Chính những người dân sống ở Hòa Lạc (Hà Nội) cũng phải thừa nhận đất tại đây đang bị thổi giá một cách khó hiểu, đôi khi chỉ cần một lý do nhỏ giá cũng tăng vùn vụt.
Giá đất tăng nhiều nơi là câu chuyện không mới nhưng không phải ai cũng biết vì sao đất tại đó lại tăng giá. Tại nhiều nơi, giá đất chỉ cần một lý do nhỏ cũng bỗng tăng mạnh theo sóng.
Anh N.M.Hải lớn lên từ bé ở Thạch Thất (Hà Nội) nhưng vài năm gần đây, đi tới đâu anh cũng nghe tới chuyện mua bán đất. Từ khi các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, trường đại học về đây, giá đất tăng vùn vụt. Cho tới bây giờ, khi giá đất ăn theo các dự án này đã tới ngưỡng nhưng các giao dịch tại đây vẫn khá sôi động.
Ở Thạch Thất, ngồi đâu cũng thấy chuyện buôn đất. |
"Ngồi quán trà đá, tôi cũng chỉ nghe thấy anh em bạn bè bàn về giá đất, mua bán đất. Các văn phòng nhà đất, bất động sản mọc ra khắp nơi, ai cũng trở thành "cò" đất", anh Hải nói.
Cũng theo anh Hải, gần đây, bỗng nổi lên một vài khu vực có hạ tầng mới được xây dựng kéo giá đất quanh đó lên chóng mặt. Tuy nhiên, nhiều người ở nơi khác không biết, chỉ nghe thông tin giá đất Hòa Lạc lại sốt trở lại nên kéo nhau lên mua, không cần biết vị trí.
Do những thông tin đó, giá đất tại một số nơi bỗng tăng từ 3 - 4 triệu đồng/m2, lên 5 - 6 triệu đồng/m2. Còn tại vị trí có hạ tầng vừa mới xây dựng xong như Hòa Thạch, tại đây có đường DH09 mới chạy từ Xuân Mai lên khu công nghệ cao, giá đã lên trên 10 triệu đồng/m2. Thậm chí, giá này chưa phải đất mặt đường DH09.
Sau một thời gian chững giá, đất Hòa Lạc lại tăng trở lại ở một số nơi. |
Ngoài ra, một khu vực nữa đang kéo giá đất Hòa Lạc lên là quanh đường tỉnh lộ 420 đang được làm rộng. Con đường này nối lên trung tâm huyện Thạch Thất.
Hạ tầng được hoàn thiện kéo theo giá đất tăng là chuyện không hiếm. Song, theo anh N.M. (Thạch Thất, Hà Nội), thông tin dự án đường sắt trên cao nối từ hồ Tây lên đây cũng khiến giá tăng mạnh gần đây, đặc biệt là khu vực Đồng Trúc (Thạch Thất). Chẳng biết bao giờ mới làm nhưng khách mua vẫn từ khắp nơi kéo về mua bán.
Sau khi có thông tin dự án mới của một tập đoàn lớn, giá đất tại đây lại "nhảy múa" trở lại. |
"Giá đất tại đây trước chỉ vài triệu đồng/m2. Đất tại đây đa phần là đất vườn, do đó khó để chuyển đổi nếu không có quy hoạch. Vì thế việc mua bán ở đây phải hết sức cẩn trọng", anh M nói và cho biết thêm, đây cũng là điều kiện để một nhóm người và các sàn bất động sản bắt tay với nhau thổi giá đất quanh đây.
Từ những năm 2009 - 2011, Hòa Lạc đã nổi lên như một đô thị vệ tinh, song cho tới nay, lượng dân cư về đây sinh sống vẫn còn quá ít ỏi so với quy mô rộng lớn của đại đô thị này. Tại đây vẫn chưa thực sự xuất hiện các dự án chất lượng, được quy hoạch bài bản. Do đó, giá đất tại đây vẫn chỉ được đẩy lên do tâm lý đám đông.
Bản quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000 chính thức được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt vào ngày 28/5/2020 và TP Hà Nội tổ chức công bố công khai vào ngày 9/7/2020. Đô thị Hòa Lạc được phân thành 7 khu vực chức năng chính gồm: Khu Đại học Quốc gia Hà Nội (khu HL1); Khu Công nghệ cao (khu HL2); Khu vực Đô thị sinh thái (khu HL3, HL4, HL5); Khu vực đô thị Phú Cát - Hòa Thạch (khu HL6); Khu vực sân bay Hòa Lạc (khu NN1); Khu vực nông nghiệp (thuộc vành đai xanh xung quanh vùng nội đô - khu NN2, NN3, NN4, NN5); Khu vực Viên Nam (thuộc vành đai xanh xung quanh vùng nội đô - khu ST). Đây có thể coi là dấu mốc quan trọng để Hà Nội triển khai xây dựng 1 trong 5 đô thị vệ tinh nhằm giảm áp lực gánh nặng về dân số, hạ tầng cho khu vực đô thị trung tâm. |
Theo Thế Hưng/Dantri.com.vn