(Xây dựng) - Năm 2019 sắp đi qua, đất nước vẫn vững vàng bước chân hội nhập. Kinh tế tăng trưởng, tất cả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều ghi dấu ấn, mốc son mới. Bức tranh đất nước với nhiều gam màu sáng láng với những bứt phá mạnh mẽ đã làm nên một Việt Nam được nhiều tổ chức, bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Bộ GTVT nói gì khi quá nhiều dự án giao thông đội vốn quá khủng, thi công ì ạch? |
1 Không chỉ vượt lên trong tăng trưởng kinh tế, mà cuộc chiến chống tham nhũng và thao túng quyền lực càng thực thi chắc chắn và bài bản, đã bắt trúng lòng dân, tạo ra sự đồng thuận tuyệt vời. Đó chính là niềm tin của người dân cả nước ngày càng ắp đầy với Đảng, Quốc hội, Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ tới nay. Đó chính là điểm tựa để gần trăm triệu dân cả nước đi tới khát vọng quốc gia khởi nghiệp!
Nhưng dư luận vẫn còn những băn khoăn trăn trở rất cần mổ xẻ, phân tích. Mổ xẻ để nhìn rõ yếu kém. Phân tích để có “kế sách” đưa đất nước vượt nhanh hơn!
Nói kinh tế tăng trưởng nhanh vượt bậc so với các nước trong khu vực được các tổ chức quốc tế ghi nhận, nhưng sự tăng trưởng ấy đã bền vững chưa? Những tiếng nói thẳng thắn của người dân trong các cuộc tiếp xúc cử tri ở khắp các vùng miền mấy ngày qua rất nóng với công tác quản lý nhà nước trên đủ các lĩnh vực đang lộ ra những yếu kém không thể không lo. Chống tham nhũng rất mạnh, nhưng tình trạng lãng phí, quản lý chi tiêu công đã tốt chưa? Rõ ràng là chưa. Nhìn xem quá nhiều dự án đổ cả “núi tiền” vào nhưng hiệu quả thế nào từ những dự án này xem ra còn đó bao ngẫm ngợi. Quản lý đầu tư công, sử dụng vốn đầu tư công không thể diễn mãi tình trạng “đội vốn” như một căn bệnh trầm kha. Chỉ nhìn vào mấy dự án đường sắt trên cao, dự án Metro, dự án chống ngập ở Hà Nội và TP.HCM đội vốn “quá khủng” so với dự toán, thì lòng dân sao có thể yên? Bạc tiền cứ “ném ra” bởi những phát sinh do trình độ khi ký kết hợp đồng với các đối tác, với những ràng buộc trong vay vốn và mua sắm thiết bị chưa đủ tầm, đủ độ, hay còn nguyên nhân gì khác? Có không những hợp đồng “biết cả là thua thiệt đấy”, sao vẫn đặt bút ký? Chính phủ nói sớm đưa vào vận hành dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông và xử nghiêm cán bộ sai phạm. Nhưng những mắc mớ về pháp lý còn hở hênh kia, thì ai người chịu trách nhiệm? Nói công khai minh bạch phải đi trước, nhưng còn có cả chuyện sợ công khai minh bạch ngay trong các dự án lớn. Chính phủ quyết liệt chỉ đạo thu phí giao thông trên các cao tốc cả nước phải thực hiện ngay trong năm 2019, nhưng Bộ GTVT lại đệ trình Chính phủ xin được lùi nghe có lạ không? Rõ ràng tư lệnh ngành GTVT chỉ đạo chưa quyết liệt. Cứ đổ vấy cả do khách quan, thì vai trò quản lý nhà nước của ngành GTVT ở đâu?
Nói nâng niu từng đồng tiền ngân sách, liệu nói mạnh đã thực sự làm mạnh mẽ chưa? Chỉ một vụ việc lắp camera cho nhà riêng lãnh đạo ở Sóc Trăng, nếu báo chí không lên tiếng, thì ngân sách đã ném vào “hư không” tiền tỷ cho một ý tưởng không trúng lòng dân, không được dân đồng thuận. Nói đầu tư công phải đặt lên trên hết hiệu quả mà ai đó còn đang khát vọng mở đường sắt Lạng Sơn - Hải Phòng cả trăm ngàn tỷ với những quảng bá kêu hơn cả chuông khánh kia. Có hay ngành đường sắt đang thua lỗ, đang trì trệ thế nào? Đó chỉ là một vài việc nhỏ, rất nhỏ trong chi tiêu ngân sách không đúng và cả những ý tưởng vẽ ra những dự án khủng theo kiểu ngẫu hứng, hay do nhà đầu tư dắt tay, chỉ đạo? Bộ Tài chính hãy rà soát lại xem bạc tiền ngân sách trong tiêu xài đã tuân thủ kỷ luật tài chính chưa? Những dự án đầu tư lớn bằng ngân sách người dân nghi ngại có “lợi ích nhóm” ẩn náu, “cố thủ” trong đó không? Hãy nhìn xem nguồn lực quốc gia còn chưa dư dả mà bạc tiền quản lý không chặt, thanh kiểm tra “sờ” vào đâu cũng chỉ ra sai phạm, thì các bộ ngành chớ vội khen nhau là điều hành giỏi giang năng động(?). Càng thấy khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ về tỉnh thành nào cũng đều nghe những đề nghị phải ưu tiên mở dự án này công trình kia chả cần biết nguồn vốn sẽ khai thác từ đâu?
2 Đột phá vào đâu để kinh tế tăng trưởng bền vững? Chính là đột phá vào tình trạng lãng phí hiện nay! Nhìn xem đất đai công sản phải coi như “báu vật” quốc gia không ai được xà xẻo động vào, nhưng vẫn còn bị những cái “vòi bạch tuộc” chĩa vào kia. Nhìn xem những “ký tá” phê duyệt trao những khu “đất vàng” ở các đô thị lớn vào tay các DN đại gia tư nhân như “tặng nhau biếu nhau”, mà Nhà nước thua thiệt hàng ngàn tỷ nọ nhiều ngàn tỷ đồng kia, thì “cái ổ” của “lợi ích nhóm” trú ngụ trong đó chứ còn đâu khác. Hãy mổ xẻ vì sao nhiều dự án chỉ thích chỉ định thầu, mua sắm công né tránh việc đấu giá. Bộ GTVT nói gì khi quá nhiều dự án giao thông đội vốn quá khủng, thi công ì ạch? Nhìn xem việc giải ngân đầu tư công quá chậm năm này nối sang năm khác như “chuyện dài nhiều tập”, sao tư lệnh Bộ KH&ĐT vẫn chưa có quyết sách, kế sách gì tháo gỡ? Nhìn về các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty lớn Nhà nước, vì sao sản xuất kinh doanh chưa như kỳ vọng mà còn “phơi ra” đủ bất cập làm “âm vốn, mất vốn” đã quy trách nhiệm được cho ai? Ủy ban Quản lý vốn nhà nước ra đời, liệu đã có quốc sách và đủ sức giám sát quản lý hàng triệu tỷ đồng vốn Nhà nước đang trao cho các DN lớn này? Kinh tế chưa bền vững càng phải nâng niu từng đồng tiền ngân sách. Không thể để tình trạng những khu “đất vàng” lọt vào tay DN tư nhân, càng không thể có những “ký tá” mua giá trị DN ảo như vụ AVG mà ném ra nhiều ngàn tỷ như thế? Vụ đại án AVG xét xử tới đây sẽ phơi ra đủ chuyện khóc cười khi cả loạt bộ ngành cùng “thò” bút ký tá phê duyệt vào, chứ đâu chỉ có 2 cựu Bộ truởng TT&TT và mấy vị lãnh đạo Mobifone?
Trên nhiều diễn đàn nói rất nhiều đến khát vọng quốc gia! Hiểu cho đến cùng, thì khát vọng đó chính là đem cái tài, cái tâm “công bộc” để lo việc nước việc dân, chứ không thể là khát vọng để “ních” cho đầy cái túi tham của một bộ phận “công bộc” hư hỏng tha hóa(!).
Chống tham nhũng, càng phải tuyên chiến với chống lãng phí thất thoát, phải chặn đứng lại những cái “sân trước sân sau” đang như đẻ ra để “hứng lộc” từ các dự án đầu tư công. Nhìn thẳng vào các dự án đầu tư công không hiệu quả, thì lãng phí ở đó là không nhỏ. Các bộ ngành, các tỉnh thành hãy tổng rà soát lại xem bao nhiêu dự án hiệu quả và bao nhiêu công trình còn dở dang “đắp chiếu” lãng phí? Hãy nhìn về khu đô thị Thủ Thiêm, về khu công nghệ cao Q.9, về những khu đất vàng ở làng đại học Thủ Đức bị chiếm dụng, bị băm nát đủ những ký tá phê duyệt sai phạm chềnh ềnh ra mà sao các lãnh đạo nhiệm kỳ trước chỉ đạo phê duyệt vẫn như đứng ngoài vòng, vẫn cứ “im thin thít như thóc trong bồ”(?). Nhìn xem cả loạt công trình lấn chiếm đất rừng sai phạm băm nát rừng Sóc Sơn, Ba Vì và bao khu đất vàng giữa các quận trung tâm Thủ đô đang được quản lý sử dụng ra sao, mà lãnh đạo Hà Nội vẫn chưa có lời giải thích lọt tai dân?
3 Cần nhìn thẳng, cần “tự soi”, và hơn thế phải bớt đi bệnh thành tích, bệnh lạc quan quá đà, “đánh bóng” tên tuổi cá nhân mới có thể nhìn rõ những gì các bộ ngành phải làm.
Bài học điều hành, trình độ tư duy, tầm nhìn xa dài hay không, rất cần phải được “đo đếm” cụ thể từ những dự án này. Đã đến lúc phải tính toán chi ly từng đồng tiền, từng mét vuông đất quốc gia phải sử dụng quản lý sao cho hiệu quả. Đón rước đầu tư phải đổi mới tư duy, cách làm theo chỉ đạo của Bộ Chính trị. Tăng trưởng kinh tế càng phải gắn chặt không vì kinh tế mà đánh đổi môi trường. Thu ngân sách vượt, nhưng cần quản lý chặt chẽ hơn việc chi tiêu công. Mở dự án phải tính đến nguồn vốn thế nào. Dứt khoát không cho mở dự án khởi công rầm rộ, rồi ngồi chờ tiền đợi vốn. Càng không thể để tình trạng vốn có mà cứ “nằm chết” trong két bởi những thủ tục hành chính và ách tắc trong giải phóng mặt bằng vô lý, trong khi đó trên vai ngành Tài chính vẫn nặng gánh lo trả lãi.
Bất cập và bức xúc của người dân cả nước còn ở vai trò quản lý nhà nước của các bộ ngành chưa “bật ra” được những giải pháp sáng láng, những kế sách thông minh trước những vấn đề nóng thực tiễn đặt ra. Không thể cứ tư duy nhiệm kỳ mà cứ băm nát quy hoạch, cứ tâm thế giữ an toàn thế thủ không làm, không dám làm vì sợ sai. Càng không thể cứ xử lý các vấn đề kiểu “chạy theo đuổi theo” tình thế! Cần dóng tiếng chuông nói trên trời nhưng làm thì dưới đất. Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nghĩ gì khi ông vung tay trên diễn đàn cao giọng “phán” như “đóng đinh” không lo thiếu thịt lợn, giờ lại xì ra thiếu tới 200 nghìn tấn nghe có giật mình không?
Đột phá vào đâu để đất nước không tụt hậu? Vì sao kinh tế tăng trưởng nhanh, mà dư luận, lòng dân vẫn canh cánh mối lo tụt hậu. Rõ ràng phải đột phá mạnh vào những gì còn yếu kém trong phong cách điều hành, trong ban hành chính sách từ chính các bộ ngành và việc tuân thủ kỷ cương phép nước của các cấp chính quyền ở 63 tỉnh thành còn quá nhiều lỗ hổng.
Đột phá vào đâu để kinh tế tăng trưởng bền vững? Chính là đột phá vào tình trạng lãng phí hiện nay. Hãy mổ xẻ vì sao nhiều dự án chỉ thích chỉ định thầu, mua sắm công né tránh việc đấu giá. |
Đỗ Quang Đán
Theo