Thứ tư 15/01/2025 16:47 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Đô thị

Đánh thức bản sắc đô thị sông nước Thành phố Hồ Chí Minh

15:18 | 27/04/2022

(Xây dựng) - Thành phố Hồ Chí Minh được thiên nhiên ưu ái với nhiều sông, kênh, rạch chảy qua, từ lâu đã tạo nên một di sản cảnh quan đô thị nước, một bản sắc đô thị sông nước đặc trưng. Sau 47 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, lúc này đây, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung đánh thức và phát triển bản sắc đô thị sông nước. Chưa lúc nào, vấn đề đô thị sông nước lại nóng như lúc này.

danh thuc ban sac do thi song nuoc thanh pho ho chi minh
Thành phố Hồ Chí Minh vốn là một đô thị sông nước có tiềm năng.

Có một đô thị sông nước “ngủ quên”

Mảnh đất Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh được phú cho sông, kênh, rạch chằng chịt. Cũng từ đây những cảnh quan đô thị nước hình thành như: Đất ngập nước, đầm hồ, kênh rạch, rừng Sác, xưởng tàu, bến cảng, bến thuyền, bến chợ… với những hoạt động gắn liền cùng con nước. Đây cũng là văn hoá cội nguồn của đô thị Thành phố Hồ Chí Minh. Trải qua nhiều năm tháng thời gian, khi giao thông thuỷ đã kém hữu dụng trong việc đi lại, vận chuyển hàng hoá, việc phát triển như vũ bão các dự án hạ tầng giao thông bộ, đã làm thay đổi diện mạo đô thị, đặt ra nhiều vấn đề cho việc đánh thức bản sắc văn hoá đô thị sông nước của thành phố bây giờ.

Sống ở Thành phố Hồ Chí Minh mấy chục năm nay, ở đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, ông Nguyễn Văn Hoà cho biết, thành phố có nhiều sông, kênh, rạch là một bản sắc riêng, là một lợi thế để phát triển đô thị sông nước mà không phải thành phố nào cũng có. Ngày xưa đi lại bằng xuồng ghe, ngày nay đi lại bằng ôtô, máy bay nên thành phố cũng thay đổi nhiều.

Theo ông Hoà, có một thời, người ta lấp kênh để làm nhà hướng mặt ra phố, nhưng ngày nay, người ta lại làm nhà hướng mặt ra sông, suối, kênh, rạch để có cảnh đẹp. Cuộc sống thay đổi, nhưng giá trị không gian sông nước luôn là giá trị sống vô giá. Lúc trước người ta huỷ hoại những dòng kênh, làm cho nó “chết” đi, những nhà gần kênh có cuộc sống ô nhiễm nặng nề. Thế nhưng, khi những dòng kênh được hồi sinh, được xây kè, làm công viên, đường ven sông, cuộc sống của người dân lại trở thành thiên đường.

Ông Hoà cho hay với ông, mỗi sáng được tập thể dục bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, được ngắm con đường hoa, và hít cái không khí mát dịu, ông rất mãn nguyện. Đó là giá trị được thụ hưởng của người dân ở nơi thiên nhiên ban tặng cho có nhiều sông, kênh, rạch, mà những người ở vùng cát nóng như Bình Thuận, Ninh Thuận mơ cũng không thấy.

Còn ông Nguyễn Văn Đực, đã có hơn nửa đời người gắn bó với Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh luôn gắn với sông nước, vẻ đẹp của thành phố cũng là vẻ đẹp thơ mộng của không gian sông nước chứ không phải các khối bê tông khổng lồ chen chúc nhau bên bờ sông, bờ kênh. Nhiều công trình đã làm thay đổi diện mạo thành phố như: Đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đường đại lộ Võ Văn Kiệt dọc theo kênh Tàu Hũ - Bến Nghé… là những giá trị của không gian sông nước, chứ không phải không gian của các khối bê tông.

Ông Đực thấy tiếc, vì đó mới chỉ là những công trình theo con kênh nhỏ trong lòng thành phố, còn sông Sài Gòn lớn đẹp thì thành phố vẫn chưa phát triển được. Theo ông Đực, sông Sài Gòn là một tuyệt phẩm mà tạo hoá ban cho Thành phố. Muốn phát triển đô thị sông nước, Thành phố phải chú trọng tới phát triển đô thị theo sông Sài Gòn.

Hiện nay, mới chỉ có một đoạn công viên bờ sông Bến Bạch Đằng được giải phóng, người dân thành phố đã vỡ oà vì sung sướng trước không gian thoáng đãng, dịu mát từ gió sông. Nếu việc phát triển đô thị ven sông Sài Gòn được chú trọng, sẽ có nhiều không thoáng đãng như thế, sẽ có nhiều khoảng xanh như thế cho người dân thành phố thở.

Chia sẻ về vấn đề này, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn - Uỷ viên Ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh ngay từ đầu đã là một đô thị sông nước, nhưng đến nay đô thị vẫn đang ngủ. Sài Gòn không chỉ có mấy con kênh tự nhiên mà còn có những con kênh đào. Đặc biệt, vào thời Pháp, Sài Gòn có cảng Sài Gòn, có bến Nhà Rồng, có các khu vực kênh rạch rất sầm uất như kênh Thị Nghè; rồi đường Nguyễn Huệ ngày xưa là một con kênh nó dẫn vào khu trung tâm, có tàu bè ra vào tấp nập. Rồi khu bến Bình Đông từ thời Pháp cho tới sau năm 1975, là một vựa lúa của Đồng bằng Nam bộ, người ta chở lúa, hàng hoá ra Chợ Lớn từ bến Bình Đông rất sầm uất.

Theo TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn: Thành phố Hồ Chí Minh ngày trước là một đô thị sông nước thật sự ở thời Pháp, nhưng qua thời Mỹ, bắt đầu có những biến thể. Lúc đó, bến Bình Đông vẫn còn, cảng Sài Gòn vẫn phát triển nhưng những khu như Thị Nghè – Nhiêu Lộc bắt đầu có nhà trên kênh rạch, đô thị bắt đầu lộn xộn. Sau năm 1975 cho tới Đổi mới, Thành phố Hồ Chí Minh phát triển theo hướng quay lưng lại với dòng sông. Tại vì, thành phố không có kinh phí làm hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng sông nước. Do đó, nhà cửa quay ra đường và đưa lưng ra sông. Lúc này, giao thông thuỷ không phát triển suốt một thời gian dài.

Khoảng 10 năm trở lại đây, thành phố mới bắt đầu quan tâm đến các dòng sông, bắt đầu phát triển giao thông đường thuỷ như: Buýt đường sông, tàu cao tốc đường thuỷ… Do chiến tranh và sau chiến tranh, thời kỳ khó khăn, nên thành phố quay lưng lại với sông nước, và bây giờ thành phố đang hướng đến, trở về với sông nước. Đang có một phong trào trở lại với sông nước!

Cũng theo TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, trên thế giới, những thành phố có văn hoá lớn nổi tiếng đều gắn bó với dòng sông và họ quan tâm tới việc quy hoạch, phát triển đôi bờ. Paris thì có sông Seine, Washington có dòng Potomac, Thượng Hải có sông Hoàng Phố… Phát triển đô thị ven sông đã in đậm bản sắc, giúp những thành phố này thơ mộng, thân thiện hơn. Thành phố Hồ Chí Minh có sông Sài Gòn rất đẹp, nhưng câu chuyện để phát triển nó gắn với đô thị sông nước còn rất chậm.

“Từ 1975 cho đến nay, chưa bao giờ quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị sông nước. Cho đến nay, thành phố cũng chưa có quy hoạch ven sông của sông Sài Gòn, thành phố mới chỉ có định hướng thôi. Bên cạnh đó, thành phố quan tâm đến phát triển đô thị ở hai bên sông nhiều hơn chứ không quan tâm phát triển đô thị sông nước”, TS Sơn nói.

Còn trong ký ức của đại đa số những người lớn tuổi đã gắn bó với Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố bây giờ có nhiều bến bê tông đẹp, có nhiều bờ kè kiên cố sạch sẽ, nhưng có bến mà không còn thuyền mua bán. Hiếm lắm còn vài chỗ cứ đến Tết người ta chở hoa lên. Bến của thành phố giờ là bến du thuyền, bến cano, bến buýt sông, bến tàu cao tốc đường thuỷ… chứ không còn là bến chợ.

“Tôi thèm cái không gian công cộng thoáng đãng, tôi thèm cái làn gió mát dịu từ những con kênh, tôi thèm cái thành phố ven sông thơ mộng, giàu có”. Những thèm khát của người dân thành phố bao đời không dễ thực hiện.

Đánh thức để phát triển đúng tầm

Nhận thấy lợi thế và giá trị từ không gian ven sông, nhiều người dân và doanh nghiệp đã đua nhau lấn chiếm bờ sông để làm nhà, biến chúng thành của riêng. Không gian bờ sông đã trở thành miếng mồi ngon của nhiều người. Chưa bao giờ các vụ việc Thanh tra, xử phạt lấn chiếm kênh rạch, lấn sông, lấp sông xây kè, lại nhiều và nóng như hiện nay.

Trước tình trạng này, Thành phố Hồ Chí Minh đã phải có đề án bảo vệ hành lang sông rạch. Và mới đây, Thành phố ban hành đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020-2045”. Tuy nhiên, theo nhiều kiến trúc sư, đây chưa phải là giải pháp lâu dài và căn cơ. Muốn phát triển lâu dài và căn cơ, thành phố cần lập quy hoạch đô thị sông nước, để từ đó tính đến giải pháp, kế hoạch và kinh phí thực hiện.

Theo TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, bản sắc đô thị sông nước của Thành phố Hồ Chí Minh cần được đánh thức để phát triển xứng tầm. Thành phố Hồ Chí Minh vốn là đô thị sông nước nhưng thực tế hiện nay thì chưa phải là đô thị sông nước. Giá trị sông nước vốn có đang bị bức tường cao ốc từ những công trình xây dựng ven sông ngăn cách.

danh thuc ban sac do thi song nuoc thanh pho ho chi minh
Giá trị sông nước vốn có của Thành phố Hồ Chí Minh đang bị bức tường cao ốc từ những công trình xây dựng ven sông ngăn cách.

“Giá trị sông nước của thành phố là một tiềm năng rất lớn, nhưng chưa được khai thác đúng tầm. Muốn đúng tầm thì không gian hai bên sông phải xanh, mặt tiền sông phải có cảnh quan hấp dẫn. Một đô thị sông nước phải có tuyến đường ven sông, có cây xanh, có nhà cao tầng, nhà thấp tầng nhìn hài hoà với con sông. Hiện giờ, con đường ven sông của sông Sài Gòn chưa có, chỉ có từng đoạn thôi. Ví dụ, khu vực trung tâm có làm được một đoạn ở bến Bạch Đằng, nhưng khi ra khu Bason là đứt đoạn, còn phía bên kia Thủ Thiêm thì chưa hình thành con đường ven sông, cũng chưa có không gian công cộng liên hoàn hài hoà”, TS Sơn cho hay.

Hai mươi năm trước, thành phố đã nghĩ tới việc thi ý tưởng quốc tế cho hai khu đô thị bên sông Sài Gòn, đó là bờ Đông (Thủ Thiêm) và bờ Tây (quận 1, quận 3). Đây là hai khu đô thị độc lập, lấy sông Sài Gòn làm giới hạn không gian. Thế nhưng việc gắn kết hai khu đô thị này, lấy sông Sài Gòn làm trung tâm lại chưa tính đến.

Cụ thể, năm 2003, Thành phố Hồ Chí Minh có quy hoạch Thủ Thiêm, thành phố tổ chức một cuộc thi quốc tế, sau đó đã chọn được đồ án của Sasaki - Nhật Bản. Năm 2007, thành phố cũng tổ chức một cuộc thi kiến trúc quốc tế cho khu trung tâm hiện hữu 930ha ở bờ Tây, sau đó, thành phố cũng chọn được đồ án của Nikken Sekkei - Nhật Bản làm giải nhất.

“Thành phố Hồ Chí Minh có đặc điểm giống Thượng Hải, nhưng mình lại chưa học được bài học của Thượng Hải. Thành phố Hồ Chí Minh nên quy hoạch một đô thị sông nước và phải đặt vấn đề phát triển đô thị sông nước chứ không phải phát triển đô thị ở bên cạnh sông. Đô thị sông nước thì mình phải tính đến chuyện không gian ở hai bên sông nó gắn kết với nhau như thế nào, bên bờ Đông và bờ Tây gắn kết với nhau như thế nào”, TS Sơn nói.

TS Sơn cũng bày tỏ: “Trong 10 năm nay, mỗi khi có cơ hội mình đều nhắc thành phố nên làm lại quy hoạch khu trung tâm. Tức là nên tích hợp hai quy hoạch bờ Đông và bờ Tây đã được duyệt thành một quy hoạch duy nhất, để liên kết không gian hai bên sông. Và đặt lại vấn đề làm mấy cây cầu. Cầu nào xây rồi thì không nói, cầu nào chưa xây thì mình phải xem lại như: vị trí đã hợp lý chưa, thiết kế đã hợp lý chưa, thể loại đã hợp lý chưa, có cần làm thêm đường hầm không?”.

Còn ông Nguyễn Văn Đực, kỹ sư xây dựng cũng chia sẻ, đô thị Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt nhất cả nước vì có hệ thống sông dày đặc. Thứ nhất là sông Sài Gòn, thứ hai là sông Đồng Nai, thứ ba là hệ thống kênh rạch, ấn tượng nhất là kênh rạch ở quận 8. Cũng giống như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cần có nhiều cây cầu bắc qua sông và nhiều tuyến đường, công viên ven sông. Hà Nội có nhiều cây cầu bắc qua sông Hồng, Thành phố Hồ Chí Minh cũng cần có nhiều cây cầu bắc qua sông Sài Gòn, có thế đi lại mới thuận tiện, kinh tế mới phát triển.

Để đánh thức tiềm năng sông nước vốn có của Thành phố Hồ Chí Minh, TS Ngô Viết Nam Sơn đã đề xuất 4 giải pháp. Thứ nhất, thành phố phải tạo được không gian xanh liên hoàn, không gian công cộng. Ví dụ như mình ra bến Bạch Đằng, mình có thể đạp xe đạp, đi qua Saigon pearl, đi qua Bason, chạy tuốt tới Tân Cảng, chạy qua bến Thanh Đa luôn… Người dân ai cũng đi được hết, không gian xanh nó phải liên hoàn như vậy cho người đi bộ và người đi xe đạp. Và họ có thể chạy suốt hai bên bờ sông, chạy khoảng 5-10km. Việc này thành phố cần phải làm, không để cho tư nhân lấn chiếm không gian ven sông làm của riêng.

Thứ hai, khuyến khích xây những điểm nhấn công cộng ven sông. Trên cái tuyến sông Sài Gòn này, thành phố sẽ xây những điểm nhấn như nhà hát, thư viện, nhà văn hoá, nhà bảo tàng, công viên, quảng trường... Tức là người dân đi xe đạp từ bến Nhà Rồng có thể chạy lên Thanh Đa dọc đường họ sẽ đi qua những công trình công cộng, họ ghé vào.

Thứ ba, thành phố phải tích hợp được giao thông đa phương tiện. Trên tuyến đường hai bên sông Sài Gòn, người dân có thể kết nối được với các tuyến xe buýt, bãi xe, bến xe, taxi đường sông... Tức là người dân có thể đi xe đạp, cũng có thể chuyển sang xe buýt, chuyển qua tàu trên nước.

Thứ tư, nhà cao tầng không khuyến khích xây sát sông, để không tạo bức tường cao ốc ven sông. Vì bức tường cao ốc sẽ làm cho đô thị nóng lên, chắn gió thổi từ sông vào đô thị. Tiếp đó, thành phố cũng nên tạo cảnh quan ven sông cho hấp dẫn cả ngày lẫn đêm. Đi ban ngày thì có cây xanh bóng mát, đi ban đêm thì có đèn, có chỗ nghỉ chân, có chỗ ngắm cảnh.

TS Sơn cho rằng những đề xuất của ông cần phải nằm trong một dự án quy hoạch, có ranh giới cụ thể, có nghiên cứu cụ thể và có kế hoạch thực hiện, thì mới phát huy được hiệu quả.

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn: Trăn trở gắn kết đôi bờ sông Sài Gòn

Bài học để Thượng Hải phát triển đó là sự gắn kết không gian đôi bờ sông Hoàng Phố, lấy sông Hoàng Phố là trung tâm. Thành phố Hồ Chí Minh cũng giống Thượng Hải, cũng cần phải gắn kết quy hoạch hai bờ Đông và Tây, lấy sông Sài Gòn làm trung tâm để phát triển.

Hiện nay, đã có quy hoạch của bờ Đông và bờ Tây nhưng tính chất gắn kết là chưa có. Việc phát triển đô thị đang đi sai hướng. Lẽ ra, phía bờ Tây (khu trung tâm quận 1, quận 3) có nhiều di sản thì nên bảo tồn, không nên phá bỏ di sản để phát triển các khối bê tông dày đặc ven sông. Và nên tìm cách tăng diện tích không gian công cộng. Còn bên bờ Đông là Thủ Thiêm đang có đất trống, nên ưu tiên để làm nhà cao tầng và hạ tầng hiện đại.

Theo TS Sơn, từ 1975 đến giờ, thành phố mình chỉ xây nhà chứ không tăng được mét vuông công viên nào hết. Hiện nay, theo tính toán của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, thành phố đang đạt dưới nửa mét vuông tính trên đầu người không gian xanh. Trong khi tiêu chuẩn thành phố hướng đến là lớn hơn 10m2 trên đầu người. Thực tế, đang thấp hơn 20 lần so với mong muốn của thành phố. Trong khi ở các đô thị lớn trên thế giới, người ta đã đạt 30m2 không gian xanh công cộng trên đầu người.

Tâm Bút

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
  • Thành phố Hồ Chí Minh: Nâng cao hiệu quả quản lý phát triển đô thị

    (Xây dựng) – Ngày 10/1, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Xây dựng do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc và khảo sát tình hình phát triển đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng tham gia có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo, Thứ Trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng và đại diện các Ban, vụ Quốc hội và Bộ Xây dựng.

    18:07 | 11/01/2025
  • Chương trình hành động của Chính phủ xây dựng, phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

    (Xây dựng) - Chính phủ ban hành Nghị quyết 7/NQ-CP ngày 10/1/2025 Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 96-KL/TW ngày 30/9/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

    12:54 | 11/01/2025
  • Xây dựng thành phố Chí Linh thành đô thị sạch – xanh – sáng, hài hòa với thiên nhiên

    (Xây dựng) – Theo quyết định phê duyệt Chương trình phát triển đô thị thành phố Chí Linh đến năm 2040 mới được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt, thành phố Chí Linh sẽ trở thành đô thị sạch – xanh – sáng, hài hòa với thiên nhiên.

    07:48 | 11/01/2025
  • Vĩnh Phúc: Quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu đô thị hóa

    (Xây dựng) - Hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung quy hoạch, phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, văn minh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời mở ra không gian mới cho phát triển đô thị của tỉnh.

    16:50 | 10/01/2025
  • Thái Bình: Công bố quyết định công nhận thị trấn Tiền Hải mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV

    (Xây dựng) - Ngày 9/1, huyện Tiền Hải tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Xây dựng công nhận thị trấn Tiền Hải mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV và tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2024, phát động thi đua yêu nước năm 2025.

    16:12 | 10/01/2025
  • Khởi động dự án làm thay đổi diện mạo đô thị Quảng Ngãi

    (Xây dựng) – Khi hoàn thành, dự án Kè chống sạt lở và tôn tạo cảnh quan bờ Nam sông Trà Khúc sẽ góp phần nâng tầm đô thị Quảng Ngãi, kiến tạo không gian sinh hoạt cộng đồng, vui chơi và giải trí cho người dân.

    08:44 | 10/01/2025
  • Bắc Giang: Xây dựng và phát triển huyện Hiệp Hòa trở thành thị xã vào năm 2027

    (Xây dựng) - Theo Kế hoạch số 78/KH-UBND do UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành, Bắc Giang sẽ tập trung nguồn lực để xây dựng và phát triển huyện Hiệp Hòa trở thành thị xã vào năm 2027.

    20:03 | 09/01/2025
  • Thị xã An Nhơn (Bình Định): Đạt tiêu chí đô thị loại III

    (Xây dựng) – Ngày 9/1, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định Báo cáo rà soát tiêu chí đô thị loại III thị xã An Nhơn (khu vực nội thị dự kiến mở rộng) và Báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị khu vực dự kiến thành lập phường thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Nguyễn Cao Viên chủ trì Hội nghị.

    19:12 | 09/01/2025
  • Đồng Nai đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phát triển đô thị thông minh

    (Xây dựng) - Đồng Nai đang nỗ lực phát triển đô thị thông minh bền vững, hướng đến nâng cao chất lượng sống và hiệu quả quản lý đô thị. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ hiện đại như BIM hay GIS vẫn còn hạn chế, chủ yếu dựa vào các công cụ cơ bản. Trước thực tế này, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp như xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông, ứng dụng công nghệ trong quản lý và phát triển giao thông xanh, nhằm đáp ứng các mục tiêu bền vững.

    19:08 | 09/01/2025
  • Tây Ninh: Thị xã Hòa Thành đạt tiêu chí đô thị loại III

    (Xây dựng) – Ngày 8/1, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định Đề án phân loại thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh là đô thị loại III. Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Lê Hoàng Trung chủ trì Hội nghị.

    22:26 | 08/01/2025
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load