(Xây dựng) - Trên thực tế không chỉ có người dân mà chính những doanh nghiệp đang thi công dự án cũng đã bắt tay “xẻ thịt” taluy dương trên tuyến đường Quốc lộ 3 mới Thái Nguyên-Chợ Mới (Bắc Kạn).
Công trường dự án xây dựng Quốc lộ 3 mới Thái Nguyên-Chợ Mới.
Sau hai năm triển khai thi công, dự án xây dựng Quốc lộ 3 mới Thái Nguyên-Chợ Mới (Bắc Kạn) đang vào giai đoạn nước rút, chuẩn bị thông xe đưa vào khai thác toàn tuyến cuối năm nay. Tuy nhiên, dọc hai bên tuyến đường này đã xuất hiện tình trạng người dân sử dụng mọi thiết bị “xẻ thịt”, đào đất hạ mái taluy dương khiến công trình bị thay đổi hiện trạng, ảnh hưởng đến kết cấu, chất lượng và nguy cơ đe dọa an toàn giao thông khi dự án đưa vào khai thác.
Thông tin cho báo chí, đại diện Công ty TNHH BOT Thái Nguyên-Chợ Mới (chủ đầu tư dự án) cho rằng đây là việc làm phá hoại tài sản quốc gia, cố tình vi phạm hành lang an toàn đường bộ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công trình. Bên cạnh đó, việc người dân tự ý đào xới mái taluy sẽ làm ảnh hưởng đến mỹ quan, đồng thời làm tăng nguy cơ sạt lở trong quá trình khai thác của tuyến đường sau này.
Dưới góc nhìn đa chiều, qua việc tiếp cận với người dân, chính quyền địa phương và cả nhà đầu tư đã thúc giục chúng tôi lên tiếng để chúng ta đánh giá, nhìn nhận một cách khách quan về hành vi “xẻ thịt” taluy dương trên tuyến đường Quốc lộ 3 mới Thái Nguyên-Chợ Mới (Bắc Kạn) này.
Cụ thể, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên-Chợ Mới được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, chiều dài 40km, bề rộng nền đường 12m. Dự án có tổng mức đầu tư 2.713 tỷ đồng do liên danh CIENCO4 - Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc - Công ty CP ĐTXD&TM Trường Lộc làm nhà đầu tư theo hình thức BOT.
Thực tế, tuyến đường này là đường giao thông đường bộ cấp II “cơ bản đạt tiêu chuẩn đường cao tốc”- Báo cáo của Công ty TNHH BOT Thái Nguyên-Chợ Mới ghi nhận như vậy; trong khi đó rất nhiều người, kể cả cơ quan báo chí vẫn khẳng định đây là tuyến “cao tốc”.
Do là đường giao thông đường bộ cấp II, nhiều đoạn chỉ đạt cấp III nên các đấu nối với các tuyến đường giao đều được thiết kế và thi công đồng mức. Điều đó cũng có nghĩa là “không có đường gom, không rào ngăn cách như các tuyến cao tốc đã và đang thi công tại Việt Nam”, một chuyên gia ngành giao thông phân tích. Chính từ sự áp đặt “cao tốc” đã khiến nhiều người hiểu chưa chính xác về việc kết nối giao thông từ các ngõ, các hộ gia đình liền kề ra tuyến đường này, dẫn đến sự quy chụp nặng nề.
Khách quan mà nói, việc người dân tự ý đào đất hạ mái taluy dương khi chưa được phép của cơ quan chức năng là sai. Tuy nhiên, có một thực tế, như ông Phạm Bình Công, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết: “Hiện dự án mới chỉ đền bù từ mái taluy trở xuống, còn với phần đất trống, trong đó có đất của dân chưa đền bù”.
Vì thế, theo quy định hiện hành, phần đất nào vẫn thuộc người dân quản lý người dân vẫn được quyền sử dụng. “Trong phạm vi quy hoạch (chưa đền bù) người dân không được phép trồng cây lâu năm hoặc xây dựng công trình kiên cố trên đó. Nếu muốn xây dựng tạm phải xin phép và được cơ quan chức năng đồng ý bằng văn bản”, một chuyên gia ngành xây dựng phân tích.
“Nếu không cho người dân sử dụng thì phải đền bù đất cho người dân chúng tôi” - đại diện các hộ gia đình có đất liền kề đường Thái Nguyên-Chợ Mới tại xã Sơn Cẩm lên tiếng.
UBND huyện Phú Lương tích cực vào cuộc, xử lý vi phạm.
“Với trách nhiệm của mình, chính quyền địa phương, cụ thể là huyện Phú Lương thời gian qua đã có nhiều giải pháp ngăn chặn người dân xây dựng công trình trái phép tại những phần đất này”, ông Công nói.
Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết thêm, ngày 3/11, Phòng Kinh tế - Hạ tầng UBND huyện Phú Lương đã thống kê có tất cả 23 hộ dân có hành vi đào taluy, san lấp đất. Ngay sau đó, UBND huyện đã chỉ đạo các bộ phận liên quan, chính quyền xã xuống các hộ dân này tổ chức tuyên truyền, yêu cầu người dân dừng đào taluy, cam kết không tái phạm. Theo đó, có 4 hộ UBND xã đã lập biên bản yêu cầu dừng đào taluy; 16 hộ còn lại cũng được UBND xã lập biên bản và tuyên truyền vận động.
Thế nhưng, theo phản ánh của người dân, chính doanh nghiệp đang thi công công trình đường Thái Nguyên-Chợ Mới cũng đang “xẻ thịt” taluy dương. Vụ việc ban đầu không được lắng nghe nên chỉ đến khi đại diện UBND xã Sơn Cẩm, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phú Lương, Công ty BOT, Ban Điều hành BOT Thái Nguyên-Chợ Mới kiểm tra đột xuất, phát hiện Công ty CP 496 đang xúc đất trong phạm vi mái taluy dương tại lý trình km70+850 (bên trái tuyến) mới được xác lập biên bản vào hồi 15h ngày 10/11/2016. Cùng ngày, Ban Điều hành Dự án BOT Thái Nguyên-Chợ Mới đã phải ra Quyết định xử phạt Công ty CP 496 vi phạm quy chế tổ chức trên công trường.
Quyết định xử phạt hành chính Công ty CP 496.
Qua vụ việc trên, thiết nghĩ, ngoài việc ngăn chặn các hành vi san gạt đất và xây dựng trái pháp luật, chính quyền địa phương tại huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên và chủ đầu tư công trình cần phối hợp tuyên truyền đến các hộ dân những quy định cụ thể, đúng pháp luật. Bên cạnh đó cũng cần có những ứng xử phù hợp, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân, tránh những xung đột lợi ích kéo dài và không đáng có.
Thái Nguyên Nhân
Theo