Thứ tư 17/07/2024 01:00 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong đầu tư xây dựng

08:15 | 11/07/2024

(Xây dựng) – Đó là một trong những nội dung sửa đổi tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong đầu tư xây dựng
Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng Hoàng Anh Tuấn thông tin tại Hội nghị.

Thông tin tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 của Bộ Xây dựng, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng Hoàng Anh Tuấn cho biết: Thực hiện nhiệm vụ Bộ Xây dựng giao, Cục đã chủ trì, tham mưu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Mục tiêu nhằm thể chế 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Tiếp tục đề xuất tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền, đảm bảo cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng nêu tại Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ; sửa đổi các quy định không còn phù hợp với thực tiễn; điều chỉnh, bổ sung các quy định đảm bảo đồng bộ với các pháp luật mới ban hành.

Theo Cục trưởng Hoàng Anh Tuấn, dự thảo Nghị định đã tiếp thu ý kiến góp ý rộng rãi của các cơ quan liên quan, đang hoàn thiện để xin ý kiến Ban cán sự Đảng Bộ Xây dựng trước khi trình Bộ Tư pháp thẩm định.

Các nhóm nội dung sửa đổi chủ yếu gồm 3 nhóm chính: Nhóm thứ nhất là về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đảm bảo cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng.

Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền thẩm định dự án, thiết kế cho địa phương; cắt giảm các trường hợp phải thẩm định hoặc thẩm định lại ở cơ quan chuyên môn về xây dựng. Đồng thời, quy định việc xác định quy mô để xác định thẩm quyền thẩm định đối với dự án sửa chữa cải tạo; quy định cụ thể những nội dung điều chỉnh dự án phải thẩm định ở cơ quan chuyên môn về xây dựng để hạn chế tối đa số lượng dự án phải thẩm định cơ quan chuyên môn xây dựng hoặc thẩm định tại các Bộ chuyên ngành.

Dự thảo Nghị định cũng tăng cường quy định giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tách các thủ tục có thể thực hiện thông qua dịch vụ công do đơn vị sự nghiệp hoặc các tổ chức xã hội nghề nghiệp có thể thực hiện ra khỏi thủ tục hành chính.

Nhóm thứ hai là về tháo gỡ khó khăn vướng mắc và sửa đổi các quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Dự thảo làm rõ một số khái niệm, đối tượng quản lý làm cơ sở áp dụng đúng quy định pháp luật như “công trình ngầm”, “hạ tầng khung khu chức năng”... Làm rõ các loại quy hoạch làm căn cứ lập dự án và cấp phép xây dựng do các dự án được hình thành từ nhiều loại quy hoạch theo pháp luật về quy hoạch, pháp luật chuyên ngành và có những khu vực không yêu cầu lập quy hoạch.

Bên cạnh đó, trong quy định việc lập dự án đầu tư xây dựng, chủ đầu tư được điều chỉnh một số nội dung về bố cục, hình khối, thông số kỹ thuật công trình trong quy hoạch xây dựng khi bảo đảm các điều kiện về chỉ tiêu sử dụng đất, chỉ giới xây dựng; đảm bảo quy định trong thiết kế đô thị, quy chế quản lý kiến trúc (nếu có); phù hợp quy chuẩn về quy hoạch xây dựng; được điều chỉnh một số chỉ tiêu, thông số trong văn bản về quyết định/chấp thuận chủ trương đầu tư được duyệt khi các nội dung điều chỉnh này không thuộc trường hợp có yêu cầu phải điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Làm rõ hơn trình tự, thành phần hồ sơ, nội dung thực hiện thủ tục hành chính để tránh việc lúng túng trong quá trình thiện. Bổ sung quy định đối với dự án được phân chia dự án thành phần, chủ đầu tư phải có Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng cho toàn bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật và một số công trình xây dựng khác (nếu có); đồng thời thuyết minh rõ quy mô, tiến độ thực hiện các dự án thành phần đảm bảo dự án được đầu tư, vận hành đồng bộ.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong đầu tư xây dựng
Nội dung sửa đổi bổ sung tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 15/2021/NĐ-CP nhằm thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. (Ảnh minh họa)

Nhóm thứ ba là về điều chỉnh, bổ sung các quy định đảm bảo đồng bộ với các pháp luật mới ban hành. Dự thảo Nghị định đã điều chỉnh các quy định nhằm đảm bảo thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật mới ban hành, như Luật Nhà ở, Luật Đất đai và các pháp luật khác có liên quan. Ngoài ra, dự thảo đã bổ sung quy định ứng dụng khoa học công nghệ và các giải pháp công nghệ số như yêu cầu về áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM), công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh…

Cục trưởng Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, nội dung sửa đổi bổ sung tại dự thảo nhằm thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Nghị định sau khi được Chính phủ ban hành và có hiệu lực sẽ có đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, thông thoáng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế hiện nay.

Yến Mai

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load