(Xây dựng) - Ngập úng đô thị hiện nay là vấn đề lớn, phức tạp, nan giải của các thành phố lớn trên cả nước, trong khu vực và trên thế giới. Tại Đà Nẵng, ngập úng đô thị cũng là vấn đề nan giải đối với chính quyền trong thời gian qua, nhất là sau trận mưa lịch sử ngày 14/10/2022, nhiều ý kiến của cử tri thành phố đã và đang quan tâm, quan ngại và đặt nhiều câu hỏi, ý kiến đề nghị các cấp chính quyền quan tâm giải quyết, xử lý thoát nước chống ngập úng, đó là: nguyên nhân chính gây ngập úng cục bộ trong nội thành, khu vực trung tâm thành phố hiện nay là gì? Công tác quy hoạch, thiết kế, thi công, quản lý vận hành hạ tầng thoát nước có vấn đề hạn chế, vướng mắc, bất cập gì không? Công tác triển khai kế hoạch của UBND thành phố ban hành năm 2019 về phát triển và quản lý hạ tầng thoát nước đô thị trong thời gian qua ra sao? Đánh giá, dự báo và kế hoạch ứng phó trong thời gian đến như thế nào? Đâu là giải pháp cấp thiết, khả thi trong bối cảnh nguồn lực để đầu tư xây dựng, quản lý vận hành hệ thống thoát nước nói chung và thoát nước mưa nói riêng còn hạn chế…
Trận mưa lịch sử ngày 14/10/2022 cả thành phố Đà Nẵng chìm trong biển nước, người dân và chính quyền thành phố không kịp trở tay đối với trận mưa lịch sử này. |
Đối với vấn đề này, Báo điện tử Xây dựng đã có những trao đổi với kỹ sư Lê Tùng Lâm - Bí thư quận ủy quận Thanh Khê, Tổ trưởng Tổ Đại biểu Thanh Khê.
Theo kỹ sư Lê Tùng Lâm - Bí thư Quận ủy quận Thanh Khê, Tổ trưởng Tổ Đại biểu Thanh Khê chia sẻ: Ứng phó phù hợp đối với vấn đề ngập úng khu vực nội thành, trung tâm thành phố trong bối cảnh khí hậu, thời tiết cực đoan hiện đang là một trong những vấn đề thách thức hiện nay đối với thành phố Đà Nẵng. Kết quả thảo luận, đánh giá của các cuộc Hội thảo khoa học cấp quốc gia về thoát nước đô thị trên cả nước hơn 15 năm qua cho thấy có 4 nhóm nguyên nhân chủ quan chính gây ra tình trạng ngập úng đô thị hiện nay, đó là: Vấn đề quy hoạch, chỉnh trang và phát triển đô thị còn nhiều bất cập. Tiến độ cải tạo, nâng cấp công trình, hạng mục cũ và đầu tư xây dựng công trình,hạng mục mới của hệ thống thoát nước là chậm hơn tốc độ phát triển đô thị, đặc biệt là khu vực trung tâm thành phố, đô thị cũ hiện hữu. Việc chuyển đổi, thích nghi trong nhận thức, hành động về cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống thống thoát nước đô thị nhằm ứng phó biến đổi khí hậu và thiên tai cực đoan còn nhiều vướng mắc, chưa đạt yêu cầu. Nguồn lực và năng lực quản lý đô thị, kiểm soát sự phát triển đô thị nói chung và quản lý vận hành hệ thống thoát nước đô thị nói riêng, tuy có tiến bộ và đạt nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn bất cập, hạn chế so với yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Để khắc phục và hạn chế tối đa thiệt hại do ngập úng gây ra, kỹ sư Lê Tùng Lâm đề xuất một số giải pháp chính nhằm góp phần giải bài toán Ứng phó phù hợp đối với vấn đề ngập úng khu vực nội thành, trung tâm thành phố trong bối cảnh khí hậu, thời tiết cực đoan. Theo đó, đề xuất, về nguyên tắc, để khắc phục và hạn chế tối đa thiệt hại do ngập úng gây ra cần triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, đồng bộ, lâu dài để khắc phục 4 nhóm nguyên nhân chính chủ quan nêu trên. Tuy nhiên nó đòi hỏi nguồn lực và thời gian rất lớn,rất nhiều,không thể đáp ứng ngay kỳ vọng, trông đợi, yêu cầu của nhân dân, cử tri. Vì vậy trước mắt thành phố cần ưu tiên tập trung nghiên cứu xử lý ngập úng cục bộ tại khu vực trung tâm thành phố, khu vực đô thị cũ hiện hữu, nơi mà đã có hệ thống thoát nước mưa đa phần là cũ, xuống cấp, khó dung nạp chuyển tải lượng mưa trong tình huống thiên tai, mưa bão cực đoan.
Cách tiếp cận, quan điểm và giải pháp chính hiện nay về thoát nước đô thị, ứng phó với ngập úng đô thị hiện nay thì chúng ta đã biết, nguồn lực, kinh phí, thời gian triển khai thực hiện việc nâng cấp, cải tạo, đầu tư xây dựng các hạng mục, công trình thoát nước đô thị là rất nhiều, rất lớn. Cụ thể, theo như kế hoạch của thành phố đã đề ra, để triển khai các hạng mục, công trình quan trọng, cấp thiết trước mắt, trong 5 năm thành phố cần tốn kinh phí khoảng 5.500 tỷ đồng. Để đáp ứng yêu cầu thoát nước đô thị hiện nay trong tình hình hình nguồn lực hạn chế trong bối cảnh khí hậu thời tiết cựa đoan chúng ta cần tiếp cận quan điểm và hành động theo hướng thoát nước bền vững hay còn gọi là thoát nước chậm. Ứng phó hiệu quả cần triển khai các giải pháp khả thi, phù hợp và đồng bộ. Đồng bộ cả về nhận thức, ý thức và hành động, rất cần sự chung tay của các chủ thể, tầng lớp trong xã hội.
Ứng phó ngập úng hiệu quả thì mỗi người, mỗi nhà cần phải có biết Bản đồ ngập úng của thành phố, địa phương, khu dân cư của mình. Phải xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó với các nội dung,nhiệm vụ rất cụ thể và khả thi, để từng tổ chức, cá nhân dễ biết, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Bên cạnh đó, để khắc phục ngập úng đô thị thành phố, trong thời gian đến cần sơ kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện kế hoạch của thành phố đã ban hành năm 2019 với 10 nhóm nhiệm vụ, nội dung, bao gồm cả giải pháp công trình và phi công trình.
Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về thoát nước. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch xử lý thoát nước hàng năm, trong đó lưu ý công tác nạo vét, duy tu sửa chữa… Triển khai phân cấp quản lý thoát nước hiệu quả. Bồi dưỡng tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật liên quan. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong lĩnh vực thoát nước. Tập trung xây dựng các hạng mục, công trình thoát nước mưa. Nâng cấp cải tạo các tuyến cống liên phường, cải tạo kết cấu vỉa hè để tăng hệ số thấm. Cải tạo, nâng cấp các điểm các điểm, khu vực dân cư có hạ tầng thoát nước chưa đảm bảo. Xây dựng, cập nhật dữ liệu hệ thống thoát nước.
Ngoài ra cần xem xét điều chỉnh nội dung, nhiệm vụ đã đề ra tại kế hoạch đã ban hành cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, cũng như kịp thời bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.
Bên cạnh các giải pháp đồng bộ, lâu dài đòi hỏi nhiều kinh phí và thời gian đã nêu thì cần làm ngay các giải pháp cấp thiết, khả thi để ứng phó ngập úng trong thời gian đến. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, tuyên truyền về việc cần thiết của việc thoát nước bền vững, thoát nước chậm nhằm thích ứng kịp thời tình huống thiên tai, mưa cực đoan tại khu vực trung tâm thành phố, đô thị cũ hiện hữu. Cần thay đổi, tiếp cận và triển khai thực hiện quan điểm về không gian trữ nước, điều tiết nước. Sử dụng cả đất công và tư, bố trí cả không gian ngầm và lộ thiên, bố trí phân tán, rộng khắp, tích tiểu thành đại.
Nếu đã xác định thích nghi, ứng phó ngập úng trong các tình huống xảy ra thời tiết khí hậu cực đoan, lượng mưa vượt tần suất thiết kế thì người dân cần được thông báo, cảnh báo sớm. Phải chấp nhận một số vị trí, khu vực, tuyến đường vẫn bị ngập, nhưng ngập ở mức độ chấp nhận được, hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản, không để xảy ra thiệt hại tính mạng người dân.
Khẩn trương lập bản đồ ngập úng đô thị, ưu tiên khu vực trung tâm thành phố. Trong đó cần thống kê, phân tích, làm rõ các nội dung, vị trí, phạm vi, thời gian, độ sâu ngập, tác động, mức độ thiệt hại do ngập úng gây ra từng vị trí.
Tập trung rà soát, hoàn thiện các phương án, kịch bản ứng phó thiên tai nói chung và ứng phó ngập lụt nói riêng theo hướng cụ thể, khả thi, dễ thực hiện. Tăng cường sự tham gia, giám sát của cộng đồng tất cả các khâu quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, nâng cấp cải tạo, duy tu sửa chữa. Tập trung nguồn lực hoàn thành các công trình, hạng mục thoát nước dở dang. Đẩy mạnh việc nâng cấp, cải tạo, tăng khả năng trữ nước, quản lý vận hành thật tốt các hồ điều tiết hiện có. Xây dựng bể nước ngầm, cống điều tiết, giếng điều tiết quy mô lớn thay cho hồ điều tiết tại các lưu vực thoát nước không còn đất để làm hồ điều tiết.
Đối với khu vực trung tâm thành phố cần tăng cường bổ sung, bố trí các trạm bơm cuối tuyến cống chính, lớn tại vị trí cửa xả ra sông, ra biển để ứng phó triều cường, tình huống mực nước sông, biển dâng cao làm giảm khả năng thoát nước mưa của hệ thống.
Đối với lưu vực sân bay, đây là khu vực hết sức đặc thù đối với thành phố Đà Nẵng. Với diện tích hơn 800ha/4.200ha, theo Quy hoạch phân khu năm 2017, chiếm khoảng gần 20% diện tích khu vực trung tâm thành phố, đổ ra các kênh, cống đi qua 3 quận Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ. Theo đó ước tính khoảng hơn 1/2 lưu lượng nước trong sân bay đổ về quận Thanh Khê theo 4 hướng chính đó là tuyến cống Lê Độ, tuyến cống liên phường qua Chính Gián-Xuân Hà-Thanh Khê Đông, qua cửa xả vào hồ Xuân Hòa A, qua kênh Phần Lăng vào hồ Bàu Trảng ra kênh Phú Lộc…
Để giải quyết tình trạng ngập úng cục bộ tại các thuộc 3 quận Hải Châu, Cẩm Lệ, đặc biệt là quận Thanh Khê phải gánh 3/5 lưu lượng nước mưa của sân bay đổ ra đi qua một số khu dân cư của quận. Để giải quyết điều tiết nước mưa từ sân bay đổ ra cáckhu dân cư, thành phố cần tập trung cải tạo, nâng cấp, mở rộng các hồ điều tiết trong sân bay. Xây dựng quy trình quản lý vận hành cửa phai, hồ điều tiết chặt chẽ, hợp lý, an toàn để không xảy ra ngập úng trong và ngoài sân bay khi có mưa lớn.
Cần lắm những không gian trữ nước, điều tiết nước và không gian ngầm và lộ thiên để thẩm thấu nước mưa nhanh. |
Theo kỹ sư Lê Tùng Lâm, các vấn đề trên thực tế đã được triển khai thành công và đáng nhớ về việc xử lý ngập úng khu vực tại Tổ 34, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu tiếp giáp khu vực hồ Ba Sen Vàng nằm ở phía Đông Nam sân bay đã được xử lý hiệu quả từ năm 2019 đến nay, trừ đợt mưa lịch sử ngày 14.10.2022 là minh chứng cho thấy sự cấp thiết, hiệu quả của việc nghiên cứu, quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống điều tiết để xử lý ngập úng khu vực trung tâm thành phố liên quan lưu vực thoát nước sân bay.
Đồng thời, kỹ sư Lê Tùng Lâm cũng chia sẻ thêm, Đà Nẵng muốn hướng đến thành phố an toàn trong thiên tai, ứng phó hiệu quả bão lụt cần sự chia sẻ, chung tay của cộng đồng, toàn xã hội. Chúng ta cần thống nhất về nhận thức và hành động theo phương châm muốn giữ vững thương hiệu “Thành phố an bình và đáng sống” thì Đà Nẵng phải phấn đấu trở thành một thành phố an toàn trong thiên tai. Cần ứng phó thiên tai nói chung và ngập úng nói riêng với các nhiệm vụ, giải pháp chủ động, khả thi, kịp thời, hiệu quả nhất.
Nguyễn Nam (thực hiện)
Theo