Thứ tư 08/05/2024 18:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đông Anh (Hà Nội): Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị

09:50 | 07/12/2022

(Xây dựng) - Thực hiện đề án xây dựng thành quận vào năm 2025, huyện Đông Anh đang tập trung mọi nguồn lực cho xây dựng xã nông thôn mới điển hình, tiên tiến gắn với phát triển đô thị. Để hoàn thành mục tiêu huyện đã và đang đẩy mạnh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định sản xuất, phát triển kinh tế.

Đông Anh (Hà Nội): Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị
Huyện Đông Anh phấn đấu mục tiêu thành quận trong năm 2025 (Nhà văn hóa huyện Đông Anh – Ảnh: Internet).

Để đạt được mục tiêu trở thành quận trong năm 2025, huyện Ðông Anh đã ban hành kế hoạch thực hiện phong trào thi đua "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới", giai đoạn 2016 - 2020; chỉ đạo UBND các xã căn cứ thực tế để lập kế hoạch sản xuất phù hợp. Cùng với những chỉ đạo cụ thể cho từng thời điểm sát tình hình, huyện cũng bố trí thường xuyên từ 20 đến 25 tỷ đồng hỗ trợ người dân trong sản xuất nông nghiệp như: Hỗ trợ thóc giống mới, nguyên chủng; giống thủy sản chất lượng cao; mô hình sản xuất rau an toàn, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp...

Ðồng thời, mở rộng sản xuất trong các khu, cụm, điểm công nghiệp, làng nghề nông thôn, khôi phục và phát triển mạnh các làng nghề thủ công truyền thống. Trong đó, chú trọng mở rộng quy mô một số nghề như: Sản xuất đồ gỗ dân dụng, mỹ nghệ, đồ gỗ ép phun sơn, sản xuất thép và cơ khí, tập trung tại các xã: Vân Hà, Liên Hà, Dục Tú, Thụy Lâm... Ðã xây dựng nhãn hiệu tập thể "Gỗ mỹ nghệ Vân Hà". Các nghề khác như: Làm tương, đậu phụ, bún, bánh chưng, bánh kẹo, giò chả, may mặc... đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân trong và ngoài huyện.

Nhờ gắn kết giữa xây dựng nông thôn mới với phòng, chống dịch bệnh, sản xuất nông nghiệp trên toàn huyện đã có những khởi sắc, nhiều sản phẩm OCOP (thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đã được đưa đến tay người tiêu dùng trong huyện và thành phố, bảo đảm đời sống của người dân cũng như phát triển kinh tế địa phương.

Theo ghi nhận của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thu nhập của người dân đã tăng nhanh, từ 43 triệu đồng/người/năm (năm 2016) lên 60 triệu đồng/người/năm(năm2020).

Huyện Ðông Anh có những cách làm riêng để vực dậy nền kinh tế, trong đó chú trọng nguồn lực từ cơ sở. Hợp tác xã Ba Chữ được xem là một thành công cho sự phát triển kinh tế tập thể tại Ðông Anh. Thành lập năm 2016, Hợp tác xã Ba Chữ hoạt động theo mô hình vừa sản xuất vừa kinh doanh với khoảng 35ha, cung cấp khoảng 30 loại rau, củ, quả cho các công ty, trường học, chung cư, siêu thị trên địa bàn thành phố. Có thời kỳ, lượng hàng giao dịch của Hợp tác xã lên đến gần chục tấn/ngày, thời điểm thấp nhất cũng là 5 đến 6 tấn/ngày. Ðể duy trì thu nhập cho xã viên đạt từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng, ngoài khuyến cáo giảm diện tích sản xuất, Hợp tác xã tăng cường tuyên truyền để xã viên tuân thủ quy trình sản xuất thực phẩm an toàn. Tính đến thời điểm hiện tại, Hợp tác xã Ba Chữ đã áp dụng biện pháp truy xuất nguồn gốc, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và có mã chống hàng giả giúp người tiêu dùng yên tâm về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm.

Không chỉ hướng đến những sản phẩm an toàn, Hợp tác xã Ba Chữ còn mạnh dạn đăng ký sản phẩm OCOP với mặt hàng rau cải xanh đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn.

Chương trình OCOP tại huyện Ðông Anh có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực; gia tăng giá trị; phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp theo chuỗi giá trị và là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Nhận thức được vai trò, ý nghĩa của Chương trình OCOP, thời gian qua, huyện đã ban hành Kế hoạch số 231/KH-UBND ngày 2/8/2019; tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, giới thiệu các nội dung thuộc Chương trình OCOP với 131 sản phẩm. Ðồng thời, tổ chức đánh giá, xếp hạng cho 20 sản phẩm và đã có hai sản phẩm được Thành phố Hà Nội đánh giá, xếp hạng 4 sao là Long Mã và đậu Dafusa; 18 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng 3 sao.

Trọng tâm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi thông qua chương trình OCOP cho thấy đây là hướng đi đúng và trúng của huyện Ðông Anh trong khôi phục sản xuất sau dịch Covid-19, để không làm gián đoạn mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo chuẩn đô thị.

Hiện nay, huyện đã hoàn thành việc xây dựng đề án Đầu tư xây dựng huyện thành quận đến năm 2025 và được Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 5858/QĐ-UBND ngày 21/10/2019. Ngày 8/11/2019, BCH Đảng bộ huyện khóa XXVIII đã ban hành Nghị quyết số 558 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thành quận, giai đoạn 2020 – 2025, xác định rõ “Đây là nhiệm vụ trọng tâm, rất quan trọng, mang tính lịch sử của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đông Anh”.

Đông Anh là một trong những huyện top đầu của Thủ đô và cả nước được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba trong xây dựng nông thôn mới.

Với những thành tựu từ nhiệm kỳ vừa qua mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đông Anh đã đạt được, thời gian tới, huyện sẽ phấn đấu hoàn thành và hoàn thành xuất sắc mọi mục tiêu đã được đề ra trong công cuộc xây dựng đổi mới đất nước nói chung và huyện nói riêng.

Thảo Phương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load