Chủ nhật 03/11/2024 05:49 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Giải pháp nào tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt?

10:08 | 18/05/2024

(Xây dựng) - Sáng 17/5, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam và Tạp chí Môi trường và Cuộc sống với sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt”.

Giải pháp nào tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt?
TS. Nguyễn Linh Ngọc – Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống chủ trì diễn đàn.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định đến ngày 1/1/2025 sẽ phải thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Đây được kỳ vọng là một bước đi đột phá để cải thiện vấn đề ô nhiễm và quá tải do rác thải, cũng như lãng phí tài nguyên ở Việt Nam.

Tuy nhiên để thực thi các quy định này điều kiện cần là một quy chuẩn vận hành, còn điều kiện đủ là quy trình phân loại – thu gom - xử lý rác thải cũng phải được thực hiện đồng bộ. Có như vậy rác thải mới đi đúng vòng tuần hoàn mang lại lợi ích. Nếu không làm tốt công tác chuẩn bị, triển khai thiếu đồng bộ, thì cũng rất khó đưa chính sách đi vào cuộc sống. Bởi thực tế đã cho thấy, những khó khăn, sự thiếu đồng bộ về hạ tầng thu gom, xử lý rác đang là một trong những thách thức lớn đối với phân loại rác thải sinh hoạt tại các địa phương hiện nay.

Giải pháp nào tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt?
TS. Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết: Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra 06 Điều quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, Điều 75 của Luật này quy định về phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt. Nghị định số 45 của Chính phủ cũng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Mặc dù thời điểm chính thức áp dụng việc xử phạt đối với hành vi này sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2025, nhưng nếu không làm tốt công tác chuẩn bị, không có lộ trình rõ ràng cũng rất khó đưa chính sách vào cuộc sống.

“Phân loại rác thải sinh hoạt sẽ mang lại lợi ích lâu dài nhưng là khó khăn trước mắt. Việc phân loại, thu gom và xử lý Rác thải sinh hoạt là bài toán khó giải quyết ở cả thành thị lẫn nông thôn”, TS. Nguyễn Linh Ngọc cho biết thêm.

Nói về thách thức trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt, ông Nguyễn Thành Lam - đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thứ nhất, trong phân loại: Chưa triển khai phân loại tại nguồn đồng bộ tại các địa phương. Thứ hai, trong thu gom, vận chuyển: Chưa cung cấp đủ dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nhiều khu vực nông thôn, miền núi; Thiếu thiết bị thu gom, phương tiện vận chuyển chuyên dụng đáp ứng yêu cầu; Thiếu địa điểm tập kết, trạm trung chuyển đáp ứng quy định làm tồn đọng chất thải rắn sinh hoạt kéo dài gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc; Các quy định về Định mức, đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý còn thiếu. Thứ ba, trong xử lý: Công nghệ chôn lấp vẫn là chủ yếu (76,10%); Nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, bao gồm vốn ODA; Nguồn vốn từ khu vực tư nhân còn khiêm tốn.

Theo đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, trước khi có Luật Bảo vệ môi trường 2020, tình hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt còn mang tính thí điểm, mô hình, không thành công, sau khi có Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã bước đầu có địa phương tổ chức triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Giải pháp nào tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt?
Ông Lê Hải Bằng – Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên trình bày tham luận tại diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Hải Bằng – Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 nhà máy xử lý chất thải công nghiệp đặt tại 3 thành phố: Sông Công, Phổ Yên và Thái Nguyên. Ông Lê Hải Bằng cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong công tác phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại Thái Nguyên, bao gồm: Thứ nhất, lực lượng cán bộ làm việc trong công tác bảo vệ môi trường, quản lý chất thải rắn còn mỏng. Thứ hai, nhiều nhà máy xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh còn “ngại” tiếp nhận chất thải sinh hoạt. Thứ ba, hạ tầng về thu gom, xử lý rác thải chưa được đồng bộ. Thứ tư, các nhà máy đã được đầu tư công nghệ xử lý rác thải trong hoạt động về kiểm soát ô nhiễm vẫn chưa được ổn định. Đại diện Chi Cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên cũng bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, định mức về công tác phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt sẽ sớm được ban hành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các công ty môi trường. Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có những hướng dẫn chung, xây dựng bộ phận riêng thực hiện việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Ông Lê Hải Bằng cũng đề nghị các Bộ, ngành và Quốc hội xem xét bổ sung biên chế cho Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh để công tác phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt được triển khai hiệu quả và đồng bộ.

Chia sẻ về vấn đề này, ThS. Đào Thu Huyền - Phó Trưởng Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hải Phòng cho biết: Hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 1860 tấn/ngày, trong đó tại khu vực đô thị khoảng 1000 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 860 tấn/ngày (số liệu thống kê năm 2023). Tuy nhiên việc triển khai thu gom, phân loại chậm triển khai theo Quy hoạch; Công nghệ công nghệ còn đơn điệu (chủ yếu chôn lấp hợp vệ sinh); Đối mặt với sự quá tải, nguy cơ ô nhiễm cao; Chưa khai thác được các lợi ích kinh tế từ rác thải; Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển thấp, thu không đủ bù chi; Công nhân thu gom tại nông thôn: Thu nhập thấp, chưa được quan tâm.

Chia sẻ kinh nghiệm áp dụng tại thành phố Hải Phòng, ThS. Đào Thu Huyền cho biết, với niềm tin phân loại rác tại nguồn là tốt, là điều cần làm, phải làm; Chắc chắn phân loại rác tại nguồn sẽ thành công, đặc biệt phải kiên trì. Với động lực “Nếu không phân loại tại nguồn: Bị từ chối tiếp nhận”; Kinh nghiệm, bài học về ùn ứ rác từ sự cố các bãi rác; Ưu tiên ở vùng tập trung hữu cơ cao, "Mô hình điểm" (chính quyền, người dân quan tâm…); Phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt (Bí thư, Tổ dân phố, phụ nữ...).

TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho hay: Hiện nay hầu hết các địa phương khá lúng túng khi triển khai chất thải rắn sinh hoạt theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, kể cả một số địa phương đã ban hành Kế hoạch chất thải rắn sinh hoạt. Các địa phương đang đợi các hướng dẫn của Bộ để triển khai thực hiện. Các hộ dân, các chủ nguồn thải vẫn chưa hiểu rõ phải phân loại rác như thế nào, phải trả tiền theo lượng rác thải ra sao; đổ rác phân loại ở đâu, như thế nào; các đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom vẫn chưa có hướng dẫn về trang thiết bị, tần suất địa điểm thu gom rác đã phân loại, vẫn thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký kết (theo Quyết định 592 năm 2014 của Bộ Xây dựng về định mức dự toán thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đô thị), chưa có thay đổi trong công tác thu gom, vận chuyển xử lý. Vẫn còn khoảng trống trong việc xử lý rác thực phẩm (đầu tư, quy trình, định mức và tiêu thụ đầu ra…).

Giải pháp nào tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt?
Toàn cảnh buổi Diễn đàn.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Lân - đại diện Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương cho biết: Với đặc thù rác thải ở Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung là rác thải chưa phân loại, không có công nghệ nào xử lý được nếu không tiến hành phân loại rác ngay từ đầu. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động cũng sẽ gặp phải một số khó khăn, vướng mắc còn tồn đọng trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt được như: Về nguồn vốn: Chi phí thu gom, xử lý còn tương đối cao, và về công nghệ

Còn theo ông Nguyễn Duy Bình – Giám đốc Công ty CP Vệ sinh Môi trường Lam Sơn, mặc dù việc chôn lấp rác thải hiện nay chiếm khoảng 70% là chôn lấp và chỉ có khoảng 17% là tái chế. Tuy nhiên do vấn đề quy hoạch mặt bằng chưa đồng bộ hóa hạ tầng kỹ thuật, chưa đồng bộ cho mục đích xử lý chất thải nói chung. Các dòng rác thải có tính tái sử dụng chưa thiết kế theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chung thống nhất cho các địa phương nên dự án đi đến đâu là chỉ một thời gian sau các núi rác mọc theo đến đó. Về tiến trình thực hiện việc phân loại rác thải, ông Bình cho rằng các địa phương nên làm thí điểm có đánh giá tính hiệu quả sau đó mới nhân rộng, thực hiện đại trà.

Chia sẻ tại diễn đàn, liên quan đến vấn đề giáo dục môi trường, TS. Bùi Thị Thanh Hương - Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, giáo dục đóng một vai trò quan trọng đó là bắt đầu là câu chuyện của giáo dục và kết thúc sẽ tạo nên câu chuyện của văn hóa và khi văn hóa đã có sẽ tạo nên văn hóa của thói quen và nhận thức. Khi đã trở thành nhận thức thì giống như ở Nhật Bản sẽ là rác của mình không phải để người khác dọn. Nhà nước và các ngành khác không phải tốn tiền của và sức lực cho cái việc không chỉn chu và gọn gàng của từng cá nhân.

Giải pháp nào tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt?
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Diễn đàn.

Phát biểu kết luận diễn đàn, TS. Nguyễn Linh Ngọc tin rằng, cả hệ thống chính trị vào cuộc, người đứng đầu các cấp cấp tỉnh, huyện, xã quyết tâm thực hiện, người dân quyết tâm, việc thực hiện phân loại sẽ thực hiện được và thành công. Cơ chế, chính sách cần tiếp tục đồng bộ, tiếp theo các tỉnh theo các Nghị định hướng dẫn cần áp dụng phù hợp với điều kiện, cơ sở hạ tầng của tỉnh, của địa phương.

Chính quyền các cấp cần triển khai thực hiện đồng bộ từ phân loại tại nguồn đến phân loại khi thu gom, vận chuyển, xử lý, và nhiệm vụ hàng đầu là phải tăng cường tuyên truyền mục đích, lợi ích của việc phân loại chất thải sinh hoạt; hướng dẫn cho cộng đồng nhận biết, phân loại đúng. Lâu dần, mỗi người dân sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc phân loại rác cũng như tác động của nó đối với môi trường sống, góp phần hình thành ở mỗi cá nhân nhận thức bảo vệ môi trường sống, hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn. Đó cũng chính là lợi ích xã hội lớn nhất mà hoạt động phân loại rác tại nguồn mang lại.

Khánh Diệp

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load