(Xây dựng) - Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư số 10/2020/TT-BGTVT quy định việc đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Điểm mới đáng chú ý là Thông tư quy định chỉ đặt hàng đối với công tác khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông bước 1, còn dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy thực hiện theo phương thức đấu thầu.
Việc tổ chức đấu thầu được thực hiện khi có đủ điều kiện: Kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu được phê duyệt; thông tin đấu thầu đã được đăng tải theo quy định của pháp luật đấu thầu; nội dung, danh mục dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì được phê duyệt, giá gói thầu.
Như vậy, so với quy định hiện hành, sắp tới không còn hình thức đặt hàng (tối đa 3 tháng) đối với hàng loạt sản phẩm, dịch vụ công như: Khảo sát, theo dõi thông báo tình trạng thực tế tuyến luồng chạy tàu, thuyền; tổ chức giao thông, kiểm tra bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; quản lý, lặp đặt, điều chỉnh báo hiệu đường thủy nội địa trên bờ, dưới nước; theo dõi thủy chí, thủy văn, đếm phương tiện; bảo trì và sửa chữa thường xuyên báo hiệu, phương tiện, thiết bị các công trình phục vụ trên tuyến đường thủy nội địa đang khai thác và các công tác khác liên quan trực tiếp đến sửa chữa, bảo trì thường xuyên đường thủy nội địa.
Ngoài ra, theo Thông tư, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam sẽ là cơ quan đầu mối duy nhất tổ chức đấu thầu, thực hiện trách nhiệm của chủ đầu tư và bên mời thầu; thực hiện trách nhiệm của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu.
Trong khi đó, những năm qua việc tổ chức đấu thầu do một số đầu mối thực hiện như: Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Chi cục đường thủy nội địa khu vực, các đơn vị thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam được Bộ Giao thông vận tải giao thực hiện nhiệm vụ theo quy định, Sở Giao thông Vận tải được Bộ Giao thông Vận tải phân cấp hoặc ủy quyền quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia theo quy định của pháp luật.
Được biết, hiện có hơn 7.100 km đường thủy quốc gia đang được quản lý, khai thác vận tải thủy, do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam trực tiếp quản lý và một phần được ủy quyền quản lý cho Sở Giao thông Vận tải các địa phương.
Thông tư số 10/2020/TT-BGTVT có hiệu lực từ 1/7/2020.
Diệp Anh
Theo