Chủ nhật 05/01/2025 23:57 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Định hướng phát triển hạ tầng đô thị xanh tại Việt Nam

14:55 | 25/11/2022

(Xây dựng) – Đây là nội dung chính được tập trung thảo luận tại Hội thảo "Quản lý và xây dựng hạ tầng đô thị xanh hướng tới phát triển bền vững" do Bộ Xây dựng, Tổ chức HealthBridge và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp tổ chức ngày 25/11 tại Đà Nẵng.

Định hướng phát triển hạ tầng đô thị xanh tại Việt Nam
PGS.TS. Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết: Quá trình đô thị hóa đã và đang diễn ra nhanh chóng ở Việt Nam. Tính đến tháng 10/2022, cả nước có 888 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa ước khoảng 41%, khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước.

Tuy nhiên, thách thức của đô thị hóa và biến đổi khí hậu đang tác động mạnh đến môi trường, chất lượng cuộc sống của người dân và sự phát triển bền vững của đô thị. Trước thực trạng đó, việc quản lý, xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị xanh, an toàn và bền vững cần được các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương quan tâm. Đây là xu hướng phát triển bền vững đô thị của Việt Nam và thế giới.

Khái niệm "hạ tầng xanh" còn tương đối mới trong quản lý đô thị, cả ở Việt Nam và nhiều nước đang phát triển trên thế giới.

Theo PGS.TS. Mai Thị Liên Hương, hạ tầng xanh là mạng lưới các thành tố "xanh" được bảo tồn, tăng cường hoặc được thiết lập nhằm giải quyết các vấn đề của đô thị hóa dựa trên cách tiếp cận "xây dựng hạ tầng thân thiện với môi trường, hài hòa cùng thiên nhiên"...

Định hướng phát triển hạ tầng đô thị xanh tại Việt Nam
Toàn cảnh Hội thảo.

Dưới góc độ quản lý, Chính phủ Việt Nam đã từng bước tiếp cận, quan tâm đến các vấn đề phát triển hạ tầng đô thị xanh, bền vững thông qua việc lồng ghép vào các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường... và hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, xây dựng đô thị, hạ tầng kỹ thuật.

Việt Nam cũng chủ động tham gia ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu nhằm chủ động, hợp tác thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Nhằm triển khai cụ thể các nội dung này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, trong đó xác định phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững là một nội dung định hướng chiến lược, giao Bộ Xây dựng thực hiện phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị xanh, thông minh...

Định hướng phát triển hạ tầng đô thị xanh tại Việt Nam
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

Báo cáo tại Hội thảo, các đại biểu, các nhà quản lý, chuyên gia về phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đã đề cập đến một số nội dung liên quan bao gồm: Thực trạng và định hướng phát triển hạ tầng đô thị xanh tại Việt Nam; Chính sách hỗ trợ phát triển không gian xanh công cộng đô thị - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho các thành phố tại Việt Nam; khái quát về Thành phố bọt biển - Spongebob City; Xu hướng phát triển công nghệ chiếu sáng thông minh và tiết kiệm năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh; Khuyến nghị chính sách quản lý phát triển cây xanh đô thị; Kinh nghiệm xây dựng quy định "Quản lý hoạt động thoát nước địa bàn tỉnh Kiên Giang"; Kinh nghiệm lập định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp tỉnh Cà Mau đến năm 2030; Một số quan điểm về hạ tầng xanh.

Hội thảo hôm nay mang ý nghĩa thiết thực, là cơ hội để Bộ Xây dựng lắng nghe, trao đổi và tiếp thu ý kiến từ các đại biểu tham dự. Trên cơ sở đó nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền hoàn thiện thể chế chính sách và đưa ra định hướng phát triển hạ tầng đô thị xanh tại Việt Nam.

Linh Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load