Thứ ba 30/04/2024 05:24 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đầm Hà (Quảng Ninh): Đạt nông thôn mới nâng cao đầu tiên toàn quốc, huyện nói gì?

10:10 | 23/02/2024

(Xây dựng) - Tối 23/2, huyện Đầm Hà sẽ long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng vinh danh và Quyết định số 156/QĐ-TTr ngày 06/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao năm 2022. Đây là địa phương cấp huyện đầu tiên của cả nước đạt danh hiệu NTM nâng cao, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Vĩnh Khuyến cho biết: Kết quả NTM nâng cao là động lực để huyện Đầm Hà phấn đấu xây dựng NTM kiểu mẫu năm 2025.

Đầm Hà (Quảng Ninh): Đạt nông thôn mới nâng cao đầu tiên toàn quốc, huyện nói gì?
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký thăm hỏi, chúc Tết Giáp Thìn dân bản xã vùng cao hẻo lánh của huyện Đầm Hà.

Đầm Hà là huyện miền núi, ven biển nằm cách thành phố Hạ Long trung tâm của tỉnh Quảng Ninh 120km về phía Bắc. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt 72,32 triệu đồng/người, trong đó khu vực nông thôn đạt 70,15 triệu đồng/người; khu vực đô thị đạt 93,70 triệu đồng/người). Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 18 hộ = 0,16%; hộ cận nghèo còn 126 hộ =1,13%. Năm 2022, không có hộ phát sinh và tái nghèo, không có hộ tái cận nghèo. 100% xã đạt 19/19 tiêu chí, 75/75 chỉ tiêu NTM nâng cao.

Đầm Hà vinh dự đón nhận Bằng vinh danh và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Theo đó, huyện đề ra mục tiêu xây dựng NTM kiểu mẫu năm 2025. Xây dựng huyện đạt tiêu chí NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông dân giàu có, nông thôn văn minh đảm bảo tiêu chí “sáng - xanh - sạch - đẹp” gắn với xây dựng thôn kiểu mẫu, vườn kiểu mẫu; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Năm 2025, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng gấp 2 lần so với năm 2020.

Đầm Hà (Quảng Ninh): Đạt nông thôn mới nâng cao đầu tiên toàn quốc, huyện nói gì?
Quyết định số 156/QĐ-TTr ngày 06/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022.

Mục tiêu cụ thể xây dựng NTM đến năm 2025

Huyện Đầm Hà đã đề ra 8 mục tiêu cụ thể, xây dựng NTM năm 2025. (1) cấp huyện, phấn đấu đạt tiêu chí huyện NTM kiểu mẫu năm 2025; (2) cấp xã đạt tiêu chí NTM kiểu mẫu; (3) cấp thôn 60/60 thôn đạt chuẩn NTM, trong đó 20/60 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu; xây dựng 6 mô hình thôn thông minh tại các xã Quảng Tân, Đầm Hà, Tân Bình, Dực Yên, Tân Lập và Đại Bình; (4) chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 2 lần so với năm 2020; (5) Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 0,1%; (6) Phát triển mới ít nhất là 05 tổ chức kinh tế là doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP (HTX Khánh Đan; Công ty Quế Hồi Quảng Ninh; HTX DVNN Thắng Huệ; HTX nông nghiệp hữu cơ Thành Đạt, HTX Mật ong rừng Ba Nhất).

(7) Phát triển mới ít nhất 7 sản phẩm (tập trung đa dạng hóa và chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi sản phẩm chủ lực cấp huyện, tỉnh, quốc gia và các sản phẩm thế mạnh khác (sản phẩm Quế thanh; sản phẩm Bột quế; sản phẩm chả mực; sản phẩm chả cá - mực Khánh Đan; sản phẩm Ngan sao; sản phẩm Mật ong rừng Ba Nhất; sản phẩm Dưa lê ĐH GreenFarm); (8) Công nhận/chứng nhận mới ít nhất 8 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3-5 sao cấp tỉnh (sản phẩm Dưa lưới và Dưa lê Hàn Thành Đạt; sản phẩm củ cải phơi dây và củ cải phên Thành Mến; sản phẩm Khoai lang Xóm Giáo; sản phẩm Hàu sữa Đầm Hà; rượu củ cải Quý Chuẩn; củ cải ăn liền); phấn đấu có ít nhất 1 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao cấp quốc gia (sản phẩm xuất khẩu).

Đầm Hà (Quảng Ninh): Đạt nông thôn mới nâng cao đầu tiên toàn quốc, huyện nói gì?
Huyện Đầm Hà chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng nâng cấp đô thị.

Nhiệm vụ trọng tâm

Các xã tiếp tục huy động các nguồn lực để nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, NTM nâng cao theo Bộ Tiêu chí xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021- 2025 cụ thể:

Về quy hoạch, tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch, quản lý các quy hoạch theo quy chế. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng NTM của các xã phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050. Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thực hiện quản lý theo quy hoạch.

Về giao thông, tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn; phân cấp nhiệm vụ quản lý, duy tu, bảo dưỡng, bảo trì hệ thống đường giao thông nông thôn các xã; lập kế hoạch cân đối, bố trí ngân sách cho công tác quản lý bảo trì giao thông nông thôn từ nguồn ngân sách địa phương. Hoàn thiện hệ thống biển báo giao thông, quản lý tốt tải trọng phương tiện tại các tuyến đường; tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ và vận động người dân chấp hành Luật, ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông. Phân cấp nhiệm vụ quản lý, duy tu, bảo dưỡng, bảo trì hệ thống đường giao thông nông thôn các xã; lập kế hoạch cân đối, bố trí ngân sách cho công tác quản lý bảo trì giao thông nông thôn từ nguồn ngân sách huyện. Hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông (biển báo, biển chỉ dẫn, hộ lan, chiếu sáng, gờ giảm tốc...), quản lý tốt tải trọng phương tiện tại các tuyến đường; tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ và vận động người dân chấp hành Luật, ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông; Đầu tư, nâng cấp bến xe khách tại phía Nam cầu Khe Tiên. Hàng năm, rà soát bố trí nguồn lực sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường giao thông bị xuống cấp. Sử dụng hiệu quản nguồn kinh phí bảo trì các tuyến đường trục xã, liên xã trên địa bàn huyện.

Đầm Hà (Quảng Ninh): Đạt nông thôn mới nâng cao đầu tiên toàn quốc, huyện nói gì?
Hồ Đầm Hà Động dung tích 14,310 triệu m3 nước, lưu vực 68,500km2, rừng đầu nguồn 5.811,5ha, trong đó có 3.467,5ha rừng phòng hộ, 2.849,3ha rừng tự nhiên.

Về Thủy lợi và phòng, chống thiên tai, tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi theo tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cấp cống nội đồng; sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí sửa chữa nhỏ các công trình; Làm tốt công tác quản lý, vận hành hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất, dân sinh và phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.

Điện thắp sáng, phối hợp với ngành Điện để đầu tư nâng cấp hệ thống cấp điện trên địa bàn huyện đảm bảo an toàn theo đúng yêu cầu kỹ thuật của ngành Điện và theo hướng dẫn của Bộ Công Thương tại Quyết định số 2332/QĐ-BCT ngày 07/11/2022 về việc hướng dẫn thực hiện và xét công nhận Tiêu chí điện trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Duy trì đảm bảo 100% số hộ có đăng ký trực tiếp và và được sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất đảm bảo an toàn, tin cậy và ổn định.

Về Y tế - Văn hóa - Giáo dục, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân; thực hiện tốt thông tuyến và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong khám, phòng và chữa bệnh, liên thông công nhận kết quả khám, xét nghiệm, quản lý hồ sơ sức khỏe toàn dân. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển các dịch vụ y tế chất lượng cao. Duy trì, nâng cao chất lượng chuẩn quốc gia về y tế xã, giữ vững mức sinh thay thế, duy trì tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên ở mức hợp lý.

Thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân: Đến hết năm 2025 đạt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân trên 98,5% dân số. Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho Trạm Y tế xã, Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà. Rà soát đánh giá lại hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, xác định các công trình, hạng mục cần thiết phải đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa, đầu tư các hạng mục phụ trợ, trang thiết bị âm thanh, loa máy... xây dựng kế hoạch đưa vào ngân sách địa phương để triển khai đồng bộ.

Tăng cường sự quản lý các thiết chế văn hóa sau khi được đầu tư xây dựng, khai thác hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu nguyện vọng của người dân, làm tốt công tác quy hoạch đất, quyền sử dụng đất cho xây dựng các thiết chế văn hóa đảm bảo diện tích theo chức năng của từng thiết chế. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến việc bảo tồn các di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện Đầm Hà.

Nâng cao chất lượng các phong trào, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, khu phố văn hóa”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”... Triển khai rộng khắp việc thực hiện hương ước, quy ước, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án phát triển du lịch huyện Đầm Hà đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030.

Tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trường học; giữ vững đạt chuẩn và tiếp tục nâng chuẩn cho các trường trên địa bàn huyện. Tiếp tục đào tạo, chuẩn hóa chất lượng đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng dạy học đạt chuẩn. Chỉnh trang làm đẹp cảnh quan, môi trường các trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn. Chú trọng việc đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên phổ thông nhất là giáo viên cấp THCS theo hướng đáp ứng chuẩn nghề nghiệp. Đổi mới công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển nhằm nâng cao chất lượng cũng như khả năng thích ứng của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý.

Từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, hình thức dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, chuyển mạnh từ dạy học định hướng nội dung sang dạy học định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học. Duy trì vững chắc và từng bước nâng cao kết quả phổ cập giáo dục - xóa mù chữ cấp xã, từ đó nâng cao kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục - xóa mù chữ cấp huyện. Huy động tối đa học sinh trong độ tuổi ra lớp; coi trọng công tác duy trì sĩ số; làm tốt công tác dự báo dân số độ tuổi…

Tăng cường đổi mới công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng sau tốt nghiệp trung học cơ sở; thực hiện liên thông giữa giáo dục thường xuyên với giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu nhân lực của địa phương. Thực hiện tốt chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng, tay nghề cao; đẩy mạnh đào tạo gắn với thực hành và nhu cầu sử dụng trên địa bàn; kết nối với trường đại học có uy tín và doanh nghiệp, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực theo nhu cầu phát triển. Xây dựng xã hội học tập, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ bậc trung học cơ sở.

Nâng cao chất lượng dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, ưu tiên vùng dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách. Phát triển nguồn nhân lực phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trong đó lấy nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông làm nền tảng; lấy đào tạo nghề, đào tạo lao động chất lượng cao làm khâu đột phá; lấy nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị là nhân tố quyết định.

Đầm Hà (Quảng Ninh): Đạt nông thôn mới nâng cao đầu tiên toàn quốc, huyện nói gì?
Tuyến đường thôn Trại Dinh xã Đầm Hà.

Về phát triển kinh tế, tiếp tục tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu; hình thành chuỗi sản xuất hàng hóa với giá trị gia tăng cao. Đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển nông nghiệp toàn diện, gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Mở rộng sản xuất nông nghiệp sạch, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ với sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp, hợp tác xã gắn với du lịch, dịch vụ, chế biến hiện đại, từ đó nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm, phát triển bền vững.

Tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng chợ nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, kinh doanh của nhân dân. Đầu tư xây dựng hạ tầng các khu dân cư tập trung, các điểm dân cư. Kiên trì, tập trung thực hiện hiệu quả chủ trương phát triển bền vững các loại cây trồng chiến lược, lợi thế của huyện Đầm Hà. Đẩy mạnh phát triển thủy sản theo hướng nâng cao hiệu quả nuôi trồng, gắn với khai thác và bảo vệ bền vững nguồn lợi thủy sản. Tiếp tục đầu tư hạ tầng (điện, nước, giao thông) phát triển vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ quy hoạch, tích lũy nguồn lực để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư có năng lực vào địa bàn.

Đẩy mạnh thực hiện liên kết 4 nhà “Nhà nông - Nhà doanh nghiệp - Nhà khoa học - Nhà nước” gắn với phát triển sản phẩm OCOP Đầm Hà. Phấn đấu năm 2025, thu nhập tại khu vực nông thôn tăng gấp 2 lần so với năm 2020. Thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn huyện Đầm Hà. Tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ quản lý và tổ chức sản xuất cho các hợp tác xã. Xây dựng các mô hình liên kết sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương trong thời gian tới (gỗ, quế, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi công nghệ cao, cây ăn quả và các sản phẩm đặc sản địa phương OCOP khác).

Khuyến khích xã hội hóa trong việc đầu tư, nâng cấp, cải tạo các điểm dừng chân, phát triển các trung tâm thương mại, các nhà hàng, các cửa hàng bán các sản phẩm OCOP theo hiện đại, hướng chuẩn hóa. Đẩy mạnh hoạt động chiêu thương, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm huyện Đầm Hà có thế mạnh, lợi thế phát triển. Quản lý khai thác hiệu quả hệ thống chợ trên địa bàn huyện (chợ Trung tâm huyện Đầm Hà, chợ xã Quảng Lâm, chợ xã Quảng An, chợ xã Dực Yên) và Trung tâm OCOP huyện Đầm Hà.

Về môi trường, tập trung xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn, hàng năm duy trì phát động cuộc thi tuyến đường kiểu mẫu, khuyến khích tạo điều kiện phát triển các tuyến đường kiểu mẫu mới với cảnh quan nông thôn đặc sắc; tăng cường công tác bảo vệ rừng, trồng rừng, đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng luôn đạt trên 58%; diện tích cây xanh công cộng đạt bình quân trên 7 m2/người. Thực hiện phân loại các chất thải tại nguồn, nhất là rác thải sinh hoạt. Tăng cường năng lực thu gom, thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tối đa việc chôn lấp rác thải. Tập trung xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế. Tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích mạnh mẽ hơn các doanh nghiệp đầu tư xử lý chất thải rắn, nước thải, xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; Tăng cường năng lực quan trắc, giám sát, cảnh báo ô nhiễm môi trường; Tăng cường kiểm tra, vận động các cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất - kinh doanh thực hiện đầy đủ các cam kết về bảo vệ môi trường theo phương án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt. Hoàn thành đầu tư xây dựng công trình khu xử lý nước thải sinh hoạt tập trung với công suất 160m3/ngày đêm tại phố Chu Văn An, huyện Đầm Hà.

Về chất lượng môi trường sống, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục chính sách pháp luật về đất đai, tài nguyên và môi trường; nâng cao nhận thức cộng đồng, hình thành về ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường gắn với thực hiện hiệu quả phong trào “Chống rác thải nhựa”, “Đề án phân loại và xử lý rác thải hộ gia đình”, Chương trình “Đường hoa - Tranh tường - Cảnh quan môi trường, thôn, khu phố, trường học, trạm y tế, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”.

Thực hiện phân loại các chất thải tại nguồn, nhất là rác thải sinh hoạt. Thường xuyên phát động và tổ chức phong trào toàn dân làm vệ sinh môi trường. Tổ chức trồng cây xanh, trồng hoa và lắp đặt hệ thống đường điện chiếu sáng trên các tuyến đường, ngõ xóm. Tuyên truyền vận động hộ chăn nuôi xây dựng bể biogas và sử dụng đệm lót trong chăn nuôi. Tuyên truyền, vận động nhân dân đấu nối sử dụng nước sạch 100% đối với các xã vùng thấp và trên 65% đối với các xã vùng cao.

Đầm Hà (Quảng Ninh): Đạt nông thôn mới nâng cao đầu tiên toàn quốc, huyện nói gì?
Đầm Hà là huyện miền núi, ven biển nằm cách thành phố Hạ Long trung tâm của tỉnh Quảng Ninh 120km về phía Bắc.

Về an ninh, trật tự - hành chính công, thường xuyên quán triệt các quan điểm của Đảng về mục tiêu, nhiệm vụ, phương thức bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trọng tâm là tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, phát huy hiệu quả sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng - quân sự địa phương. Xây dựng lực lượng quân đội, công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng làm nhiệm vụ. Làm tốt công tác tuyển quân; nâng cao chất lượng huấn luyện, duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu và khả năng phối hợp, hiệp đồng tác chiến của lực lượng vũ trang khi có tình huống về quốc phòng, an ninh.

Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh. Chủ động nắm chắc, ngăn chặn, vô hiệu hóa các tổ chức phản động, các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị. Tăng cường đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình”, gắn với chống “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa”. Tăng cường công tác bảo vệ bí mật Nhà nước. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh. Chú trọng giải quyết các vấn đề về dân tộc, tôn giáo, an ninh nông thôn, an ninh mạng, an ninh môi trường; nâng cao cảnh giác, chủ động đấu tranh phòng, chống tội phạm, không để hình thành “điểm nóng”.

Giảm thiểu tai nạn giao thông; quản lý tốt hoạt động về tôn giáo, tín ngưỡng đảm bảo tự do tín ngưỡng theo khuôn khổ của pháp luật, không để lợi dụng gây mất trật tự xã hội. Chuẩn hóa quy trình đối với TTHC cấp huyện, cấp xã, đáp ứng tiêu chuẩn ISO 9000:2015 và được thực hiện trên nguyên tắc 5 tại chỗ (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả). Nâng cao tỷ lệ thủ tục hành chính được giải quyết mức độ 4 từ huyện đến xã.

Giải pháp thực hiện

Huyện đề ra 5 giải pháp thực hiện, gồm: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền xây dựng NTM bền vững tới cấp ủy, chính quyền và người dân; Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở; Đẩy mạnh phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân; Phát động, nhân rộng các phong trào thi đua; Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa - xã hội và các công trình hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh; tăng cường đảm bảo an ninh trật tự; tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Vũ Phong Cầm

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load