Mức tăng lương cơ sở được Chính phủ đề xuất hơn 20% đã được tính toán để bù đắp cho 3 năm chưa điều chỉnh. Phương án này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.
Mức tăng lương hơn 20% là mức tính toán hợp lý để bù đắp cho 3 năm chưa tăng lương. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+) |
Sau 3 năm chưa điều chỉnh lương cơ sở, trong lần trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã đề xuất một mức cao nhất từ trước tới nay, tăng tới hơn 20% thay vì mỗi năm hơn 7% như trước đó.
Tiền lương giảm sút vì trượt giá
Chính phủ đang trình Quốc hội điều chỉnh tăng lương cơ sở từ 1.490.000 đồng lên mức 1.800.000 đồng/ tháng, tăng khoảng 20,8%. Về lộ trình, việc điều chỉnh tăng lương cơ sở được dự kiến thực hiện từ 1/7/2023. Việc điều chỉnh tăng lương cơ sở ở mức cao trong lần tăng lương này là một trong những giải pháp đảm bảo giữ chân được nguồn nhân lực trong khu vực công.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, trong hơn 2 năm qua đã có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, bình quân 1 năm có khoảng 15.820 người nghỉ việc. Bộ Nội vụ cũng đã chỉ ra rằng một trong những nguyên nhân chủ yếu là do tiền lương ở khu vực công còn thấp.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết từ năm 2019 lương tối thiểu vùng áp dụng trong khu vực doanh nghiệp đã tăng 3 lần (năm 2019 tăng lên 5,3% so với năm 2018; năm 2020 tăng lên 5,5% so với năm 2019; từ ngày 1/7/2022 đến ngày 31/12/2023 tăng thêm 6%), trong khi lương cơ sở áp dụng cho khu vực Nhà nước chưa vẫn giữ nguyên. Lần điều chỉnh tăng lương cơ sở gần nhất là từ ngày 1/7/2019, tăng mức lương cơ sở từ 1.390.000 đồng lên 1.490.000 đồng.
“Từ lần điều chỉnh lương cơ sở gần đây nhất đến nay, trượt giá cũng đã tăng khá cao nên tiền lương thực tế của công chức, viên chức bị giảm sút. Việc tăng lương cơ sở là phù hợp với nguyện vọng của đa số cán bộ, công chức, viên chức hiện nay,” ông Lê Đình Quảng nói.
Về mức đề xuất tăng lương cơ sở từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng (tương đương hơn 20%), ông Lê Đình Quảng nhận định những lần trước mức tăng lương cơ sở đều dưới 10%/lần điều chỉnh. Đối với mức tăng đề xuất hơn 20% này là mong muốn của Chính phủ, còn Quốc hội và các cơ quan chức năng sẽ phải cân đối nguồn ngân sách trước khi thông qua.
Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng nếu tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng thì tiền lương cơ sở sẽ tăng thêm 20,8%, đây sẽ là nỗ lực, cố gắng rất lớn của Đảng, Nhà nước. Tiền lương của công chức, viên chức, người lao động cũng sẽ được cải thiện đáng kể.
Việc tăng lương cơ sở là phù hợp với nguyện vọng của đa số cán bộ, công chức, viên chức. (Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN) |
Mức tăng lương hơn 20% là mức tính toán hợp lý để bù đắp cho 3 năm chưa tăng lương. Tuy nhiên, về thời điểm điều chỉnh, một số ý kiến cho rằng nên thực hiện ngay từ tháng 1/1/2023 thay vì 1/7/2023 như dự kiến bởi thực hiện càng sớm thì hiệu quả được tạo ra ngay từ việc tăng lương sẽ càng cao.
Chưa rút ngắn chênh lệch về tiền lương
Trung ương đã có Nghị quyết 27 định hướng về cải cách tiền lương từ năm 2021 nhưng do những yếu tố khách quan nên lộ trình thực hiện phải gác lại. Việc điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ năm 2023 sẽ giúp cải thiện phần nào thu nhập thực tế cũng như đời sống của người lao động ở khu vực công vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, việc cải cách tiền lương cần sớm được thực hiện để rút ngắn khoảng cách tiền lương khu vực công và tư.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học-Xã hội và Lao động đánh giá mức tăng lương cơ sở mà các đơn vị đề xuất thực chất vẫn chưa đủ để xóa nhòa chênh lệch giữa lương khu vực công và khu vực tư, lương trong nhà nước và lương ngoài thị trường. Tuy nhiên, mức tăng này cũng sẽ góp phần xoa dịu "cơn khát" về tiền lương của người lao động.
Nhấn mạnh việc cần có các cơ chế rút ngắn khoảng cách tiền lương khu vực công và khu vực tư, bà Hương chia sẻ: “Cần phải chia tiền lương theo vị trí việc làm có tính tới lương khuyến khích. Trong trường hợp lao động ở lâu năm thì có thể tính thêm lương vượt khung. Tiền lương này cũng cần được điều chỉnh theo giá CPI hàng năm đảm bảo không bị mất giá.”
Cũng cho rằng tiền lương của khu vực công vẫn thấp hơn lương tối thiểu 4 vùng ở khu vực tư, ông Bùi Sỹ Lợi chia sẻ: “Chúng ta vẫn chưa đạt được mục tiêu cải cách tiền lương để tiền lương đủ đáp ứng đời sống của công chức, viên chức."
Ông Bùi Sỹ Lợi chỉ ra rằng bên cạnh việc điều chỉnh tiền lương cơ sở, tiền lương khu vực công vẫn còn nhiều bất cập. Bởi vậy, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục kiên định mục tiêu cải cách tiền lương vì đầu tư tiền lương là đầu tư cho con người và đầu tư cho phát triển./.
Theo PV (Vietnam+)