Chuyển đổi đô thị xanh không chỉ là xu hướng mà còn là nhu cầu cần thiết để tạo nên những không gian đáng sống nhất là trong bối cảnh các đô thị đang đặt ra nhiều thách thức về môi trường, giao thông.
Đô thị xanh. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Theo Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam dự kiến sẽ vượt 50% vào năm 2030. Với tốc độ này, chuyển đổi đô thị xanh không chỉ là xu hướng mà còn là nhu cầu cần thiết để tạo nên những không gian đáng sống, tăng cường khả năng thích ứng trước biến đổi khí hậu cho các thế hệ tương lai.
Đây là thông tin điểm nhấn tại Tọa đàm “Chuyển đổi đô thị xanh - Từ Đan Mạch đến Việt Nam” do Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, với mục đích thúc đẩy trao đổi kiến thức giữa các kiến trúc sư và chuyên gia của 2 quốc gia về hoạt động chuyển đổi đô thị xanh.
Theo Bộ Xây dựng, mỗi năm, ước tính các đô thị Việt Nam có thêm từ 1 đến 1,3 triệu dân. Nếu như năm 2010, tốc độ đô thị hóa tăng 30,5% thì tới năm 2023 đã lên 42,6% và chắc chắn xu hướng sẽ còn cao hơn trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên thực tiễn cũng cho thấy bên cạnh những hạn chế về tình trạng tự phát, thiếu quy hoạch, hạ tầng manh mún; nhìn chung các đô thị ở Việt Nam thiếu hẳn một sự bài bản, tầm nhìn về mô hình đô thị xanh.
Hệ quả của quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã và đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng, đòi hỏi Việt Nam phải chuyển đổi đô thị xanh bền vững theo hướng cải thiện các vấn đề liên quan đến ô nhiễm không khí, mật độ giao thông cao, quản lý rác thải và khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu…
Với mục tiêu đó, bà Mette Ekeroth - Phó Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam nhấn mạnh Đan Mạch sẵn sàng cùng Việt Nam chia sẻ cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược xanh.
“Chúng tôi rất vinh dự là người bạn lâu năm và đối tác đáng tin cậy của Việt Nam trong hành trình phát triển kinh tế - xã hội đầy ấn tượng. Hiện nay, trọng tâm quan hệ hợp tác phải được đặt vào quá trình chuyển đổi sang mô hình phát triển xanh và bền vững hơn. An ninh kinh tế cần phải đi đôi với an ninh xã hội và môi trường. Vì vậy, buổi tọa đàm hướng đến mục tiêu đảm bảo rằng con người có thể tiếp tục phát triển bềm vững và thịnh vượng trong các thành phố của tương lai,” bà Mette Ekeroth chia sẻ.
Người dân thưởng lãm các tác phẩm nghệ thuật tại Con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN) |
Bà Henriette Vamberg - Giám đốc điều hành Gehl Architects (Đan Mạch) cũng bày tỏ sự hào hứng khi tham gia với vai trò diễn giả tại buổi tọa đàm.
“Gehl đã có hơn hai thập kỷ làm việc với các thành phố trên toàn thế giới để giải quyết những thách thức cấp bách gây ra bởi các mô hình giao thông từ quá khứ. Các giải pháp mà chúng tôi đưa ra vừa táo bạo trên quy mô lớn, vừa mang tính chiến lược và cụ thể. Có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau trong quá trình chuyển đổi đô thị xanh, và tôi rất mong được chia sẻ một số kinh nghiệm này với khán giả tại Hà Nội,” bà Henriette Vamberg nói.
Tại sự kiện, các đại biểu được nghe các diễn giả (là những kiến trúc sư hàng đầu trong lĩnh vực chuyển đổi đô thị xanh đến từ Đan Mạch và các tổ chức trong nước) trình bày về các chiến lược và giải pháp thực tiễn trong việc tích hợp hạ tầng xanh và thực hành bền vững vào quy hoạch đô thị, cũng như các dự án cụ thể tại các thành phố lớn trên thế giới đã thành công chuyển đổi mô hình sang xanh hơn, bền vững hơn mà Việt Nam có thể học hỏi.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam đã trưng bày hình ảnh giới thiệu các giải pháp xanh của nước này trong các lĩnh vực năng lượng, quản lý nước, kinh tế tuần hoàn và các thành phố bền vững, đáng sống. Phần trưng bày hình ảnh trên tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) dự kiến sẽ “mở cửa” cho công chúng từ ngày 28/11 đến ngày 2/12/2024.
Theo Hùng Võ (Vietnam+)