Thứ sáu 17/01/2025 15:56 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Đấu thầu qua mạng: Cơ hội và thách thức trong công tác lựa chọn nhà thầu

09:40 | 17/01/2025

(Xây dựng) - Trong bối cảnh hiện đại hóa, đấu thầu qua mạng đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc lựa chọn nhà thầu, thúc đẩy sự minh bạch và công bằng trong các quy trình đấu thầu. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm vượt trội, thực trạng ngày càng phổ biến khi nhiều gói thầu chỉ có một nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu và trúng thầu đang gây ra nhiều lo ngại.

Đấu thầu qua mạng: Cơ hội và thách thức trong công tác lựa chọn nhà thầu
Ảnh minh họa.

Rào cản vô hình với nhà thầu

Những yêu cầu được coi làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu đối với gói thầu xây lắp: Quy định về số lượng nhân sự chủ chốt quá mức cần thiết để thực hiện gói thầu; Quy định nhân sự thực hiện gói thầu phải được đóng bảo hiểm xã hội, phải là nhân sự đang ký hợp đồng lao động với nhà thầu;

Quy định các tiêu chí mà pháp luật chuyên ngành không yêu cầu như: Giấy phép hành nghề, các yêu cầu về chứng chỉ, chứng nhận mà pháp luật chuyên ngành không quy định.

Hồ sơ mời thầu (HSMT) gói thầu xây lắp mà yêu cầu về nhân sự chủ chốt đối với các vị trí mà pháp luật về xây dựng không có yêu cầu về tiêu chuẩn đối với chức danh đó hoặc các vị trí kỹ thuật thông thường, công nhân kỹ thuật, lao động phổ thông;

HSMT gói thầu xây lắp yêu cầu nhân sự chủ chốt phải thuộc quyền quản lý của nhà thầu, phải ký hợp đồng lao động với nhà thầu từ năm… HSMT gói thầu xây lắp quy định Chỉ huy trưởng công trường phải thuộc quyền quản lý của nhà thầu mà không được thuê từ bên ngoài. HSMT gói thầu xây lắp yêu cầu nhà thầu phải đệ trình danh sách công nhân lao động khi tham dự thầu.

Ngoài ra, Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT cũng nêu rõ, một số quy định được coi là vi phạm khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Yêu cầu nhà thầu phải có xác nhận khảo sát hiện trường hoặc yêu cầu chứng minh việc đã khảo sát hiện trường; Yêu cầu nhà thầu khi tham dự thầu phải có cam kết hoặc ký hợp đồng nguyên tắc về bãi đổ thải cụ thể, cự ly đổ thải cụ thể, các mỏ vật liệu cụ thể, yêu cầu về cự ly trạm trộn bê tông... trong giới hạn một vùng hoặc một cự ly cụ thể mà chỉ có một hoặc một số ít nhà thầu đáp ứng;

Yêu cầu nhà thầu phải nêu cụ thể vị trí, tuyến đường, địa phương mà xe vận chuyển vật tư, vật liệu cho công trình đi qua trong E-HSDT; Đưa ra yêu cầu nhà thầu phải có tiền mặt hoặc phải có khoản tiết kiệm ở các tổ chức tài chính hoặc phải có số dư tài khoản hoặc các yêu cầu tương tự về nguồn lực tài chính;

Yêu cầu về nhân sự chủ chốt đối với các vị trí mà pháp luật về xây dựng không có yêu cầu về tiêu chuẩn đối với chức danh đó hoặc các vị trí kỹ thuật thông thường, công nhân kỹ thuật, lao động phổ thông; E-HSMT phát hành trên Hệ thống thiếu bản vẽ hoặc bản vẽ không đầy đủ, không đủ cơ sở để lập E-HSDT; Nêu tên nhà thầu phụ đặc biệt bắt buộc nhà thầu chính phải sử dụng.

Mặc dù Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT đã đưa ra nhiều quy định nhằm ngăn chặn tình trạng này, nhưng thực tế vẫn cho thấy các chiêu thức "cài cắm" tiêu chí vẫn tồn tại và được áp dụng một cách tinh vi. Chính điều này đã dẫn đến kịch bản "vàng thau lẫn lộn”, khi mà trong nhiều gói thầu, chỉ có một nhà thầu quen thuộc thường xuyên xuất hiện để nộp hồ sơ và giành chiến thắng, gây bức xúc cho những nhà thầu khác và tạo ra không ít sự hoài nghi trong ngành.

Những điều khoản bất hợp lý trong HSMT thường xuất hiện dưới hình thức yêu cầu kỹ thuật cao, tiêu chí đánh giá không rõ ràng hoặc các yêu cầu về năng lực quá ngặt nghèo. Chẳng hạn, trong quy trình đánh giá HSDT, nguyên tắc quy định rõ rằng nếu HSMT có nội dung hạn chế sự tham gia của các nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một số nhà thầu nhất định, thì những nội dung này sẽ bị coi là vô hiệu. Điều này có nghĩa rằng, bên mời thầu và tổ chuyên gia phải đánh giá E-HSDT dựa trên các tiêu chí công bằng và minh bạch.

Minh bạch và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Xã hội càng phát triển, việc duy trì sự minh bạch và xử lý nghiêm khắc các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu thầu đã trở thành một nhiệm vụ cấp thiết. Chính phủ đã chứng tỏ sự quyết tâm mạnh mẽ trong việc loại bỏ những tệ nạn này, nhằm xây dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng và minh bạch.

Để có cái nhìn toàn diện nhất, chúng tôi đã tiến hành thu thập và phân tích dữ liệu liên quan đến các gói thầu do UBND xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư và việc trúng thầu của công ty: Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh thương mại Đông Dương (Công ty Đông Dương); Cụ thể:

Liên quan đến việc trúng thầu của Công ty Đông Dương, người đại diện pháp luật: Ông Ngô Văn Phán, Giám đốc. Nhà thầu có trụ sở tại thôn Dục Nội, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội với 45 nhân viên. Từ năm 2014 đến nay trúng khoảng 32 gói thầu với tổng giá trị ước tính (bao gồm giá trị liên danh) đạt hơn 458 tỷ đồng. Đặc biệt, chỉ riêng trong năm 2024, Công ty đã trúng 10 gói thầu với giá trị khoảng hơn 104 tỷ đồng. Đây cũng là năm ghi nhận số lượng gói thầu và tổng giá trị gói thầu cao nhất từ trước đến nay.

Đấu thầu qua mạng: Cơ hội và thách thức trong công tác lựa chọn nhà thầu
Quyết định số 507/QĐ-UBND phê duyệt Công ty Đông Dương trúng thầu.

Theo đó, ngày 14/12/2024, ông Nguyễn Hữu Sáng, Chủ tịch UBND xã Việt Hùng ký Quyết định số 507/QĐ-UBND phê duyệt cho Công ty Đông Dương trúng gói thầu xây lắp thuộc dự án: Cải tạo, chỉnh trang tuyến đường số 6 thôn Trung, xã Việt Hùng với giá 10.824.220.000VND. Sau đấu thầu tiết kiệm 60.900.000VND ≈ 0,56%, gói thầu có 1 nhà thầu tham dự.

Ngày 20/12/2024, ông Nguyễn Hữu Sáng, Chủ tịch UBND xã Việt Hùng ký Quyết định số 521/QĐ-UBND phê duyệt cho Công ty Đông Dương trúng gói thầu xây lắp thuộc dự án: Cải tạo, chỉnh trang tuyến đường số 11 thôn Trung, xã Việt Hùng với giá 7.918.352.000VND. Sau đấu thầu tiết kiệm 60.521.000VND ≈ 0,76%, gói thầu có 1 nhà thầu tham dự.

Tuy nhiên, cả 2 gói thầu này đều xuất hiện tiêu chí mời thầu yêu cầu: Có thoả thuận được phép đổ đất thải, phế thải xây dựng (hoặc hợp đồng) cho gói thầu đang xét (kèm theo tài liệu chứng minh được cơ quan có thẩm quyền giao quản lý bãi thải; cam kết bảo vệ môi trường của nhà thầu).

Đấu thầu qua mạng: Cơ hội và thách thức trong công tác lựa chọn nhà thầu
Nhiều ý kiến trái chiều.

Việc HSMT yêu cầu có thỏa thuận, cam kết hoặc hợp đồng nguyên tắc về bãi đổ phế liệu xây dựng với đơn vị được cấp phép của các cơ quan có thẩm quyền đã dấy lên nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia về đấu thầu. Nhiều người cho rằng tiêu chí này không chỉ mang tính cục bộ, nhiều hơi hướng địa phương, địa bàn mà còn tạo ra những trở ngại lớn cho nhà thầu có địa chỉ ngoài địa bàn.

Việc yêu cầu một vị trí đổ thải cụ thể trong khoảng thời gian ngắn là một thách thức không nhỏ. Đặc biệt đối với các nhà thầu có trụ sở ngoài địa bàn, việc tìm kiếm và chứng minh tính hợp lý của một bãi đổ thải phù hợp được cơ quan có thẩm quyền cấp phép có thể trở thành một nhiệm vụ gần như bất khả thi. Các yếu tố như điều kiện địa lý, quy định pháp lý và khả năng tiếp cận của bãi đổ thải đều cần được xem xét kỹ lưỡng, điều này không thực sự khả thi khi thông tin từ cơ quan chủ quản thường thiếu minh bạch.

Mặc dù quy trình đấu thầu qua mạng nhằm tạo ra một môi trường công khai và minh bạch hơn tránh sự tiếp xúc trực tiếp giữa chủ đầu tư và các nhà thầu. Tuy nhiên, việc yêu cầu nhà thầu đề xuất vị trí đổ thải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép có thể khiến nhà thầu bắt buộc phải xuống địa bàn, hoặc tiếp xúc với chủ đầu tư, địa phương, khiến lộ danh tính nhà thầu. Từ đó, dẫn tới nguy cơ thỏa thuận thầu.

Thực tế cho thấy, việc thiết lập những tiêu chí rõ ràng là cần thiết để đảm bảo rằng các dự án được thực hiện đúng quy định và hiệu quả. Tuy nhiên, việc đặt ra những yêu cầu mà nhà thầu khó có thể đáp ứng có thể dẫn đến tình trạng chọn lựa nhà thầu không tối ưu, gây lãng phí nguồn lực và thời gian. Trong bối cảnh hiện nay, cần có những điều chỉnh hợp lý trong quy định mời thầu, đảm bảo tính công bằng và minh bạch, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu tham gia.

Khoản 2, Điều 12 Nghị định 63/2014/NĐ-CP nêu rõ: “Trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”.

Thực tế, nhiều địa phương đã đưa các gói thầu chỉ thu hút 1 nhà thầu tham dự vào diện giám sát, theo dõi để chấn chỉnh. Tuy nhiên, từ những nguyên nhân nêu trên, chuyên gia đấu thầu cho rằng, việc siết chặt công tác xây dựng HSMT, nâng cao chất lượng khâu thẩm định, phê duyệt HSMT để hạn chế tối đa những “hạt sạn” cản trở sự tham gia của đông đảo nhà thầu mới là liều thuốc quan trọng nhất nhằm cải thiện tình trạng chỉ 1 nhà thầu tham gia, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu.

Trong quá trình nghiên cứu thực tiễn, đơn cử như UBND xã Việt Hùng kể trên, có thể thấy rằng việc quan tâm, quản lý sát sao công tác đấu thầu đóng vai trò quan trọng, cấp thiết. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận nghiêm túc rằng, công tác này còn đối mặt với những khó khăn, thách thức.

Để giải quyết những vấn đề này, thiết nghĩ cần có sự cam kết mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo, sự chuyên nghiệp và trách nhiệm cao từ cán bộ, công chức tham gia quản lý và thực hiện công tác đấu thầu. Để ngăn chặn, tạo sức răn đe, việc các cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra, phát hiện sai phạm, cũng như xử lý theo đúng quy định là việc làm cần thiết. Hơn nữa, các cơ quan báo chí cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân, doanh nghiệp… về công tác đấu thầu nói riêng.

Giang Sơn

Theo

Cùng chuyên mục
  • Việt Nam có cơ hội vàng để tham gia vào "cuộc chơi" của các trung tâm tài chính

    Việt Nam có "cơ hội vàng" thông qua việc lập hành lang pháp lý mở, ban hành các chính sách ưu đãi vượt trội, phù hợp với thông lệ quốc tế để trở thành "sân chơi" cho nhà đầu tư tài chính hàng đầu.

  • Thành phố Hồ Chí Minh: Giải ngân đầu tư công cho bồi thường đạt hơn 98%

    (Xây dựng) - Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến ngày 9/1/2025 đã có hơn 34.400 tỷ đồng, vốn bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được giải ngân, đạt tỷ lệ 98,36%. Số tiền này đã được chuyển cho các ban Bồi thường giải phóng mặt bằng các quận, huyện để chi trả cho người dân bị ảnh hưởng giải tỏa các dự án trên địa bàn.

  • Vũ Quang (Hà Tĩnh): Triển khai kế hoạch đầu tư vốn đầu tư công năm 2025

    (Xây dựng) - UBND huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) vừa ban hành văn bản yêu cầu các phòng, ban, ngành cấp huyện; UBND các xã, thị trấn và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện đẩy nhanh tiến độ triển khai, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2025.

  • Quảng Trị: Cấp nhiều quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế

    (Xây dựng) - Năm 2024, cùng với việc tổ chức rà soát các dự án đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, các dự án trọng điểm để kịp thời đôn đốc, hướng dẫn thực hiện đảm bảo tiến độ, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị đã tiến hành cấp 5 Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư là 2.902 tỷ đồng.

  • Hai nhà đầu tư quốc tế lớn “xông đất” Bình Định

    (Xây dựng) – Chủ tịch Quỹ đầu tư Finance Suisse và Chủ tịch Công ty Palmer Johnson, đơn vị hàng đầu thế giới về sản xuất siêu du thuyền có trụ sở tại Monaco đã đến thăm và khảo sát tại Bình Định. Chuyến thăm đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực đưa Bình Định trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch siêu sang trọng tại khu vực và trên toàn thế giới.

  • Ngành Công Thương triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025

    (Xây dựng) – Năm 2024, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, ngành Công Thương đã chủ động, sáng tạo, đột phát góp phần vào tăng trưởng kinh tế của cả nước với nhiều kết quả ngoạn mục. Phát huy thành tựu của năm 2024, năm 2025 là năm toàn ngành Công Thương quyết tâm tăng tốc bứt phá để góp phần hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ, tạo nền tảng vững chắc cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load