Thứ tư 15/01/2025 18:38 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Các địa phương mong muốn tháo gỡ khó khăn về nhà ở xã hội, kiến trúc, phòng cháy chữa cháy

20:51 | 10/07/2024

(Xây dựng) – Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 của Bộ Xây dựng ngày 10/7, các địa phương đã kiến nghị nhiều nội dung nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước một số lĩnh vực chuyên ngành trên địa bàn.

Các địa phương mong muốn tháo gỡ khó khăn về nhà ở xã hội, kiến trúc, phòng cháy chữa cháy
Toàn cảnh Hội nghị.

Hà Nội: Hướng dẫn xây dựng cơ sở dữ liệu về kiến trúc và hành nghề kiến trúc

Thời gian qua, Hà Nội luôn chú trọng công tác quy hoạch; hoàn thành và triển khai thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cơ bản hoàn thành các quy hoạch phân khu và quy hoạch chung các huyện, thị xã, thị trấn, các đô thị vệ tinh với 75/68 đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, nghiên cứu, lập quy hoạch 30 khu chung cư cũ, 5 khu nhà ở xã hội (NƠXH) tập trung; đề xuất bổ sung 15 quỹ đất phát triển khu NƠXH tập trung...

Về quản lý kiến trúc, Thành phố lập Quy chế quản lý kiến trúc; tổ chức Hội đồng tư vấn về kiến trúc và thi tuyển phương án kiến trúc; thực hiện định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố Hà Nội, chất lượng quy hoạch, kiến trúc đã được nâng cao. Các đồ án quy hoạch được phê duyệt đảm bảo tuân thủ quy trình, thủ tục trong quá trình thực hiện. Tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch được đẩy nhanh; tỷ lệ độ phủ kín quy hoạch được nâng cao, quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch ngày càng được siết chặt, hiệu quả. Chất lượng quy hoạch được đảm bảo, cơ bản bám sát thực tế và các yêu cầu phát triển đô thị.

Tuy nhiên còn tồn tại một số khó khăn như: Các quy định chuyên ngành quy hoạch kiến trúc vẫn còn chồng chéo, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện. Nội hàm lĩnh vực quy hoạch kiến trúc còn có những nội dung chưa được cụ thể hóa trong các quy định.

Việc xin ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan chưa nhận được sự đồng thuận thống nhất. Sự đồng thuận của cộng đồng đối với một số quy hoạch chưa cao, đặc biệt là về vệ sinh môi trường, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải, nhà tang lễ, nghĩa trang. Việc kiểm soát gia tăng cơ học về dân số tại khu vực các quận nội thành Thành phố gặp nhiều khó khăn, thách thức...

Để đáp ứng nhu cầu và yêu cầu phát triển và quản lý đô thị trên địa bàn Thành phố năm 2024 và giai đoạn tiếp theo, Sở Quy hoạch – Kiến trúc kiến nghị các Bộ, ngành đẩy nhanh lộ trình xây dựng danh mục, lộ trình di dời trụ sở cơ quan, các cơ sở sản xuất, bệnh viện.

Bộ Xây dựng sớm nghiên cứu, ban hành thay thế các quy chuẩn, tiêu chuẩn đã hủy bỏ; bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn Luật; kịp thời có ý kiến cụ thể đối với các kiến nghị của UBND Thành phố trong công tác chuyên môn.

Đồng thời, thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu về kiến trúc và hành nghề kiến trúc trong cả nước; quản lý, cung cấp thông tin phục vụ hoạt động kiến trúc, hướng dẫn UBND Thành phố Hà Nội xây dựng cơ sở dữ liệu về kiến trúc và hành nghề kiến trúc trên địa bàn; quản lý và cung cấp thông tin phục vụ hoạt động kiến trúc; hướng dẫn phương pháp xác định chỉ tiêu, nhu cầu NƠXH…

Thành phố Hồ Chí Minh: Xem xét tháo gỡ vướng mắc gói 120.000 tỷ đồng

Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Trong năm 2021 đến nay, Thành phố đã triển khai Chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng giai đoạn 2020 – 2030 với 29,918ha công viên công cộng, tương ứng tỷ lệ diện tích cây xanh đô thị trên địa bàn Thành phố đến nay đạt 0,57 m2/người; đã phát triển được 40,16ha mảng xanh công cộng và đã trồng mới và cải tạo 28.014 cây xanh công cộng.

Về cải tạo, chuyển đổi hệ thống đèn chiếu sáng đô thị hiện hữu thành hệ thống đèn chiếu sáng đô thị thông minh, Thành phố đã cải tạo 2.313 tủ, đạt 71,9%. Về hạ ngầm đường dây cấp điện chiếu sáng đô thị và thay thế đèn LED đã ngầm hóa 795.763m (đạt 49%). Tỷ lệ thất thu, thất thoát nước sạch là 13,73% và đang duy trì tỷ lệ 100% hộ dân được sử dụng nước sạch (đạt 100%) so với chỉ tiêu cuối năm 2025…

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Thành phố xây dựng mới 2,92 triệu m2 sàn nhà ở. Diện tích nhà ở bình quân của Thành phố đạt 21,85 m2/người. Về tình hình thị trường bất động sản (BĐS), hoạt động kinh doanh có khởi sắc. Về số lượng dự án nhà ở, Thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư với 7 dự án.

Hiện địa phương còn gặp khó khăn trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của các chương trình, đề án thuộc lĩnh vực hạ tầng, chương trình chỉnh trang đô thị; thực hiện Chương trình phát triển nhà ở Thành phố giai đoạn 2021-2025 và trong công tác phát triển NƠXH.

Ngày 02/7/2024, Sở Xây dựng Thành phố cũng đã có Công văn số 5833/SXD-VP báo cáo Bộ Xây dựng, trong đó đã nêu các nội dung kiến nghị, đề xuất Bộ xem xét, giải quyết, cụ thể về lĩnh vực công viên cây xanh, thoát nước, chiếu sáng đô thị, cấp nước, hạ tầng kỹ thuật chung.

Về Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển NƠXH, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư, Sở kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai thực hiện gói tín dụng này.

Đà Nẵng: Tháo gỡ vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản

Thông tin tại Hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng Phùng Phú Phong cho biết: Đến nay, Sở đã thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt 7/9 phân khu đô thị theo Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021; dự kiến hoàn thành, phê duyệt 2/9 phân khu đô thị còn lại trong tháng 7/2024.

Sở đã trình UBND Thành phố phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, cụ thể hóa các chỉ tiêu tại Chương trình phát triển nhà ở thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030 và Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hiện nay, trên địa bàn có 3 dự án đã hoàn thành (1.774 căn NƠXH), 6 dự án đang xây dựng (6.400 căn NƠXH); 3 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách; giới thiệu địa điểm để Tổng Liên đoàn Lao động triển khai 1 dự án thiết chế công đoàn và nhà ở; chuẩn bị đầu tư để lựa chọn chủ đầu tư 5 dự án từ nguồn vốn ngoài ngân sách…

Các địa phương mong muốn tháo gỡ khó khăn về nhà ở xã hội, kiến trúc, phòng cháy chữa cháy
Nhiều địa phương mong muốn tháo gỡ khó khăn nhằm phát triển nhà ở xã hội. (Ảnh: Tuấn Huy)

Theo ông Phong, các nhiệm vụ quan trọng của Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang tiếp tục gấp rút hoàn thành trong năm 2024. Sở Xây dựng đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục quan tâm, sớm có ý kiến đối với các hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật... để Đà Nẵng tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ và triển khai các bước tiếp theo đúng quy định.

Sở cũng đề xuất Bộ Xây dựng sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị thành phố, điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng khu chức năng nhằm đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện các quy hoạch trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, đề xuất Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm tham mưu ban hành Nghị định để bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý trong việc quản lý, khai thác các tài sản kết cấu hạ tầng đối với lĩnh vực thoát nước, cấp nước, điện chiếu sáng, nghĩa trang.

Bộ Xây dựng tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn Sở Xây dựng với các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành mới; tháo gỡ các vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản.

Yến Mai

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load