(Xây dựng) – Trong 2 ngày 22-23/9, Bộ Công Thương, Đại sứ quán Đan Mạch, Ngân hàng Thế giới và Cục Điện Lực Đan Mạch đồng tổ chức Hội nghị “Lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam”.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Hội nghị được tổ chức trực tiếp ở Hà Nội và trực tuyến giữa Hà Nội, Copenhagen và một số điểm cầu khác trên thế giới, đã thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà hoạch định chính sách và quản lý ngành của Việt Nam ở cấp trung ương và cấp tỉnh, các chuyên gia trong nước và quốc tế, các chuỗi cung ứng và khu vực tư nhân trong ngành Công nghiệp điện gió ngoài khơi.
Ngày 22/9, Hội nghị đã trình bày nghiên cứu và đề xuất các khuyến nghị về lộ trình phát triển ngành điện gió ngoài khơi với Chính phủ Việt Nam. Các nghiên cứu và khuyến nghị này được đưa ra khi Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia 8 phác họa lộ trình phát triển ngành Điện Việt Nam 10 năm tới và định hướng đến năm 2045 đang ở giai đoạn hoàn thiện.
Với tiềm năng to lớn, ước tính khoảng 160GW trong vòng 5-100km tính từ bờ, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi. Bờ biển dài, các nguồn gió dồi dào là những yếu tố then chốt để ngành Công nghiệp xanh này phát triển và sản xuất ra nguồn điện xanh với giá hấp dẫn đồng thời tạo thêm nhiều việc làm và thu hút đầu tư. Các nghiên cứu do Cục Năng lượng Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới thực hiện cũng khuyến nghị rằng từ nay đến năm 2030, Việt Nam có thể đưa vào vận hành 10GW điện gió ngoài khơi.
Tại Hội nghị này, những nghiên cứu trong nhiều khía cạnh khác nhau như đánh giá tiềm năng, đánh giá về khả năng truyền tải, năng lực chuỗi cung ứng nội địa, những cơ hội, thách thức trong việc phát triển điện gió ngoài khơi, những kinh nghiệm về chính sách, hệ thống quản lý ngành từ các nước có ngành Công nghiệp điện gió ngoài khơi phát triển... cũng như khuyến nghị liên quan đến lộ trình phát triển lĩnh vực điện gió ngoài khơi đã được các chuyên gia trình bày, thảo luận để tiếp tục hoàn thiện báo cáo và đệ trình lên Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới.
Kết quả của Hội nghị sẽ là thông tin đầu vào quan trọng cho việc hình thành các mục tiêu chính sách trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia 8 của Việt Nam, cơ sở chính sách quan trọng nhất để phát triển ngành Năng lượng của Việt Nam cho giai đoạn 10 năm tới với tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương chia sẻ: “Chính phủ Việt Nam luôn cam kết phát triển ngành Năng lượng bền vững và thời điểm này có ý nghĩa quan trọng với Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia 8 đang được Bộ Công Thương xây dựng. Do đó, chúng tôi đánh giá cao những ý kiến tư vấn và khuyến nghị của Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới - những đối tác truyền thống của Việt Nam và đi trước chúng tôi rất nhiều về hiểu biết cũng như kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo”.
Tại Hội nghị, Cục Năng lượng Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới đã trình bày những khuyến nghị chính trong báo cáo “Các nghiên cứu đầu vào cho Lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam”. Báo cáo tổng hợp những kết quả phân tích định lượng trên nhiều nguồn dữ liệu bao gồm việc lập bản đồ xác định tiềm năng và lựa chọn địa điểm, tính toán giá điện quy dẫn (LCOE) và phân tích lưới truyền tải điện, cùng với những thông tin bổ sung liên quan đến quy định pháp luật, cấp phép, các cơ chế khuyến khích, và những thành phần của chuỗi cung ứng từ đó đề xuất khuyến nghị cho phát triển ngành.
Ông Kim Højlund Christensen - Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho biết: “Khi Việt Nam đã xác định sẽ chuyển đổi ngành Năng lượng theo hướng xanh, điện gió ngoài khơi chắc chắn là một trong những lựa chọn hiệu quả nhất và điều này đã được chứng minh ở nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Đan Mạch. Ngành Công nghiệp điện gió phát triển sẽ không chỉ là nguồn cung cấp năng lượng sạch và góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu mà còn tạo ra một số lượng lớn việc làm cho người dân địa phương đồng thời tạo ra nền kinh tế biển mới và thu hút nguồn đầu tư lớn. Tất nhiên chính phủ Việt Nam là người đưa ra các quyết định cuối cùng cho tiến trình này nhưng Đan Mạch, với tư cách là đối tác lâu dài và gần gũi với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, luôn muốn chia sẻ với Việt Nam những kiến thức, kinh nghiệm và bài học thành công thu được từ quá trình 30 năm phát triển điện gió ngoài khơi, như chúng tôi đã làm tại Hội nghị này”.
Ông Anton Beck - Giám đốc Hợp tác toàn cầu, Cục Năng lượng Đan Mạch cho biết thêm: “Tua bin điện gió ngoài khơi là loại hình công nghệ năng lượng tái tạo mạnh nhất khi chỉ cần một tua bin 8MW có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện hàng năm cho 43.000 hộ gia đình của Việt Nam. Chúng tôi rất vui được chia sẻ kinh nghiệm của Đan Mạch về điện gió ngoài khơi với những đối tác Việt Nam gần gũi của chúng tôi. Ngành Công nghiệp điện gió ngoài khơi ở Việt Nam đã khởi động được một thời gian và các đối tác Việt Nam luôn khao khát thúc đẩy ngành công nghiệp này không những phát triển nhanh mà còn phải đi đúng hướng”.
Ngân hàng Thế giới đã thực hiện nhiều nghiên cứu chứng minh lợi ích kinh tế của điện gió ngoài khơi ở quy mô công suất lên đến 10GW vào năm 2030. Quy mô công suất này có thể tạo ra từ 190 -700 nghìn năm làm việc cho người lao động. Vì vậy, điều quan trọng cần làm là tính toán và cân nhắc đưa các yếu tố này vào trong quá trình xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia 8.
Hội nghị cũng đề cập đến một loạt các vấn đề được quan tâm trong phát triển điện gió ngoài khơi, từ góc nhìn của các nhà phát triển dự án đến chuỗi cung ứng và mối quan tâm của các nhà đầu tư. Các trao đổi thảo luận trong hội nghị đã cung cấp một bức tranh toàn cảnh về tương lai của điện gió ngoài khơi Việt Nam.
Khánh Hòa – Quý Anh
Theo