Thứ bảy 11/05/2024 23:59 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023 với “Cơ chế đặt hàng”

09:20 | 25/02/2023

(Xây dựng) - Ngày 24/,2 tại thành phố Quy Nhơn, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp UBND tỉnh Bình Định tổ chức Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023. Dự và chủ trì Diễn đàn có ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn.

Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023 với “Cơ chế đặt hàng”
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Diễn đàn.

Đây là một trong những chuỗi hoạt động của Dự án Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024, với mục tiêu hỗ trợ cho sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam hòa nhập với sự phát triển của báo chí thế giới, góp phần thực hiện tốt vai trò trong việc xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường và vươn cao hơn nữa.

Diễn đàn còn có sự tham gia của 130 đại biểu chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế báo chí, Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc; các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trong cả nước.

Diễn đàn Kinh tế báo chí lần này nhằm mục đích trao đổi, đánh giá về thực trạng kinh tế báo chí, nguồn thu/hoạt động kinh tế trong các cơ quan báo chí hiện nay; chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan báo chí trong việc thực thi chính sách liên quan tới cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ. Đồng thời, chia sẻ một số mô hình kinh tế báo chí và gợi mở cho hoạt động kinh tế báo chí ở nước ta. Từ đó đề xuất được những giải pháp, kiến nghị phù hợp nhằm giúp phát triển kinh tế báo chí tại Việt Nam.

Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023 với “Cơ chế đặt hàng”
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn phát biểu tại Diễn đàn.

Tại Diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết: Kinh tế báo chí là một vấn đề cấp thiết cần có lời giải đáp để báo chí Việt Nam phát triển. Đặc biệt, giải được bài toán kinh tế báo chí cũng giúp cho báo chí các địa phương có thể từng bước tự chủ tài chính, để có bước phát triển đột phá nhằm thực hiện tốt vai trò, chức năng báo chí cách mạng Việt Nam; là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, trong điều kiện kinh tế báo chí bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều cơ quan báo chí trong đó có cơ quan báo chí của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, báo in ngày càng sụt giảm, trong khi vẫn phải đầu tư cho báo điện tử mà không thu được doanh số đáng kể.

Song song với đó, truyền hình mất dần doanh thu, nguồn thu quảng cáo bởi các nền tảng mạng xã hội, dẫn đến các cơ quan báo chí thiếu nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực. “Hy vọng rằng, sau diễn đàn này, nhiều giải pháp, cách thức đột phá được gợi mở, nhằm kích thích kinh tế báo chí phát triển đúng định hướng theo hướng mạnh mẽ hơn, bền vững hơn nữa”, ông Phạm Anh Tuấn nói.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ: Trước xu hướng sụt giảm doanh thu của các cơ quan báo chí, chúng ta còn lúng túng trong việc suy nghĩ giải pháp để tháo gỡ khó khăn, điều này có một phần trách nhiệm từ phía cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ các cơ chế chính sách chưa đủ nhanh và chưa đủ kịp thời. Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023 sẽ là cơ hội để chúng ta chia sẻ cách làm hay, kinh nghiệm tốt để tiến về phía trước với tinh thần lạc quan.

Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023 với “Cơ chế đặt hàng”
Các đại biểu tham gia thảo luận tại Diễn đàn.

Qua khảo sát của Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) về số liệu của 159 cơ quan báo chí in và điện tử (81 báo, 78 tạp chí), trong 2 năm đại dịch, tổng doanh thu đều giảm, trong đó, tổng doanh thu khối báo trong năm 2021 giảm 30,6% so với năm 2020 (năm 2020 là 2.855 tỷ đồng, năm 2021 là 1.952 tỷ đồng); tổng doanh thu khối tạp chí từ 307 tỷ đồng năm 2019 giảm còn 259 tỷ đồng trong năm 2020 và năm 2021 tiếp tục giảm mạnh xuống chỉ còn 170 tỷ đồng. Doanh thu Đài phát thanh, truyền hình năm 2021 cũng giảm 10% so với năm 2020.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đưa ra một số giải pháp cho kinh tế báo chí như "chuyển đổi số báo chí" nhằm thay đổi toàn diện hoạt động tòa soạn từ quản trị nhân lực, sản xuất, tối ưu hóa dữ liệu, đến quy trình xuất bản, phân phối nội dung nhằm tạo ra một tòa soạn/tổ hợp báo chí đa phương tiện, kết nối thuận tiện với độc giả, đảm bảo vai trò trụ cột trong định hướng thông tin và dư luận xã hội.

Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023 với “Cơ chế đặt hàng”
Quang cảnh Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023.

Chuyển đổi số cũng gắn liền với kinh tế số, đa dạng hóa nguồn thu, tăng sức mạnh cạnh tranh của các cơ quan báo chí với các nền tảng xuyên biên giới. Vai trò của công nghệ đối với báo chí như: Thu hút thêm lượng truy cập, giữ chân độc giả, tăng doanh thu quảng cáo và phát triển thêm các mảng doanh thu khác. Đề xuất hợp tác về hạ tầng công nghệ số với cơ quan báo chí. “Cơ chế đặt hàng” báo chí trong việc truyền thông chính sách, đây sẽ là một trong những phương thức thúc đẩy kinh tế báo chí trong thời gian tới, giúp cơ quan báo chí vừa tăng được doanh thu vừa thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Mỹ Bình

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load