Thứ sáu 03/05/2024 07:18 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh

22:14 | 19/09/2023

(Xây dựng) - Chiều 19/9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 đã diễn ra Phiên toàn thể - Toạ đàm cấp cao Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023, được tổ chức với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”.

Đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận Diễn đàn.

Đồng chủ trì Phiên toàn thể gồm có các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị gồm: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Giám đốc Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Tọa đàm sôi nổi trong phiên toàn thể cấp cao

Tại phiên toàn thể, TS.Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV tham luận về “Động lực tăng trưởng và phát triển bền vững trong bối cảnh mới”; TS.Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tham luận về “Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025: Vai trò quan trọng trong phát huy năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững”; Th.S Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên trường Chính sách công và Quản lý Fulbright tham luận về “Chuyển đổi xanh” và thách thức tăng trưởng kinh tế trung hạn”…

Diễn đàn cũng đã nghe qua video của ông Alexander Böhmer - Trưởng Ban Hợp tác và Quan hệ toàn cầu, Khu vực Nam Á và Đông Nam Á, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tại Pháp chia sẻ về dự báo của OECD đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Theo đó, năm 2023, Việt Nam gặp khó khăn nên OECD hạ dự báo tăng trưởng GDP xuống 4,9%, dự kiến tăng lên 5,9% vào năm 2024. Theo OECD, những cải cách sâu hơn nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy kinh doanh, mở rộng hệ thống lương hưu và phúc lợi là cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam…

Đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh
Các đại biểu tham gia tọa đàm cấp cao với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”.

Cũng trong phiên toàn thể đã diễn ra tọa đàm cấp cao với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”, với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương; Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức; Giám đốc khối nghiệp vụ kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư - khu vực Đông Á Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới, ông Sebastian Eckardt; TS.Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright; TS.Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Theo đó, ông Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, khoảng cách mục tiêu nhiệm kỳ và mục tiêu chiến lược rất lớn. Để đạt được mục tiêu này cần có giải pháp phi truyền thống, từ nội dung chính sách đến thực thi chính sách.

Ông Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright thì cho rằng: Thời thế và vị thế của Việt Nam đã thay đổi, nên cần có hệ điều hành khác mới có thể thay đổi. Trong đó cần tập trung đổi mới kinh tế số, chuyển đổi xanh để tạo cơ hội, sức bật mới. Những gì chúng ta làm hôm nay sẽ quyết định tương lai của Việt Nam, để lại cho thế hệ tương lai nền kinh tế bền vững và lành mạnh hơn.

Ông Sebastian Eckardt - Giám đốc khối nghiệp vụ kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư - khu vực Đông Á Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới nhận định: Thế giới đang thay đổi mô hình quản trị kinh tế toàn cầu, Việt Nam có thể tận dụng hết các cơ hội, lợi thế đó cần đổi mới mạnh mẽ thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa nhằm thu hút đầu tư, xây dựng giá trị gia tăng, xây dựng nguồn lực chất lượng cao.

Trong khi đó, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh thì cho biết: Trước nhiều thách thức, khó khăn, chúng ta cần chấp nhận những rủi ro nhất định để có những bước tiến nhanh trong xu thế công nghệ toàn cầu; Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho rằng cần tập trung tháo gỡ mọi vướng mắc, khó khăn, tạo cơ hội cho lao động cho tất cả mọi người.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ quan điểm cần tiếp cận những cái mới để tạo những động lực mới để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Các đại biểu đã nêu về cách khơi dậy, khai thông nhiều nguồn lực về nguồn vốn, con người, trí tuệ, khoa học, kỹ thuật, công nghệ... nhằm phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Phát huy tối đa “nội lực”, coi trọng năng lực nội sinh, khai thác hiệu quả “ngoại lực”.

Đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh
Ông Alexander Böhmer - Trưởng Ban Hợp tác và Quan hệ toàn cầu, Khu vực Nam Á và Đông Nam Á, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tại Pháp chia sẻ về dự báo của OECD đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Phát huy tối đa “nội lực”, khai thác hiệu quả “ngoại lực”

Kết luận Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định: Sau một ngày làm việc rất tích cực, nghiêm túc và trách nhiệm, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.

Diễn đàn đã dành nhiều thời gian trọng tâm không chỉ vào các vấn đề kinh tế - xã hội mang tính thời sự, ngắn hạn mà còn tiếp cận các vấn đề lớn, mang tính bao quát, những xu hướng mới định hình của thế giới, các động lực, các hướng đi mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững của Việt Nam.

Xét về ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn, Việt Nam đều cần tập trung phát huy tối đa “nội lực”, trong đó đề cao, coi trọng năng lực nội sinh; tranh thủ, khai thác hiệu quả “ngoại lực”, kiến tạo động lực tăng trưởng mới, là “chìa khóa” để thích ứng, chống chọi và phát triển trong bối cảnh mới nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng.

Ngay sau khi kết thúc Diễn đàn, Ban Tổ chức sẽ có Báo cáo tổng thuật với đầy đủ kết quả của Diễn đàn gửi đến các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ để nghiên cứu, hoạch định các chủ trương, chính sách, định hướng về phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, Ban tổ chức gửi đến các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu, tham khảo để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho các nội dung sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến, nhất là về đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, trong đó có Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025; Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV vào tháng 10 tới đây.

Đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh
Diễn đàn thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp.

Làm mới” các động lực tăng trưởng cũ, khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh một số nội dung chính đã được các đại biểu tập trung thảo luận. Theo đó, sau đại dịch Covid-19, trên con đường hồi phục, hầu hết các nền kinh tế thế giới lại phải gặp thách thức lớn khác là sự bùng nổ của giá cả hàng hoá và năng lượng.

Việc Quốc hội, Chính phủ Việt Nam ban hành và triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp quyết liệt, kịp thời, sát thực, kể cả chưa từng có tiền lệ trong suốt 2,5 năm qua từ sau Đại hội XIII của Đảng, Việt Nam vẫn đứng vững, cơ bản vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, được quốc tế và trong nước ghi nhận. Nền kinh tế vẫn duy trì được đà tăng trưởng và vẫn là một “điểm sáng” trong “bức tranh màu xám” của nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, từ quý IV/2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, rất khó đạt chỉ tiêu cả năm 2023 là khoảng 6,5% theo Nghị quyết của Quốc hội. Điều đáng lưu ý là cả 3 động lực tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế đều gặp khó khăn mang tính cơ cấu, do thiếu định hướng dài hạn và giải pháp cụ thể kịp thời, khả thi theo hướng chuyển đổi xanh, giảm thiểu thâm dụng năng lượng, phát thải các bon và kinh tế tuần hoàn và luôn bám sát mục tiêu phát triển bền vững.

Diễn đàn thống nhất và nhấn mạnh rằng cần phải “làm mới” các động lực tăng trưởng cũ, các động lực tăng trưởng truyền thống trên cơ sở ban hành, thực thi khuôn khổ chính sách, pháp luật để khuyến khích các thay đổi hành vi trong cả tiêu dùng, sản xuất và đầu tư.

Ngược lại, việc ban hành, thực thi các chính sách mang tính hành chính, sự vụ, phản ứng thụ động, thiếu định hướng dài hạn của đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế sẽ tiếp tục làm suy giảm niềm tin của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và sẽ làm suy giảm đáng kể tăng trưởng kinh tế cả về quy mô và chất lượng.

Bên cạnh củng cố, làm mới các động lực tăng trưởng hiện hữu, Diễn đàn cũng nhấn mạnh phải phát hiện, khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới. Đặc biệt là các động lực như phát triển kinh tế số, tăng năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, nhất là cho chuyển đổi số một cách bền vững, an toàn, chuyển đổi năng lượng công bằng, thích ứng biến đổi khí hậu.

Tăng cường phối hợp với các quốc gia trong việc duy trì các chuỗi cung ứng hiện có, hợp tác phát triển các chuỗi cung ứng có tính chất chiến lược, có tính đột phá, lan toả, nâng cao vị thế Việt Nam trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu trong bối cảnh các nước trên thế giới đều đang cơ cấu lại các chuỗi cung ứng và đầu tư cho riêng mình trong môi trường liên kết kinh tế thế giới.

Theo tinh thần đó, các ý kiến tại Diễn đàn đều nhất trí rằng cần phải tập trung, nỗ lực giải quyết các vấn đề cấp bách, khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn của nền kinh tế; vừa phải phát huy ý chí tự cường, năng lực “nội tại” của nền kinh tế, vừa tranh thủ khai thác và phát huy ngoại lực, tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả

Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Bối cảnh thế giới hiện nay ngày càng phức tạp và khó lường, điều này đặt ra vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện, điều chỉnh và nâng cao năng lực trong quá trình tổ chức, thực thi và thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách, nhằm đạt được các mục tiêu đề ra một cách hiệu quả với sức lan tỏa lớn, đảm bảo tính hợp lý, cân đối đa chiều giữa kinh tế, xã hội và môi trường, giữa ngắn hạn và dài hạn.

Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, cơ hội và thách thức nửa nhiệm kỳ và năm 2023, các đại biểu cho rằng bài toán phát huy nội lực, nâng cao năng lực nội sinh của doanh nghiệp, của nền kinh tế, đồng thời vận dụng hiệu quả các yếu tố “ngoại lực” và kiến tạo các động lực mới cho tăng trưởng là yếu tố mấu chốt, đem lại sức mạnh cộng hưởng nhằm hướng tới phục hồi và phát nền kinh tế nhanh và bền vững.

Các đại biểu cũng khẳng định đây là vấn đề cấp bách nhưng cũng là hành trình dài hạn, đòi hỏi cần đồng bộ các chính sách, xác định rõ ưu tiên, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, tranh thủ thời gian, tận dụng mọi cơ hội, lợi thế để tạo bứt phá ngay trong nội tại nền kinh tế, nâng cao sức chống chịu trước các cú sốc và thách thức trong bối cảnh mới.

Thúc đẩy chuyển đổi số cần xây dựng trên 03 trụ cột

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, tại Diễn đàn, nhiều gợi ý chính sách quan trọng, ý nghĩa, thiết thực được đưa ra xoay quanh chủ đề của Diễn đàn, nhằm hướng tới tăng trưởng và phát triển bền vững nền kinh tế.

Thứ nhất, về năng lực, động lực nội sinh của nền kinh tế, các đại biểu cho rằng cần phát triển các khu vực sản xuất của nền kinh tế, gồm khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa và nâng cao năng suất lao động. Thực hiện đồng bộ, cộng hưởng các yếu tố này sẽ phát huy tổng hợp sức mạnh nội sinh của nền kinh tế.

Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, cần nghiên cứu, ban hành mới hoặc kéo dài các chính sách tiền tệ, chính sách thuế, phí, lệ phí... để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cơ cấu lại các loại thị trường; thúc đẩy phát triển và quản lý chặt chẽ các thị trường tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.

Phát triển và khai thác hiệu quả thị trường trong nước, đẩy mạnh sức mua trong nước thông qua xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, kích cầu du lịch trong nước.

Điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, tạo chuyển biến căn bản trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình giao thông trọng điểm; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông như hệ thống đường cao tốc theo tuyến Bắc - Nam và Đông - Tây, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, phát triển hạ tầng năng lượng, hạ tầng số gắn với nâng cao năng lực nội tại; triển khai nhanh, hiệu quả Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh...

Nguồn nhân lực là động lực nội sinh cốt lõi của nền kinh tế. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ cao, đòi hỏi trình độ lao động cao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh. Phát huy thế mạnh nội lực của nền kinh tế gồm nền nông nghiệp nhiệt đới, lợi thế kinh tế biển, du lịch, phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hoá.

Phát triển các ngành Công nghiệp nền tảng (như: công nghiệp cơ khí chế tạo, luyện kim, hóa chất, vật liệu, công nghiệp phục vụ nông nghiệp). Tập trung nguồn lực, sửa đổi, bổ sung hệ thống các luật để khai thác tốt hơn các cơ hội, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng số hóa, xanh hóa, đổi mới sáng tạo.

“Chúng ta cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ, đột phá thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo luồng sinh khí mới trong môi trường kinh doanh”.

Thứ hai, về vận dụng, khai thác hiệu quả “ngoại lực”. Chủ tịch nhấn mạnh: Chúng ta cần phát huy các động lực từ thu hút hiệu quả đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu, hướng tới bền vững. Đây là những động lực tăng trưởng truyền thống của Việt Nam, tuy nhiên đến nay đang có dấu hiệu suy giảm hoặc chậm lại.

Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết và xúc tiến, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thế hệ mới, các nhà đầu tư chiến lược, phát triển các ngành kinh tế mới, có công nghệ hiện đại, có kế hoạch đầu tư cho nghiên cứu và triển khai, có kết nối, chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp trong nước. Khai thác tốt hơn các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, đa dạng hàng hóa và thị trường xuất khẩu, đầu tư.

Thứ ba, về kiến tạo các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, các đại biểu đã đưa ra rất nhiều gợi ý chính sách, trong đó tập trung vào 05 động lực chủ yếu, gồm: Thúc đẩy liên kết vùng, phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế; Phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nội địa; Đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh; Hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế; Nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và năng cao năng lực tự chủ, tự lực của nền kinh tế.

Cần có thêm các chính sách nhằm quan tâm thúc đẩy liên kết vùng, phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (hai thành phố này đóng góp khoảng 39% tăng trưởng GDP của Việt Nam là động lực và có tính lan tỏa cao). Triển khai trung tâm tài chính quốc tế đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tăng cường phát triển khu vực kinh tế tư nhân, áp dụng những công nghệ và ý tưởng mới, tạo động lực mới. Cần phải có đột phá về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn.

Thúc đẩy chuyển đổi số cần xây dựng trên 03 trụ cột, gồm: Chính phủ số, kinh tế số, công dân số, nhằm giảm thiểu, tăng cường hiệu quả, hiệu lực các dịch vụ công, tối ưu hóa hiệu quả và hiệu suất hoạt động của nền kinh tế, cho phép các công dân kết nối thành một xã hội mạng lưới, từ đó hình thành nên những nền tảng thị trường mới.

Tăng trưởng xanh là con đường tất yếu

Cũng theo Chủ tịch, các đại biểu đề cập nhiều đến động lực từ lợi ích thiết thực của tăng trưởng xanh và khẳng định đây là con đường tất yếu, trụ cột xuyên suốt trong định hình các chiến lược, kế hoạch, chính sách nhằm hướng tới nâng cao sức cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Chúng ta cần sớm ban hành tiêu chí xanh, có cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp, dành nguồn lực ngân sách thoả đáng nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh; hạn chế thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng.

Hoạch định và thực thi chính sách theo hướng tăng hiệu quả sử dụng năng lượng; chuyển đổi động lực tăng trưởng về tiêu dùng và sản xuất trong nước theo hướng kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện khung khổ pháp lý cho trái phiếu xanh (trái phiếu Chính phủ, trái phiếu địa phương và trái phiếu doanh nghiệp), bảo hiểm xanh, tín dụng xanh và ngân hàng xanh.

Nâng cao khả năng tiếp cận tài chính xanh thông qua việc ban hành cơ chế ưu đãi cho đầu tư xanh, tín dụng xanh nhằm khuyến khích đầu tư vào các dự án xanh, thúc đẩy tăng trưởng xanh ở các địa phương; nghiên cứu, đề xuất xây dựng các giải pháp tập trung và huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh.

Các đại biểu cho rằng cải cách và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế là động lực đột phá nhưng cũng khó thực hiện và có thể cần nhiều thời gian nhất bởi động lực này giúp kiến tạo cơ chế mới, cách thức vận hành mới, tạo ra môi trường kinh doanh, đầu tư hấp dẫn, minh bạch.

Và cuối cùng đó là vấn đề nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các đại biểu đề xuất cần chú trọng nội địa hoá chuỗi cung ứng các ngành Công nghiệp để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu và tăng cường tính tự chủ, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng. Chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường kết nối giữa các nhà cung cấp trong nước với các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Tận dụng tốt hơn các FTA để tăng cường kết nối với các đối tác chiến lược cả thượng nguồn và hạ nguồn, đồng thời đa dạng hóa thị trường, đối tác nhằm kiểm soát rủi ro phụ thuộc vào một vài đối tác, thị trường.

Để nâng cao năng lực tự chủ, tự lực của nền kinh tế, chúng ta cần phát huy nội lực của kinh tế trong nước, xây dựng và triển khai chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Make in Vietnam 2045); củng cố tiềm lực khoa học và công nghệ trên cơ sở làm chủ công nghệ hiện đại, công nghệ lõi và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng cường hội nhập quốc tế đi đôi với bảo vệ thị trường trong nước và thu hút nguồn lực đầu tư hiệu quả...

Quý Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load