(Xây dựng) - Dù vốn chủ sở hữu chỉ đạt 256 tỷ đồng và nợ cao gấp 6,7 lần vốn nhưng Công ty Bạch Đằng vẫn muốn có kế hoạch chi 27.000 tỷ đầu tư xây dựng làm dự án khôi phục tuyến đường sắt răng cưa duy nhất của Việt Nam.
Khách sạn Bạch Đằng Complex của Chủ đầu tư Công ty Bặch Đằng đã từng bị xử phạt vì xây dựng một phần nhà tiền chế lấn ra phần sân vườn thuộc khối đế tòa nhà không phép và buộc tháo dỡ năm 2018 (ảnh internet). |
Vốn 256 tỷ, có kế hoạch chi 27.000 tỷ làm dự án
Thông tin trên Báo Lâm Đồng cho thấy Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng (Công ty Bạch Đằng) đã trình Bộ Giao thông Vận tải báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, tuyến đường sắt răng cưa duy nhất của Việt Nam theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Theo đó, chi phí thực hiện dự án ước tính là 24.924 tỷ đồng. Sau khi tính gộp lãi vay, chi phí tài chính theo phương án BOT, tổng mức đầu tư dự án sẽ là 28.987 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước góp 2.163 tỷ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng, chiếm 7,46%), vốn do nhà đầu tư BOT huy động là 26.824 tỷ đồng.
Trong vốn của nhà đầu tư, phần vốn vay là 22.800 tỷ đồng (chiếm 85%); vốn chủ sở hữu là 4.024 tỷ đồng, chiếm 15%. Đáng chú ý, nếu được duyệt, công ty sẽ phải chi gần 27.000 tỷ đồng làm dự án. Thế nhưng, lượng vốn chủ sở hữu mà công ty có thấp hơn vốn đầu tư rất nhiều.
Cụ thể, Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng thành lập ngày 9/9/2009 với ngành nghề chính là “Dịch vụ lưu trú ngắn ngày: Kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch”. Người đại diện kiêm Tổng Giám đốc Công ty là ông Thân Hà Thống Nhất. Ngoài ra, ông còn là đại diện pháp luật Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hà Thân.
Tại ngày 31/12/2021, vốn chủ sở hữu của công ty Bạch Đằng chỉ là 256 tỷ đồng. Tới ngày 25/1/2022, vốn điều lệ Công ty tăng vọt từ 248 tỷ đồng lên 450 tỷ đồng, chỉ bằng 1,7% vốn đầu tư dự án mà công ty phải chi.
Doanh thu lao dốc, thua lỗ triền miên, nợ nần chồng chất
Cùng với việc vốn chủ sở hữu khiêm tốn hơn rất nhiều so với vốn đầu tư dự án, Công ty Bạch Đằng còn rơi vào tình trạng doanh thu lao dốc, thua lỗ triền miên, nợ nần chồng chất. Cụ thể, trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, doanh thu Bạch Đằng tăng dần đều từ 0 đồng (năm 2017) lên 10 tỷ đồng (năm 2018) và đạt “đỉnh” 169 tỷ đồng (năm 2019). Sau đó, chỉ tiêu này sụt giảm mạnh xuống 57,3 tỷ đồng (năm 2020) và 23,4 tỷ đồng (năm 2021).
Như vậy, giữa đại dịch Covid-19, doanh thu Bạch Đằng giảm 145,6 tỷ đồng, tương đương 86,2% so với năm 2019.
Mặc dù doanh thu tăng vọt trong năm 2019 nhưng đó lại là thời điểm công ty bắt đầu thua lỗ với khoản lỗ 27,8 tỷ đồng. Sau đó, thua lỗ tăng dần lên 78,7 tỷ đồng (năm 2020) và 88,3 tỷ đồng (năm 2021). Nợ nần cũng là một vấn đề không nhỏ tại Bạch Đằng. Trong giai đoạn 5 năm gần đây (2017-2021), nợ phải trả của công ty tăng dần đều từ 1.234 tỷ đồng (năm 2017), 1.442 tỷ đồng (năm 2018), 1.729 tỷ đồng (năm 2019), 1.793 tỷ đồng (năm 2020) và đạt “đỉnh” 1.816 tỷ đồng (năm 2021). Sau 5 năm, nợ tại Bạch Đằng tăng 582 tỷ đồng, tương đương 32%.
Một trong những khoản nợ đáng chú ý của Công ty Bạch Đằng là nợ BHXH. Ngày 12/10, BHXH thành phố Dad Nẵng đã công bố danh sách các công ty có khoản nợ BHXH, BHYT, BHTN với số tiền lớn, thời gian kéo dài trên địa bàn thành phố. Công ty Bạch Đằng cũng có tên trong danh sách với số nợ BHXH hơn 3,4 tỷ đồng. Ngoài nợ BHXH, Bạch Đằng còn dính lùm xùm ở dự án Bạch Đằng Complex, nơi công ty là chủ đầu tư.
Năm 2018, với các sai phạm liên quan đến việc cấp phép xây dựng và nghiệm thu, Công ty Bạch Đằng đã bị Thanh tra Sở Xây dựng xử phạt 110 triệu đồng. Đến năm 2019, Bạch Đằng Complex tiếp tục bị cưỡng chế tháo dỡ phần diện tích xây dựng trái phép.
Ninh Nhi
Theo