(Xây dựng) - Sau khi có Quyết định chấp thuận niêm yết, CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (mã SIP) đã thông qua việc hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM và chuyển sang niêm yết sàn HOSE ngày 8/8.
Đồ thị giá của SIP kể từ đầu năm 2022 đến nay. |
Cụ thể, theo thông tin từ Đầu tư Sài Gòn VRG cho biết ngày 1/8 là thời điểm hủy đăng ký giao dịch hơn 90,9 triệu cổ phiếu trên UPCoM để chuyển sang Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE). Ngày đầu tiên giao dịch trên sàn HOSE là 8/8/2023.
Thông tin giá chào sàn HOSE sẽ được xác định dựa trên giá bình quân tham chiếu của 30 phiên giao dịch gần nhất trước khi hủy đăng ký giao dịch trên UPCoM. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/7, cổ phiếu SIP tăng 300 đồng lên 113.800 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, vào ngày 29/6, HOSE đã chấp thuận niêm yết hơn 90,9 triệu cổ phiếu SIP.
Diễn biến cổ phiếu SIP trước khi lên sàn HOSE
Trước khi chào sàn HOSE ngày 8/8 sắp tới, SIP từng có 4 năm lọt vào top cổ phiếu có thị giá cao nhất toàn thị trường chứng khoán và giữ vững vị trí long trọng suốt thời gian dài khi giao dịch trên sàn UPCoM. Trước thông tin chuyển sàn, khép phiên giao dịch 29/6, cổ phiếu SIP đứng ở mức 106.000 đồng/cổ phiếu. Thông tin chuyển lên sàn HOSE đã khiến cho cổ phiếu SIP thu hút đông đảo sự quan tâm đến từ nhà đầu tư, từ đó tăng thêm gần 9% giá trị lên vùng 115.000 đồng/cp.
Được các chuyên gia đánh giá là một “hiện tượng” cổ phiếu khu công nghiệp, trong lần đầu tiên chào sàn ngày 6/6/2019, “tân binh” VRG đã chính thức chào sàn UPCoM hơn 69 triệu cổ phiếu SIP với giá tham chiếu 17.200 đồng/cp.
Sau khi chào sàn UPCoM, SIP đã tăng hơn 8 lần, lên 140.000 đồng/cổ phiếu sau đó là chuỗi ngày điều chỉnh giảm, và hiện SIP đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2019 ở mức 95.000 đồng/cổ phiếu – vẫn gấp 5,5 lần sau gần 6 tháng lên sàn. Từ mức giá tham chiếu 17.200 đồng/cổ phiếu trong phiên chào sàn, cổ phiếu này đã có nhiều phiên tăng trần liên tục và lập đỉnh ở mức giá 136.000 đồng/cổ phiếu, tăng tới 7 lần mức giá chào sàn.
Theo các chuyên gia đánh giá, lợi nhuận tốt cùng với các chỉ số tài chính tích cực khác như khoản tiền trả trước từ khách hàng thuê khu công nghiệp lớn, lượng tiền mặt “khủng” của công ty đã hấp dẫn nhà đầu tư, tiền đề cho đà tăng vọt của cổ phiếu qua 4 năm phát hành. Cùng với nhiều “tin tốt” trên sàn cổ phiếu, SIP đang thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia trong thời điểm chuyển sàn sang HosE vào ngày 8/8 sắp tới.
CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG trở thành “tân binh” được kỳ vọng trên sàn HOSE vì có kết quả kinh doanh khả quan trong nhiều năm gần đây. |
Đặt lợi nhuận đi lùi trong năm 2023
Sau nhiều năm phát triển, SIP hiện nay đang có vốn điều lệ hơn 900 tỷ đồng, mạng lưới mở rộng lên 9 công ty con, và 3 công ty liên kết phủ sóng trên khắp ngành nghề kinh tế quan trọng như xây dựng, phát triển Khu công nghiệp, khu dân cư, bất động sản, cảng biển và logistics, kinh doanh mủ cao su...
Trong báo cáo tài chính Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, đầu tư Sài Gòn VRG đã thông qua cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 90%, trong đó, 45% bằng tiền và 45% bằng cổ phiếu. Ngoài ra, Công ty còn thông qua cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 55%.
Bước sang năm 2023, mức cổ tức dự kiến là 10%, ngoài ra Đầu tư Sài Gòn VRG đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 5.312,5 tỷ đồng, bằng 88% so với thực hiện trong năm 2022 và lợi nhuận sau thuế dự kiến 755,15 tỷ đồng, bằng 75% so với cùng kỳ năm trước.
Lê Trang
Theo