(Xây dựng) - Thời gian qua, tình trạng thất thoát, lãng phí tại nhiều công trình đầu tư xây dựng cơ bản đang trở thành vấn đề bức xúc trong dư luận. Mặc dù ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ và các địa phương đã ưu tiên dành nguồn vốn rất lớn hàng năm và trung hạn để đầu tư xây dựng các dự án, công trình, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế và bất cập trong việc quản lý và triển khai, thực hiện các dự án dẫn đến gây thất thoát, lãng phí vốn, tình trạng đội vốn, không minh bạch trong sử dụng nguồn vốn…
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là một trong những dự án tiêu biểu về đội vốn, chậm tiến độ… (Ảnh: Internet). |
Hàng nghìn dự án đầu tư công chậm tiến độ, thất thoát lãng phí
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2017 có tới 1.609 dự án chậm tiến độ, chiếm 3,1% số dự án thực hiện đầu tư. Trong đó, đáng chú ý là có gần 150 dự án chậm tiến độ do nguyên nhân chủ quan, do chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và các nhà thầu không đủ năng lực. Số dự án chậm tiến độ này đã tăng gần 150 dự án so với con số của năm 2016.
Bên cạnh đó, 2.605 dự án thực hiện đầu tư phải điều chỉnh, trong đó chủ yếu là điều chỉnh vốn đầu tư (979 dự án) và điều chỉnh tiến độ đầu tư (936 dự án), gần 850 dự án thất thoát lãng phí, 225 dự án vi phạm quy định thủ tục đầu tư, 22 dự án vi phạm quản lý chất lượng và gần 300 dự án phải ngừng thực hiện.
Lãng phí, dàn trải trong đầu tư công không còn là vấn đề mới, nhưng vẫn luôn là đề tài nóng ở các diễn đàn. Nguyên nhân được chỉ ra đó là lãng phí trong khâu chuẩn bị đầu tư; trong khâu thực hiện đầu tư... Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác đó là cơ chế quản lý và giám sát hoạt động của chủ đầu tư; hệ thống định mức tiêu chuẩn chưa đầy đủ, còn nhiều thiếu sót; hạn chế về năng lực quản lý, năng lực chuyên môn; tình trạng dàn trải đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố cũng đang là một vấn đề bức xúc trong lĩnh vực đầu tư, gây lãng phí, thất thoát cực lớn, làm giảm hiệu quả đầu tư.
Đáng lưu ý, trong lúc ngân sách Nhà nước đang buộc phải “co kéo”, đong, đếm chi li đến từng khoản chi, bao nhiêu dành cho chi thường xuyên, bao nhiêu chi cho đầu tư phát triển thì có không ít dự án đầu tư đến hàng chục nghìn tỷ đồng vẫn “đắp chiếu” như dự án gang thép Thái Nguyên với tổng mức vốn đầu tư 8.100 tỷ đồng nhưng vẫn chưa thể hoạt động; Dự án tiêu thoát lũ sông Nhơm, tỉnh Thanh Hóa. Với tổng mức vốn đầu tư dự kiến 642 tỷ đồng, tuy nhiên sau 8 năm triển khai thực hiện, dự án này vẫn “án binh bất động”, nhiều hạng mục công trình còn dang dở.
Sự lãng phí không chỉ nằm ở dự án “đắp chiếu”, dự án chậm tiến độ cũng gây nên hậu quả nặng nề không kém. Việc chậm đưa các công trình, dự án vào hoạt động dẫn đến vốn đầu tư sẽ bị đội lên một cách thiếu kiểm soát đồng nghĩa với việc chậm khai thác hiệu quả hoạt động của công trình, dự án.
Điển hình, một dự án rất lớn của Hà Nội được dư luận quan tâm và bức xúc đó là dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt năm 2009, dự án với tổng mức đầu tư hơn 550 triệu USD (gần 8.800 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước. Sau đó, tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng lên 868 triệu USD (18.000 tỷ đồng). Nhưng, sau 8 lần lỗi hẹn (tháng 6/2015; 6/2016; cuối quý II/2017; đầu năm 2018; quý IV/2018; tháng 9/2018; Tết âm lịch Kỷ Hợi; 30/4/2019), dự án vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Sự chậm trễ này khiến mỗi năm thành phố Hà Nội vẫn phải trả lãi vay gần 300 tỷ đồng cho vận hành dự án.
Hay như dự án nạo vét, kè đá 2 bờ sông Sào Khê được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt từ năm 2001, qua nhiều lần điều chỉnh vốn từ dự án có tổng mức đầu tư ban đầu chỉ 72 tỷ đồng, sau đó đã tăng lên gấp 36 lần, tương đương 2.595 tỷ đồng. Đây là dự án từng được dư luận, đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm vì tốc độ đội vốn “nhảy vọt”.
Tăng cường quản lý các dự án đầu tư công
Thời gian qua, nhiều đề xuất, giải pháp nhằm hạn chế, ngăn ngừa dàn trải, lãng phí trong quản lý đầu tư xây dựng đã được các cấp, bộ, ngành triển khai, thực hiện. Trong đó, với Đề án Hoàn thành hệ thống định mức, giá xây dựng, Bộ Xây dựng đã chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan soạn thảo và trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định thay thế: Nghị định số 32/2015/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng, đang trình Thủ tưởng Chính phủ. Sau khi được thông qua, Bộ Xây dựng sẽ ban hành 15 thông tư hướng dẫn.
Hiện, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung rà soát định mức xây dựng đã công bố. Riêng Bộ Xây dựng đã rà soát loại bỏ 1.005 mức, sửa đổi 3.289 mức, bổ sung 1.120 mức; ở phần định mức hạ tầng kỹ thuật đô thị, đã rà soát 349/349 định mức, sửa 168 mức; ở phần suất vốn đầu tư, giá bộ phận kết cấu, đã rà soát, kiểm tra, đánh giá 596 tổng số suất vốn đầu tư, giá bộ phận kết cấu.
Đồng thời, xây dựng 13 phương pháp lập định mức, giá xây dựng và dịch vụ đô thị theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế; xây dựng cơ sở dữ liệu giá thị trường.
Giai đoạn 2 (từ năm 2019 đến năm 2021), triển khai xây dựng toàn bộ hệ thống định mức và giá xây dựng theo các phương pháp mới; Phổ biến, truyên truyền, hướng dẫn các chủ thể liên quan, bao gồm cả cơ quan quản lý Nhà nước về các nội dung của Đề án để Đề án đi vào thực tiễn.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Đề án đưa vào thực hiện là cuộc cách mạng trong quản lý đầu tư xây dựng, sẽ góp phần nâng cao quản lý các dự án công, hạn chế đội vốn, nâng cao năng suất ngành xây dựng, tạo được thị trường xây dựng minh bạch, cạnh tranh, chống thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng…
Bên cạnh đó, để không xảy ra những dự án nghìn tỷ bỏ hoang, các dự án kém chất lượng, hạn chế, ngăn ngừa tình trạng lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ phải sớm chỉ đạo xây dựng và công bố công khai bộ tiêu chí đánh giá và xếp thứ tự ưu tiên lựa chọn các dự án đầu tư đưa vào danh mục đầu tư công và phân bổ vốn đầu tư.
Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, năng lực chuyên môn của những chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng; cần làm rõ chế độ trách nhiệm trong đầu tư công đối với từng loại chủ thể trong từng giai đoạn từ khâu thẩm định, phê duyệt, triển khai dự án thì sẽ hạn chế và không còn xảy ra đầu tư dàn trải, lãng phí…
Linh Anh
Theo