Chủ nhật 03/11/2024 01:16 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Dấu hiệu lộ thông tin phục vụ công tác thanh kiểm tra tại Liên minh HTX Việt Nam

18:21 | 22/02/2023

(Xây dựng) - Sau khi Báo điện tử Xây dựng đăng loạt bài về việc buông lỏng quản lý công sở, đất đai, chi tiêu tài chính công ở Liên minh HTX Việt Nam vào hồi tháng 8 năm 2022, nhiều cơ quan chức năng thuộc Kiểm toán Nhà nước, Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Nội Vụ, Bộ Khoa học & Công nghệ và đặc biệt là Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc kiểm tra các dấu hiệu vi phạm theo dư luận bạn đọc cung cấp.

Dấu hiệu lộ thông tin phục vụ công tác thanh kiểm tra tại Liên minh HTX Việt Nam

Dư luận người lao động tại Liên minh HTX Việt Nam đang rất bức xúc và đặt câu hỏi tại sao Đoàn kiểm tra 586 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang làm việc rất nghiêm túc, trách nhiệm, chưa có kết luận chính thức mà ông Chủ tịch Liên minh HTX Nguyễn Ngọc Bảo và một số thuộc cấp thân tín lại biết được các thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm để bàn phương án sửa chữa và khắc phục?

Được biết, Đoàn kiểm tra 586 đã quán triệt và yêu cầu bảo mật thông tin nội dung kiểm tra theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thế nhưng, ông Phó Chánh Văn phòng Nguyễn Bảo Sơn lại ký Công văn hỏa tốc số 59/LMHTXVN-VP ngày 18/1/2023 về việc họp gấp, yêu cầu một số đơn vị trao đổi “phương án sửa chữa, khắc phục một số thiếu sót, khuyết điểm theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra số 586 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương”.

Không hiểu bằng cách nào mà thông tin của Đoàn kiểm tra lại lộ lọt? Và khi người đứng đầu có được “lợi thế” về thông tin như vậy, sao ông không chấp hành nghiêm túc mà lại phải liên tục tổ chức các cuộc họp hỏa tốc (lúc bí mật, lúc công khai) với một số cán bộ để bàn cách đối phó? Rồi lại luôn tuyên truyền rằng “Liên minh HTX Việt Nam và cá nhân tôi không có sai gì, không vấn đề gì và mọi việc sẽ kết thúc tốt đẹp”?!

Chính từ việc lấp liếm, cố tình không chấp hành sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng của Liên minh HTX Việt Nam mà Đoàn kiểm tra đã phải rất mất công điều tra. Ngày 15/2, Đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đến kiểm tra lần 2 tại Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Bắc Bộ, ngày 17/2 đoàn đến kiểm tra lần 3 cơ sở vật chất tại trụ sở Liên minh HTX Việt Nam và dự án Phạm Hùng. Sở dĩ, Đoàn phải đi lại nhiều lần là để làm rõ sự gian dối, thiếu trung thực trong báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam với Đoàn kiểm tra.

Con voi có chui lọt lỗ kim?

Không chỉ khai thác thông tin của Đoàn kiểm tra số 586 để hợp thức hóa các sai phạm. Ngay những kết luận trước đó của Kiểm toán Nhà nước, hay báo cáo Ban Nội chính, ông Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cũng đang chỉ đạo thuộc cấp tìm cách “hợp thức hóa”.

Liên quan đến trụ sở công ở 77 Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo lập luận nhà Pháp cổ 3 tầng số 77 Nguyễn Thái Học “là tài sản công của Xí nghiệp quản lý nhà Ba Đình, không phải là tài sản công của Liên minh HTX Việt Nam”. Nếu không phải của Liên minh thì tại sao ông Chủ tịch lại được phép chỉ đạo ký hợp đồng cho Công ty Phong cách Âu Châu thuê?!

Ngày 10/7/2020, Thanh tra Chính phủ đã làm việc với Liên minh HTX Việt Nam và kết luận: Việc Liên minh HTX Việt Nam cho Công ty Âu Châu sử dụng nhà, đất tại 77 Nguyễn Thái Học là chưa đúng mục đích sử dụng, thực hiện chưa đúng theo phương án sắp xếp cơ sở nhà, đất đã được Bộ Tài chính, UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt.

Số tiền thu được của hợp đồng này từ 25/12/2017 đến 25/12/2022 gần 9 tỷ đồng. Theo quy định, Liên minh HTX Việt Nam phải kê khai nộp thuế và nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước hàng năm. Nhưng phải đến 5 năm sau, khi có Đoàn kiểm tra và Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm tra, lúc đó ông Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo mới chỉ đạo kê khai nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước. Vậy nếu không có kiểm tra, kiểm toán thì ngân sách Nhà nước sẽ bị thiệt hại như thế nào?

Điều đáng nói là thời hạn của hợp đồng ủy quyền sử dụng lợi thế cơ sở vật chất với Công ty Âu Châu đến 25/12/2022 hết hạn. Tuy nhiên, Công ty Âu Châu đến nay không những không trả lại trụ sở, mà ngày 22/12/2022 công ty này tiếp tục chuyển số tiền thuê của 3 tháng tiếp theo là 450 triệu đồng vào tài khoản của Liên minh HTX Việt Nam.

Dư luận đang đặt câu hỏi phải chăng có những thỏa thuận ngầm thì Công ty Âu Châu mới tiếp tục chuyển tiền thuê như vậy? Hệ lụy là Liên minh HTX Việt Nam mất trụ sở làm việc, Nhà nước có nguy cơ mất tài sản công, thiệt hại nghiêm trọng như vậy thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai?

Gần 400 tỷ đồng lợi nhuận từ Công ty khách sạn Hà Nội Fortuna đi đâu?

Sau khi báo chí phản ánh, theo tìm hiểu của PV, vừa qua Kiểm toán Nhà nước đã có thông báo kết quả kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của Liên minh HTX Việt Nam. Kiểm toán Nhà nước mới kiểm toán riêng một năm 2021 đã chỉ ra rất nhiều tồn tại, hạn chế và vi phạm của Liên minh HTX Việt Nam. Câu hỏi đặt ra, nếu mở rộng việc kiểm tra, kiểm toán thêm nhiều năm thì sẽ như thế nào?

Liên quan đến việc quản lý, sử dụng tiền lợi nhuận từ Công ty Liên doanh khách sạn Hà Nội Fortuna, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ rõ những vấn đề sai: “Liên minh HTX Việt Nam chưa kịp thời chỉ đạo Công ty Thắng Lợi kê khai và nộp ngân sách Nhà nước số tiền tương ứng với phần vốn Nhà nước theo điều 2, Quyết định 19 về việc giao vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) cho Công ty Thắng Lợi (góp vốn vào Liên doanh khách sạn Hà Nội Fortuna - PV); hơn nữa “tại báo cáo tài chính năm 2021 của Công ty Thắng Lợi, có ghi nhận khoản phải thu về cho vay dài hạn cho Văn Phòng của Liên minh HTX Việt Nam vay 25,413 tỷ đồng và trên tài khoản phải thu khác đang theo dõi khoản phải thu từ Liên minh HTX Việt Nam là 12,255 tỷ đồng. Tuy nhiên, báo cáo tài chính năm 2021 của Văn Phòng Liên minh HTX Việt Nam không ghi nhận và theo dõi 2 khoản phải trả này cho Công ty Thắng Lợi”.

Chính vì vậy, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thành lập Đoàn kiểm tra làm rõ việc có sự chênh lệch trên Báo cáo Tài chính năm 2021 của Công ty Thắng Lợi và Văn phòng Liên minh đối với khoản công nợ hơn 12,255 tỷ đồng nói trên.

Về việc này, được biết ông Tổng giám đốc Công ty Thắng Lợi đã nhiều lần kiến nghị trực tiếp và bằng văn bản đề nghị nộp NSNN lợi nhuận được chia theo đúng quy định. Mới đây nhất, Cục Thuế Hà Nội đã ban hành Công văn số 64723/CTHN-TTKT5 ngày 27/12/2022 yêu cầu Công ty Thắng Lợi thực hiện kê khai và nộp NSNN khoản lợi nhuận được chia theo chỉ đạo của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, đến nay Hội đồng Thành viên Công ty Thắng Lợi do ông Nguyễn Hùng Tiến - Chủ tịch HĐTV, là người đại diện pháp luật không thông qua việc nộp NSNN, ông Chủ tịch Liên minh cũng “phớt lờ” sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng.

Dư luận đặt câu hỏi tại sao ông Chủ tịch Liên minh lại “cố đấm ăn xôi”, quyết giữ đến cùng không nộp NSNN tiền lợi nhuận được chia từ khách sạn Hà Nội Fortuna? Phải chăng người đứng đầu và nhóm “cánh hẩu” có chuyện tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong việc quản lý, sử dụng số tiền lớn như vậy? Và không loại trừ Liên minh HTX Việt Nam đã sử dụng lãng phí, thất thoát số tiền lớn nên đến nay không có khả năng nộp lại NSNN?

Dư luận cũng bất bình tại sao một số tiền lớn gần 38 tỷ đồng như vậy (25,413 tỷ + 12,255 tỷ đồng ~ 37,668 tỷ đồng) mà Văn phòng Liên minh HTX Việt Nam không ghi nhận và theo dõi trong báo cáo tài chính? Vậy thì số tiền này đi đâu, ai theo dõi? Và được chi tiêu như thế nào?

Mặt khác, Liên minh HTX Việt Nam do Nhà nước thành lập, được cấp NSNN hoạt động hàng năm để thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao; Liên minh HTX Việt Nam không phải là đơn vị kinh doanh. Vậy tại sao Văn Phòng của Liên minh HTX Việt Nam phải vay dài hạn Công ty Thắng Lợi? Vay để chi tiêu về việc gì? Liên minh HTX Việt Nam lấy tiền đâu để trả nợ cho Công ty Thắng Lợi? Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu khoản vay không được trả nộp đầy đủ?

Của để dành “cổ phiếu VPBank” không cánh mà bay

Liên quan đến việc bán cổ phiếu ngân hàng VPBank, thời điểm đến tháng 9/2022, ông Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo đã chỉ đạo bán 1,2 triệu cổ phiếu tương đương số tiền 50 tỷ đồng.

Tại biên bản kiểm tra xác minh của Đoàn thanh tra thuộc Thanh tra Chính phủ xác nhận đến 09/3/1997, việc mua cổ phiếu VPBank của Hội đồng Trung ương Liên minh HTX Việt Nam (nay là Liên minh HTX Việt Nam) là khoản vay chưa có nguồn bù đắp. Đến ngày 6/8/2022, Liên minh HTX Việt Nam không cung cấp được hồ sơ gốc để xác định tiền vay mua cổ phiếu VPBank.

Từ đó, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thành lập Đoàn kiểm tra làm rõ và xử lý theo đúng quy định pháp luật về việc “xác định nguồn tiền trả khoản vay mua cổ phiếu VPBank, nghĩa vụ với NSNN phát sinh từ khoản đầu tư, báo cáo Bộ Tài chính để Bộ Tài chính xác nhận”. Vậy, phải chăng khoản vay từ năm 1997 đến nay chưa có nguồn bù đắp và không chủ nợ nào đòi, đó là NSNN và do NSNN cấp?

Điều đáng nói là ông Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo không những tự ý chỉ đạo bán số lượng cổ phần được tích lũy từ bao thế hệ lãnh đạo. Ông còn để Văn Phòng chỉ theo dõi, hạch toán theo mệnh giá gốc của 1,2 triệu cổ phiếu được bán là 10.000 đồng/Cp, theo đó số tiền hạch toán chỉ là 12 tỷ đồng (không hạch toán chênh lệch).

Vậy thì số tiền chênh lệch gần 38 tỷ đồng khi bán cổ phiếu đã đi đâu? Và có lợi ích nhóm trong việc quản lý, sử dụng chi tiêu số tiền lớn như vậy không? Nếu báo chí không lên tiếng, cơ quan chức năng không vào cuộc để thanh tra, kiểm tra thì ai dám chắc số tiền này không bị biển thủ, không cánh mà bay?!

Hơn nữa, sau chỉ đạo bán cổ phiếu, rõ ràng số cổ phiếu đó không phải tài sản của cá nhân ông Chủ tịch, nhưng kết quả bán như thế nào, thu được bao nhiêu tiền và việc chi tiêu, sử dụng vào nội dung gì, đến nay chưa được ông Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo minh bạch thông tin trong tập thể lãnh đạo và cơ quan Liên minh.

Những vi phạm của ông Chủ tịch Bảo và nhóm cánh hẩu, lợi ích đã diễn ra một cách hệ thống, cố ý trong thời gian dài, gây thiệt hại, hậu quả rất nghiêm trọng cho Liên minh HTX Việt Nam và Nhà nước. Bây giờ, nhóm này đang tìm mọi cách đối phó, che đậy, lấp liếm, thiếu trung thực với các cơ quan kiểm tra nhằm bào chữa các vi phạm, khuyết điểm của mình.

Dư luận mong mỏi các cơ quan thanh tra, kiểm tra nhìn rõ bản chất của nhóm lợi ích tại Liên minh HTX Việt Nam do người đứng đầu chỉ đạo. Không để tình trạng phù phép, sai thành đúng, “con voi chui lọt lỗ kim” nhằm lấy lại niềm tin trong cán bộ, đảng viên, người lao động trong hệ thống Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX các tỉnh, thành phố.

Trần Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load