Thứ hai 29/04/2024 14:58 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đề xuất 7 hành vi bị cấm trong quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

08:06 | 04/09/2023

(Xây dựng) - Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi), trong đó nêu rõ 7 hành vi bị cấm trong lĩnh vực quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Đề xuất 7 hành vi bị cấm trong quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
Nguyên tắc quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là đảm bảo doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường.

Theo dự thảo Luật, 7 hành vi bị cấm trong lĩnh vực quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gồm:

1. Đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp không đúng mục tiêu, thẩm quyền, phạm vi, trình tự và thủ tục quy định của pháp luật.

2. Can thiệp không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

3. Thực hiện không đúng quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn trong việc quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

4. Giám sát, kiểm tra, thanh tra việc đầu tư vốn tại doanh nghiệp không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

5. Cung cấp thông tin, báo cáo không trung thực, không chính xác, không đầy đủ theo quy định của pháp luật.

6. Tiết lộ, sử dụng thông tin của doanh nghiệp, cơ quan đại diện sở hữu vốn, cơ quan quản lý Nhà nước không đúng quy định của pháp luật.

7. Vi phạm các quy định gây thiệt hại cho doanh nghiệp, chủ sở hữu vốn và Nhà nước.

Nguyên tắc quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Dự thảo Luật nêu rõ, nguyên tắc quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là đảm bảo doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất, kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng; công bố, công khai thông tin và trách nhiệm giải trình theo quy định; lấy mục tiêu, nhiệm vụ và hiệu quả đầu tư vốn làm tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Vốn Nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của pháp nhân doanh nghiệp; Nhà nước thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và người đại diện chủ sở hữu vốn thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn theo đúng phần vốn được đầu tư tại doanh nghiệp, bình đẳng với các nhà đầu tư khác; không làm hạn chế quyền của doanh nghiệp, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị của doanh nghiệp; tách bạch, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Sắp xếp, cơ cấu lại vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp được thực hiện thường xuyên, liên tục, theo cơ chế thị trường, linh hoạt, kịp thời, phù hợp với hình thức, phương thức, giải pháp thực hiện và lộ trình hợp lý.

Công khai, minh bạch hoạt động của doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp và doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư khác gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát và trách nhiệm giải trình đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Thứ tự phân phối lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp

Theo dự thảo, nguyên tắc, thứ tự phân phối lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp như sau:

Tiền lương, tiền thưởng của người do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn cử, giới thiệu, thuê làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp.

Trích không quá 03 tháng lương thực hiện để lập Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi của người lao động trên cơ sở hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Riêng các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh có vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ, Nhà nước đảm bảo trích lập đủ 02 tháng lương thực hiện để lập quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi của người lao động trong trường hợp không đủ nguồn từ lợi nhuận sau thuế.

Trích không quá 30% lợi nhuận sau thuế vào Quỹ đầu tư phát triển. Quỹ đầu tư phát triển sử dụng để bổ sung vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, thực hiện các dự án đầu tư, dự án tăng cường năng lực quản trị của doanh nghiệp.

Sử dụng và trích lập các Quỹ từ lợi nhuận sau thuế theo quy định của Luật chuyên ngành gồm: Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Dầu khí.

Phần còn lại sau khi chi, trích lập các quỹ theo quy định nêu trên, doanh nghiệp nộp ngân sách Nhà nước.

Ngọc Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load