(Xây dựng) - Dư luận đang rất quan tâm việc trong khi Quảng Ninh nhiều lần đề xuất dừng triển khai giai đoạn 2 (nhà máy số 2 của Công ty xi măng Thăng Long và Công ty xi măng Hạ Long nằm bên bờ vịnh Cửa Lục, giáp với vịnh Hạ Long và tiến tới di dời 2 nhà máy đang hoạt động đi nơi khác, thì Bộ Xây dựng lại đề nghị Quảng Ninh nghiên cứu, xem xét đề xuất của các chủ đầu tư được phép duy trì sản xuất, tiếp tục đầu tư giai đoạn 2. Có hay không chuyện “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong vụ việc này?
Chiều 16/6 tại Hà Nội, trả lời câu hỏi của báo giới, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định: “Doanh nghiệp đã đầu tư, cần thời điểm khấu hao, thu hồi vốn, giờ chính quyền quyết định di dời phải thương thảo cho phù hợp”.
Cả 2 nhà máy này đều được duyệt quy hoạch cho phép mở rộng tiếp giai đoạn 2, với công suất tương đương với các nhà máy hiện nay. Vùng nguyên liệu cho nhà máy giai đoạn 2 cũng đều được các cấp, ngành liên quan phê duyệt.
Về tác động môi trường cả 2 dự án trên đã được Chính phủ, các bộ ngành chấp thuận cho phép thực hiện với đầy đủ các thủ tục về môi trường, đầu tư lắp đặt, vận hành hệ thống công nghệ tiên tiến xử lý khí thải, khói bụi, hệ thống quan trắc tự động, khí thải ống khói, dữ liệu quan trắc được truyền về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh. Hai nhà máy này nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam do Thủ tướng phê duyệt.
Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, Quảng Ninh có chủ trương cũng như có văn nhiều bản gửi các bộ, ngành liên quan đề xuất điều chỉnh đưa việc đầu tư giai đoạn 2 của 2 nhà máy ra khỏi "Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020” ra khỏi quy hoạch; tiến tới chấm dứt hoạt động của 2 nhà máy hiện nay vào năm 2030. Lý do là nhằm bảo vệ môi trường, cảnh quan vịnh Cửa Lục, vịnh Hạ Long và cộng đồng dân cư xung quanh.
Theo Bộ Xây dựng, qua nghiên cứu, theo dõi thực tiễn, trong khi các dây chuyền 1 của 2 nhà máy đang hoạt động hiệu quả, đúng pháp luật; các dây chuyền 2 đang được triển khai đầu tư đảm bảo các quy định pháp lý. Hơn nữa, việc đầu tư giai đoạn 2 sẽ phát huy hơn nữa cơ sở hạ tầng, các hạng mục của giai đoạn 1. Đến nay, một số công đoạn của cả 2 dự án giai đoạn 2 đã được các chủ đầu tư triển khai. Vì thế, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu, xem xét về đề xuất của Công ty Cổ phần xi măng Hạ Long và Thăng Long để hai Công ty được phép tiếp tục duy trì sản xuất ổn định, tiếp tục đầu tư giai đoạn 2.
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết thêm hai dự án khởi sự cách đây hơn 10 năm, khi đó tỉnh Quảng Ninh quyết định cho đầu tư trong bối cảnh phát triển đô thị chưa lan tới khu vực xây dựng 2 nhà máy. Thời điểm đó tỉnh quyết định đầu tư là đúng quy định pháp luật. Nhưng sau này nhu cầu phát triển đô thị rất nhanh, quy hoạch tỉnh cũng thay đổi theo hướng Quảng Ninh ưu tiên phát triển du lịch sinh thái thay vì phát triển công nghiệp xi măng nên dẫn tới điều chỉnh.
Cùng quan điểm này, ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng giải thích thêm hai nhà máy xi măng Thăng Long và Hạ Long được Thủ tướng phê duyệt theo quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam, đã được chấp thuận đầu tư trong quy hoạch cả dây chuyền 1, dây chuyền 2.
Dây chuyền 1 của hai nhà máy được xây dựng từ những năm 2008 - 2010, mọi trình tự đầu tư 2 nhà máy đúng theo quy hoạch được duyệt. Được cấp có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương cho phép xây dựng và đầu tư sản xuất.
Hiện Công ty đang hoạt động sản xuất bình thường. Nhà máy xi măng Hạ Long đã đầu tư một phần dây chuyền sản xuất giai đoạn 2, Nhà máy xi măng Thăng Long cũng đã đầu tư xây dựng và có giấy phép đầu tư giai đoạn 2. Sau khi sáp nhập huyện Hoành Bồ với thành phố Hạ Long, 2 nhà máy xi măng trên mới nằm trong quy hoạch để phát triển thành phố Hạ Long.
Quy hoạch của thành phố Hạ Long là mới, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị cho triển khai đầu tư dây chuyền 2 của hai nhà máy và tiếp tục vận hành dây chuyền 1 của các nhà máy để thu hồi vốn doanh nghiệp đã đầu tư và cung cấp sản phẩm cho xã hội.
Một quan chức của tỉnh Quảng Ninh cho rằng nguyên nhân khác để tỉnh đề xuất dừng triển khai giai đoạn 2 là do vùng nguyên liệu hai dự án nói trên hiện cơ bản đã hết, không còn nhiều. Điều này là thiếu cơ sở bởi theo đề án khảo sát đầu tư cho thấy Quảng Ninh có nguồn mỏ nguyên liệu (đá vôi, đất sét, thạch cao silic) chất lượng tốt, dồi dào, đủ cho 2 - 3 dây chuyền hoạt động trên 50 năm trong khi Nhà máy xi măng Thăng Long và nhà máy xi măng Hạ Long mới đi vào hoạt động được hơn 10 năm. (Dây chuyền 1 của Nhà máy Xi măng Thăng Long tại xã Lê Lợi, thành phố Hạ Long đi vào hoạt động năm 2008, với công suất 2,3 triệu tấn xi măng/năm; trong khi dây chuyền 1 của Nhà máy xi măng Hạ Long tại xã Thống Nhất, thành phố Hạ Long với công suất thiết kế 2,07 triệu tấn xi măng/năm cho sản phẩm từ 2010).
Nhà máy xi măng Thăng Long có mức đầu tư ban đầu khoảng 6000 tỷ sử dụng hệ thống thiết bị theo công nghệ của Tập đoàn Polysius (Đức) - một công nghệ được đánh giá và xếp hạng hiện đại bậc nhất thế giới thời điểm đầu tư. Nhà máy xi măng Hạ Long tổng mức đầu tư 6400 tỷ đồng trang thiết bị đồng bộ, tiến tiến, hiện đại do Tập đoàn Smidth – Vương quốc Đan Mạch cung cấp |
Huệ Anh
Theo