(Xây dựng) - Nói điện gió biển là để phân biệt với điện gió trên đất liền. Vẫn những cây cột cao chót vót ấy, vẫn những cánh quạt tuabin hoành tráng ấy, vẫn hệ thống truyền tải ngầm ấy... nhưng các ứng xử của hệ thống pháp lý hiện nay đối với chúng ở đất liền và ở biển đang khác nhau một trời một vực. Vì thế, chúng đang muốn đòi được sự công bằng.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Với điện gió trên đất liền, theo quy định hiện hành tại Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15/01/2019 của Bộ Công Thương, “diện tích sử dụng đất có thời hạn của dự án điện gió là tổng diện tích của móng trụ tuabin gió, bao gồm cả diện tích bảo vệ móng, diện tích đặt các thiết bị đồng bộ tại chân cột điện gió; các đường cáp ngầm đấu nối điện gió, chân cột đường dây trên không đấu nối điện; các trạm biến áp; diện tích xây dựng hệ thống đường giao thông nội bộ và nhà quản lý điều hành. Diện tích sử dụng đất có thời hạn được cơ quan có thẩm quyền giao cho chủ đầu tư dự án trong toàn bộ đời dự án”.
Vấn đề này không có gì phải bàn, bởi “rau có mớ, cá có con” còn đất có mét vuông, có muốn đo gian cũng khó.
Nhưng còn với điện gió biển thì lại bị chi phối bởi một văn bản khác, đó là Thông tư liên tịch số 198/2015/TTLT-BTC-BTNMT của Bộ Tài chính và Bộ TN&MT, thì việc sử dụng mặt biển được giao cho chủ đầu tư theo khu vực và theo nhóm sử dụng. Thí dụ, điện gió được xếp vào nhóm 1 với mức giá sử dụng thấp nhất, từ 3 - 7,5 triệu đ/ha/năm.
Theo các chuyên gia kinh tế năng lượng, với cách tính “theo khu vực” như trên, tiền trả cho toàn bộ diện tích điện gió của mỗi dự án thương mại trên biển có thể lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng, nhiều nhà đầu tư không có tiền để đầu tư dự án trên biển. Điều này đã gây khó khăn cho việc phát triển điện gió trên biển, một nguồn năng lượng có hiệu quả cao, không gây ảnh hưởng tới môi trường về sinh vật biển và tài nguyên trên biển, lòng đất dưới đáy biển…
Thời gian gần đây, được sự hỗ trợ chính sách từ Chính phủ, năng lượng mặt trời và năng lượng gió của Việt Nam đang có xu thế phát triển mạnh. Tuy nhiên, theo con số thống kê mới đây, trong tiềm năng của năng lượng gió của nước ta hàng trăm nghìn MW thì nay mới chỉ có khoảng 377 MW công suất điện gió đi vào vận hành. Bên cạnh đó, có 31 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện với tổng công suất 1.662 MW, kế hoạch đi vào vận hành trong năm 2020 và 2021.
Thiết nghĩ, việc điện gió biển đi đòi sự công bằng so với điện gió trên đất liền cũng có cái lý của nó, ít nhất thì cũng cùng một công thức tính diện tích mặt bằng giống nhau, đó là diện tích sử dụng khu vực biển của dự án điện gió trên biển chỉ nên là diện tích của trụ móng tuabin, gồm cả diện tích bảo vệ móng, diện tích đặt các thiết bị đồng bộ tại chân cột điện gió, các đường cấp ngầm đấu nối... tương tự như dự án điện gió trên đất liền.
Nguyễn Hoàng Linh
Theo