(Xây dựng) - Trước thực trạng ô nhiễm môi trường và tác động của biến đổi khí hậu bất thường, UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị tăng cường tuyên truyền, vận động người dân đấu nối sử dụng nước sạch; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy cấp nước tập trung, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp nước sạch cho người dân khu vực nông thôn.
Hệ thống bể lọc công trình cung cấp nước liên 12 xã của huyện Vĩnh Tường luôn được vệ sinh đảm bảo an toàn theo quy định. |
Năm 2023, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương rà soát, đăng ký nhu cầu và phân vùng cấp nước đối với các địa phương. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án được đầu tư bằng nguồn vốn doanh nghiệp thực hiện cấp nước cho các khu vực nông thôn đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ chương đầu tư.
Cụ thể là Dự án nhà máy nước Sông Lô của Công ty Cổ phần cấp nước Vĩnh Phúc cấp nước cho khu vực Sông Lô, Lập Thạch; Dự án nhà máy nước sạch Sông Hồng của Công ty Cổ phần xây dựng Procons cấp nước cho khu vực Vĩnh Tường, Yên Lạc; Dự án đầu tư cấp nước sạch cho các xã trên địa bàn huyện Tam Đảo, Lập Thạch của Công ty TNHH nước sạch Minh Anh…
Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, doanh nghiệp thực hiện chính sách hỗ trợ giá nước sạch cho người dân nông thôn; đề xuất, mở rộng đấu nối cấp nước cho 34 xã thuộc huyện Yên Lạc, Tam Dương, Tam Đảo, Sông Lô, Lập Thạch chưa được cấp nước từ các công trình cấp nước tập trung còn dư công suất.
Cụ thể, Công ty Cổ phần nước sạch Vĩnh Phúc đã thực hiện hỗ trợ giá nước sạch cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng mức hỗ trợ 3,7 tỷ đồng; Công ty Cổ phần cấp thoát nước số I Vĩnh Phúc hỗ trợ giá nước đối với các hộ dân vùng nông thôn, theo Nghị quyết số 19 của HĐND tỉnh và theo Quyết định số 29 của UBND tỉnh trị giá hơn 4,4 tỷ đồng.
Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc được giao quản lý, vận hành 11 công trình cấp nước tập trung quy mô xã, liên xã, cấp nước cho 26 xã nông thôn trên địa bàn 4 huyện: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Lập Thạch, Sông Lô với tổng số hơn 34.000 hộ đấu nối sử dụng, trong đó có hơn 22.000 hộ sử dụng nước thường xuyên.
Nhằm tăng tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung, trung tâm phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò, tầm quan trọng của nước sạch đối với sức khỏe cộng đồng, phát triển kinh tế.
Phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền nhằm khuyến khích người dân tham gia đấu nối sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung đã được đầu tư cấp nước trên địa bàn xã, các công trình mới hoàn thành đưa vào khai thác vận hành. Triển khai thi công cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước tập trung, đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Từ năm 2023 đến nay, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tổ chức gần 30 lớp tuyên truyền về nước sạch nông thôn cho 1.150 lượt người đại diện các tổ chức đoàn thể xã, thôn, các hộ dân đã dùng nước, chưa dùng nước từ công trình cấp nước tập trung.
Đồng thời, đầu tư xây mới công trình cấp nước tập trung ở xã Trung Mỹ (Bình Xuyên); cải tạo, nâng cấp công trình cấp nước xã Sơn Đông (Lập Thạch); mở rộng vùng cấp nước từ công trình cấp nước tập trung xã Liên Châu - Hồng Phương, huyện Yên Lạc để cấp nước cho xã Hồng Châu; bổ sung tuyến ống cho 25 xã, thị trấn thuộc vùng cấp nước từ các công trình do đơn vị quản lý.
Nâng cao chất lượng nước thô và nước thương phẩm quy chuẩn trước khi cấp nước cho người dân sử dụng, trung tâm chỉ đạo phòng Quản lý - khai thác các trạm cấp nước thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị, thau rửa hệ thống xử lý đảm bảo vận hành an toàn; lấy mẫu, kiểm nghiệm đánh giá chất lượng nước sau khi được xử lý định kỳ theo quy định…
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, việc sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung ở vùng nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến hết tháng 3/2024, 100% hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh duy trì sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 81,7% hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2023... góp phần giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ dân số nông thôn trong tỉnh được sử dụng nước sạch đạt 85%.
Để đạt mục tiêu trên, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân đấu nối sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung; khuyến khích đơn vị cấp nước mở rộng mạng lưới, thực hiện ký kết thỏa thuận dịch vụ cấp nước với UBND các địa phương.
Xây dựng mới các nhà máy cấp nước mặt gồm Nhà máy nước Sông Hồng, Phúc Bình, Đôn Nhân, Bồ Lý; nâng công suất một số nhà máy sử dụng nguồn nước mặt sông Lô, sông Hồng, sông Phó Đáy, hồ Đại Lải, đảm bảo đáp ứng nhu cầu dùng nước sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Văn Nhất – Phùng Hằng
Theo