(Xây dựng) - Trong thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã làm các công tác giảng dạy trong cả nước bị đình trệ, mặc dù vậy, Trường Đại học Xây dựng vẫn luôn cố gắng để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra. Trong đó phải kể đến công tác hiện thực hóa kế hoạch đào tạo mới theo CDIO giúp cho việc nâng cao chất lượng đào tạo đại học.
PGS.TS. Phạm Duy Hòa - Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng phát biểu tại buổi lễ hiện thực hóa kế hoạch đào tạo mới theo CDIO. |
CDIO là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Conceive – Design – Implement – Operate, có nghĩa là: hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành, khởi nguồn từ Viện Công nghệ MIT (Hoa Kỳ). Cho đến nay, mô hình này được các trường đại học, cao đẳng trên thế giới áp dụng ngày càng nhiều. Về bản chất, CDIO là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra, từ đó thiết kế chương trình và kế hoạch đào tạo. Quy trình này được xây dựng một cách khoa học, hợp lý, logic, có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau.
CDIO hiện được xem như là một sáng kiến mới cho giáo dục, một hệ thống phương pháp, hình thức tích lũy kiến thức, kỹ năng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo đại học nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, xã hội.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tiếp cận CDIO trong xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo đại học các ngành kỹ thuật đang trở thành một cách tiếp cận hiện đại, được áp dụng tại nhiều trường đại học tiên tiến trên thế giới. Hướng tiếp cận này đặc trưng bởi sự kết hợp chặt chẽ giữa trường đại học và doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Để đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế, chú trọng đến chất lượng đào tạo. Trường Đại học Xây dựng đã sớm tiếp cận CDIO và tích cực phát triển các chương trình hợp tác đào tạo quốc tế và đào tạo ngắn hạn. Nhờ đó công tác quản lý sinh viên được cải tiến, nâng cao tính hiệu quả rõ rệt.
Trường Đại học Xây dựng có nhiều chương trình liên kết, trao đổi quốc tế với các nước như Italy, Tây Ban Nha, Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc... Chính vì vậy, nhà trường hiện đang chú trọng đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên. Điển hình, ngành Kiến trúc và Xây dựng hiện nay đã thiết kế những chương trình đặc biệt được giảng dạy bằng tiếng Anh và tiếng Pháp.
Ngoài ra, sinh viên năm thứ 3 sẽ học các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp với giảng viên chất lượng cao và giàu kinh nghiệm. Sinh viên cũng bảo vệ đồ án tốt nghiệp bằng ngoại ngữ mà mình đăng ký và được trường cấp chứng chỉ đào tạo chương trình hệ Anh ngữ hoặc Pháp ngữ. Chương trình tiếng Pháp được bảo trợ bởi Tổ chức ĐH Pháp ngữ (AUF) và bằng cấp công nhận bởi tất cả quốc gia thuộc Hệ thống Pháp ngữ.
Thời gian gần đây, để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên có cơ hội phát triển trong môi trường hội nhập và quốc tế, Trường Đại học Xây dựng đã kết hợp đào tạo kiến thức, kỹ năng chuyên môn với đào tạo ngoại ngữ là một trong những ưu tiên hàng đầu của trường.
Nếu trước đây nhà trường chỉ kết nối với các doanh nghiệp và hướng nghiệp cho sinh viên thông qua các hoạt động ngoại khóa thì nay với CDIO, việc định hướng nghề cho sinh viên được tích hợp ngay trong chương trình đào tạo, giúp các em có những trải nghiệm thực tiễn và tăng cơ hội tìm kiếm việc làm sau này.
Với công tác xây dựng chương trình đào tạo mới theo tiếp cận CDIO này. Công tác xây dựng chương trình đào tạo đại học theo tiếp cận CDIO đã được khẩn trương thực hiện một cách nhanh nhất. Nhà trường cho đây là nhiệm vụ trọng tâm, mang tính quyết định theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế. Với quyết tâm cao, nhà trường đã đạt được một số kết quả đáng chú ý, đồng thời hoàn thành chương trình đào tạo tích hợp và đưa vào tuyển sinh 17 ngành/chuyên ngành từ năm học 2019 - 2020.
PGS.TS. Phạm Duy Hoà - Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng nhấn mạnh: “Việc thành lập mạng lưới kết nối nhà trường – doanh nghiệp ngành Nước, mở đầu bằng ký kết thoả thuận chính thức với 15 doanh nghiệp là vô cùng quan trọng, phù hợp với chiến lược của nhà trường trong việc từng bước hiện thực hóa cách tiếp cận và công nghệ đào tạo theo CDIO (Conceive – Design – Implement – Operate hay Hình thành ý tưởng – thiết kế – triển khai – vận hành), góp phần nâng cao chất lượng đào tạo với chuẩn đầu ra, đáp ứng yêu cầu thực tế, để kỹ sư sau khi ra trường có thể bắt tay vào làm việc được ngay mà không bị bỡ ngỡ.
Để đạt được thành tích đáng nể trên trong đại dịch Covid-19, Trường Đại học Xây dựng dưới sự lãnh đạo tận tâm, sáng suốt của Hiệu trưởng PGS.TS Phạm Duy Hoà và sự nỗ lực đồng lòng của tập thể cán bộ giảng viên của trường, đã đưa mái trường Đại học Xây dựng ngày một phát triển hơn nữa và đào tạo nên những trí thức chất lượng cho đất nước.
Hạ Ly
Theo