nhà cửa, hệ thống hạ tầng trong vùng quy hoạch dự án.

Tuy nhiên, các hộ dân do nhu cầu cấp bách trong cuộc sống nên chuyển nhượng giấy tay, phân chia thừa kế các con, dẫn đến khó khăn trong quá trình kiểm đếm xác định nguồn gốc đất như: Một số trường hợp sai thông tin chủ sử dụng, thay đổi đối tượng thu hồi đất do chuyển nhượng, thừa kế nên phải điều chỉnh thông báo thu hồi đất; Một số hộ dân không chỉ được ranh đất; không đồng ý với hồ sơ kỹ thuật do giảm diện tích; Xuất hiện tình trạng người dân tự chia tách, lập thành nhiều hồ sơ để cho tặng, chuyển nhượng bằng giấy tay.

Từ đó, UBND huyện Long Thành khó khăn xác định chủ sử dụng đất, kéo dài thời gian do áp dụng quy trình kiểm kê vắng chủ và xác định nguồn gốc đất mất nhiều thời gian.

Việc phê duyệt thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ cho hộ gia đình cũng là một trong những nguyên nhân khách quan mang lại. Việc giải ngân nguồn vốn Trung ương đã bố trí có chậm bởi phải thực hiện theo đúng quy định Điều 85, Luật Đất đai (2013) quy định chỉ được phép thu hồi đất ở sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng của khu tái định cư. Trong khi đó, Khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn cuối năm 2019 sẽ khởi công xây dựng và hoàn thành trong năm 2020.

Vì vậy, khi chưa bố trí tái định cư cho các hộ dân thì không thể phê duyệt thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân. Sau khi khởi công xây dựng hạ tầng Khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn, UBND tỉnh Đồng Nai cho các hộ dân bốc thăm tái định cư song song với xây dựng nhà tái định cư. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh phê duyệt toàn bộ thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân trong năm 2020.

Trong đó, công tác điều chỉnh địa giới hành chính cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng để phục vụ xây dựng Cảng HKQT Long Thành. Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 673/NQ-UBTVQH14 ngày 10/4/2019, UBND tỉnh Đồng Nai đã điều chỉnh địa giới hành chính 5 xã: Bình Sơn, Cẩm Đường, Long An, Long Phước, Bàu Cạn và giải thể xã Suối Trầu thuộc huyện Long Thành để sáp nhập vào xã Bình Sơn. Các cán bộ địa chính xã Bình Sơn gặp khó khăn trong xác định nguồn gốc đất do chưa nắm chắc địa bàn quản lý, dẫn đến chậm trong công tác xác định nguồn gốc đất.

Đối với quy trình, thủ tục bồi thường: UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND ngày 22/2/2018 quy định trình tự, thủ tục và 14 bước thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ bồi thường (chưa tính đến thời gian thực hiện cưỡng chế thu hồi đất). Trong khi đó, UBND huyện Long Thành đã ban hành Kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm và ban hành thông báo thu hồi đất dự án vào ngày 24/12/2018. Vì vậy theo quy trình, thủ tục nêu trên, UBND huyện Long Thành phải thực hiện 13 bước còn lại đầy đủ, chặt chẽ theo quy định hoàn thành và phê duyệt trong quý I/2020 là phù hợp, đúng quy định.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, UBND tỉnh Đồng Nai đã tập trung chỉ đạo thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Cảng HKQT Long Thành. Đến nay đã nhận bàn giao đất sạch, đã giải phóng mặt bằng 2 Khu tái định cư: Lộc An - Bình Sơn và Bình Sơn, với diện tích khoảng 358ha và đang thực hiện rà phá bom mìn để chuẩn bị khởi công cuối năm 2019.

Hiện nay, UBND tỉnh Đồng Nai đang tập trung tối đa công tác kiểm kê, xác định nguồn gốc đất cho toàn bộ dự án, dự kiến hoàn thành trong năm 2019. UBND tỉnh Đồng Nai sẽ phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và chi trả cho 18 tổ chức trong năm 2019. Riêng đối với hộ gia đình cá nhân, sau khi đã khởi công xây dựng hạ tầng tái định cư, song song đó cho các hộ dân bốc thăm tái định cư và phê duyệt giá đất cụ thể để bồi thường, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tập trung phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân có đất thu hồi thuộc giai đoạn 1 trong quý I/2020, các hộ dân còn lại trong năm 2020 và đảm bảo giao đất sạch giai đoạn 1 với diện tích 1.810ha cho chủ đầu tư trước ngày 30/10/2020 theo kế hoạch và giao toàn bộ diện tích 5.000ha trong quý I/2021.

Ông Cao Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: Hiện tại, UBND tỉnh Đồng Nai đang tập trung chỉ đạo triển khai 5 dự án thành phần có cấu phần xây dựng để đồng bộ hạ tầng, phục vụ tốt khi bố trí tái định cư cho các hộ dân khi về sinh sống. Dự kiến bắt đầu khởi công xây dựng Khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn trong năm 2019, 4 dự án thành phần còn lại sẽ khởi công trong năm 2020.

Vì vậy, việc giải ngân nguồn vốn Trung ương đã bố trí chưa được nhiều nhưng do nguyên nhân khách quan và phải thực hiện theo đúng quy định Luật Đất đai (2013). UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng đảm bảo không làm ảnh hưởng đến tiến độ chung dự án Cảng HKQT Long Thành.

Hạ Ly

Theo

Cùng chuyên mục
  • Thời tiết ngày 19/5: Bắc Bộ rải rác có mưa dông, Nghệ An đến Phú Yên nắng nóng

    Ngày 19/5, phía Đông Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội chiều tối và đêm có mưa rào, rải rác có dông, cục bộ có mưa to đến rất to; từ Nghệ An đến Phú Yên nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt từ 35-37 độ C.

  • Lục Ngạn: Phát triển đô thị bền vững, tạo động lực phía Đông tỉnh Bắc Giang

    (Xây dựng) – Theo chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2022-2025, huyện Lục Ngạn sẽ thành lập thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn mới. Trước ngưỡng cửa lịch sử, huyện Lục Ngạn đang dồn toàn lực hoàn thành và nâng cao các tiêu chí, gắn việc phát triển đô thị với bảo vệ môi trường, hài hòa với thiên nhiên.

  • Yên Lạc (Vĩnh Phúc): Tập trung giải phóng mặt bằng, phát triển kinh tế - xã hội

    (Xây dựng) - Thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao, UBND huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng. Với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, kết quả giải phóng mặt bằng (GPMB) của huyện đạt và vượt kế hoạch đề ra, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

  • Đề nghị rà soát suất đầu tư cao tốc Phủ Lý – Nam Định

    (Xây dựng) – Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Nam Định rà soát tiêu chuẩn, giải pháp thiết kế, chi phí xây dựng khi suất đầu tư dự án cao tốc Phủ Lý - Nam Định đang được tính toán sơ bộ khoảng 375 tỷ đồng/km.

  • Cao Bằng: Rộn ràng Ngày hội cho công nhân lao động

    (Xây dựng) - Ngày 18/5, tại Công ty Cổ phần Mía đường Cao Bằng (huyện Quảng Hoà), Liên đoàn Lao động tỉnh Cao Bằng tổ chức Ngày hội công nhân lao động, hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2024 với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.

  • Bắc Ninh: Giao đất mở đường – thu hút đầu tư

    (Xây dựng) – UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có văn bản giao 3.658,7m2 đất trồng lúa cho Ban Quản lý dự án xây dựng thành phố Bắc Ninh, để xây dựng đường nối từ nút giao thông Tây Nam sang làng Đại học tại phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh (đợt 2).

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load