(Xây dựng) - TT-Huế là địa phương đầu tiên có Di sản văn hóa được UNESCO công nhận và đứng đầu cả nước với 7 di sản thế giới, trong đó có 5 di sản cố đô. Toàn tỉnh có hơn 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 87 di tích cấp quốc gia, 76 di tích cấp tỉnh, hơn 900 di tích được đưa vào danh mục kiểm kê.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Những con số trên vừa là niềm tự hào, nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao trong công tác bảo vệ di sản của các cấp chính quyền thành phố này. Huế là một thành phố cấp quốc gia, một đô thị loại I, thành phố Festival của Việt Nam. Từ vị trí được xác lập, Huế phát triển không chỉ cho Huế mà còn vì miền Trung và cả nước.
Trong Báo cáo Kết quả khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa cố đô Huế của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Ủy ban VHGDTNTN&NĐ) vừa trình Quốc hội cũng khẳng định: Lưu giữ trong mình một kho tàng di sản đồ sộ với các giá trị văn hóa của vùng đất kinh đô, nên việc nhận diện giá trị Di sản văn hóa cố đô Huế cần được nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ, xây dựng quy hoạch chi tiết, làm cơ sở cho việc bảo vệ và phát huy giá trị.
Thực tế khảo sát của Ủy ban VHGDTNTN&NĐ cho thấy, công tác chỉ đạo, triển khai bảo vệ, phát huy giá trị Di sản văn hóa cố đô Huế còn bộc lộ nhiều hạn chế.
Những năm lại đây, Huế dồn sức duy trì tốc độ phát triển kinh tế, với tăng trưởng hàng năm là 2 con số. Tuy nhiên, để duy trì và kiểm soát nó là điều không dễ, thậm chí muốn hạ nhiệt cũng không được.
Thế nên, những thách thức với Huế, đang dần lộ ra và ngày càng trở nên gay gắt.
Huế, mùa mưa, lũ lụt là điều bình thường. Thiệt hại do lũ lụt gây ra hằng năm là rất lớn, chưa nói người chết nhà sập, chỉ với đường sá cầu cống và hệ thống di sản Huế là đã khó tính toán cho hết.
Để giải quyết thoát lũ ở Huế, hai vấn đề phải được giải quyết: Đó là chỉnh trị sông Hương và thoát nước bề mặt của đô thị.
Theo các nhà nghiên cứu, cùng với việc khơi thông dòng chảy sông Hương, quá trình đô thị hóa đã làm cho hệ thống thoát nước bề mặt không còn phù hợp. Nhiều vùng dân cư trước đây không bao giờ biết đến lũ lụt thì nay mới mưa đã ngập úng. Và bản đồ vùng ngập úng ngày càng mở rộng kèm theo quá trình đô thị hóa.
Theo đánh giá của Ủy ban VHGDTNTN&NĐ, hiện nay, một số di tích bị hủy hoại nghiêm trọng, một số khu vực bảo vệ I của quần thể di tích cố đô Huế đang bị tác động trực tiếp, nhiều đoạn tường thành đã bị vỡ, hỏng, nứt nẻ, sụt lún, do nước thải sinh hoạt bởi số lượng lớn người dân sinh sống từ lâu đời do lịch sử để lại đặt ra yêu cầu về nghiên cứu điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ phù hợp. Việc di dời toàn bộ người dân ra khỏi di tích đảm bảo theo Luật Di sản văn hóa là rất khó khăn vì đòi hỏi nguồn kinh phí, quỹ đất rất lớn; phần lớn hộ dân đã sống chung với di sản từ trước khi có Luật Di sản văn hóa, trong đó có nhiều hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thực tế trên đang đặt ra mâu thuẫn giữa thực hiện pháp luật về di sản văn hóa với thực hiện pháp luật về xây dựng, đất đai; ảnh hưởng nghiêm trọng đối với bảo vệ, phát huy giá trị di tích.
Huế là một đô thị di sản. Do vậy, bài toán đặt ra cho Huế là vừa phải bảo tồn di sản đô thị Huế vừa phát triển đô thị Huế hài hòa và tương xứng với đô thị cổ. Điều đáng nói, là di sản đô thị cổ lại là những nơi hấp dẫn các nhà đầu tư, và luôn là nỗi lúng túng của những nhà quản lý với tâm trạng nôn nóng.
Huế - thành phố Festival của Việt Nam - thành phố du lịch. Thế nhưng, việc xử sự với thành phố này mà không có những chuẩn bị chu đáo, lợi thế đôi lúc trở thành trở lực. Bởi thế chúng ta không ngạc nhiên khi thi thoảng bắt gặp các phát biểu của các nhà quản lý: Huế đụng đâu cũng di sản. Và khi đã đụng đến di sản thì thường gặp phản ứng gay gắt của dư luận.
Phát triển nhanh đã khó, nhưng chất lượng và sự bền vững mới chính là thách thức đặt ra với Huế - đô thị di sản.
Ngọc Lý
Theo