Trong dịp Lễ Quốc khánh, cán bộ, công nhân trong Dự án thành phần thuộc Dự án Đường bộ Cao tốc Bắc-Nam phía Đông Mỹ Thuận-Cần Thơ vẫn duy trì 100% quân số, tổ chức thi công tăng ca, tăng kíp.
Một số đoạn cao tốc thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Long đang trong giai đoạn san nền, làm móng nền đường và thảm bêtông nhựa. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN) |
Mặc dù người dân đang trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 kéo dài 4 ngày, nhưng trên các công trình giao thông trọng điểm; trong đó có Dự án Đường bộ Cao tốc Bắc-Nam, những công nhân vẫn âm thầm thi công xuyên Lễ.
Điều này cho thấy sự nỗ lực và quyết tâm của chủ đầu tư, cán bộ công nhân viên, người lao động của các nhà thầu trong việc đưa tiến độ các công trình về đích, sớm phát huy hiệu quả kinh tế-xã hội của Dự án.
Dự án thành phần thuộc Dự án Đường bộ Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 1 (2017-2020) Mỹ Thuận-Cần Thơ phải hoàn thành trong năm 2023, do thời gian thi công không còn nhiều nên các nhà thầu tại dự án đang đua tiến độ về đích.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Lê Bá Trung, Chỉ huy trưởng Gói thầu XL02 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn), cho biết Gói thầu XL02 do Liên danh Nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn-Công ty Cổ phần Tập đoạn Cienco 4, thi công; trong đó phần Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đảm nhận 58% khối lượng, tương đương 400 tỷ đồng. Đến thời điểm này, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã thi công đạt giá trị sản lượng khoảng 250 tỷ đồng, bằng 62,5% khối lượng đơn vị đảm nhận.
“Theo chỉ đạo của Bộ giao thông Vận tải và Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận, Dự án phải hoàn thành trong năm 2023. Do Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đảm nhận thi công phần đường khoảng 5km, trong điều kiện xử lý nền đất yếu bằng giải pháp bấc thấm và gia tải nên từ đầu tháng 6/2023 mới đủ điều kiện thi công móng mặt đường, áp lực giai đoạn cuối rất lớn. Vì vậy, dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, toàn bộ cán bộ, công nhân viên của đơn vị đã quyết tâm làm thông lễ," ông Lê Bá Trung chia sẻ.
Trong dịp lễ này, lực lượng cán bộ, công nhân của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn vẫn duy trì 100% quân số, tổ chức thi công tăng ca, tăng kíp. Hiện nhà thầu đã huy động 77 đầu máy, thiết bị. Từ đầu tháng 6 đến nay, nhà thầu đã thực hiện tổ chức thi công 3 ca 4 kíp, đạt 2.000/5.000md móng cấp phối đá dăm.
Trong khi đó, Dự án Diễn Châu-Bãi Vọt theo kế hoạch phải hoàn thành vào tháng 4/2024. Nhiều tháng qua, dự án này nằm trong danh sách các dự án thành phần chậm tiến độ, song theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án), thời gian gần đây dự án đã có sự chuyển biến tích cực về tiến độ, đặc biệt là những hạng quan trọng như cầu, hầm...
Ông Lê Đức Hào, Giám đốc Điều hành Gói thầu XL02 Cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn), cho biết dịp Lễ 2/9 năm nay, nhà thầu chỉ đạo tổ chức sản xuất như bình thường với 5 đơn vị, 21 mũi thi công, hơn 150 đầu xe máy, thiết bị và hơn 200 nhân lực.
“Thi công dịp lễ, các hạng mục đắp gia tải xử lý nền đất yếu, bêtông cầu sẽ được tập trung thực hiện với quyết tâm cao nhất. Tính đến hết ngày 31/8, sản lượng thi công của nhà thầu đạt gần 783 tỷ đồng, đạt gần 61% giá trị hợp đồng. Trong 3 tháng trở lại đây, sản lượng bình quân hàng tháng đạt trên 50 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với những tháng đầu năm," ông Lê Đức Hào cho hay.
Ông Lê Đức Hào cho biết để Dự án về đích đúng tiến độ, các nhà thầu đang nỗ lực trên công trường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn cần các cơ quan chức năng tháo gỡ, đặc biệt kiểm soát việc tăng giá vật liệu vào những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, nguồn cung vật liệu đang khan hiếm, nhất là vật liệu đắp, đề nghị cho phép các mỏ nâng trữ lượng khai thác, đáp ứng nhu cầu vật liệu cho dự án.
Theo báo cáo, tính đến cuối tháng 8/2023, tổng giá trị khối lượng xây lắp toàn Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (giai đoạn 1) đạt khoảng 87% giá trị hợp đồng; trong đó, có 8/11 dự án thành phần đã hoàn thành, đưa vào khai thác.
Đối với các Dự án Đường bộ Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2) được khởi công từ 1/1/2023, tính đến cuối tháng 8, sản lượng các dự án thành phần đạt trung bình hơn 9% giá trị các hợp đồng.
Tại Dự án Thành phần Vũng Áng-Bùng do Ban Quản lý Dự án 6 làm chủ đầu tư cũng được nhà thầu thực hiện trong dịp Quốc khánh. Lãnh đạo Ban Quản lý dự án 6 chia sẻ, tranh thủ thời tiết thuận lợi tại khu vực miền Trung, đơn vị đã chỉ đạo các nhà thầu tăng cường máy móc, thiết bị để đẩy nhanh thi công trên công trường trước khi mùa mưa sắp đến.
Thi công tuyến nối Nam Sông Hậu trên địa bàn thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN) |
Đảm nhận thi công 24km Gói thầu XL2 Dự án Cao tốc Bắc-Nam đoạn Vũng Áng-Bùng, 4 ngày nghỉ lễ, lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin) cho biết đơn vị đã huy động 10 mũi thi công với 300-400 đầu máy, thiết bị dồn lực thi công các hạng mục chính của cầu sông Gianh (dài khoảng 2,4km) và nền đường.
Tại Dự án Thành phần Bùng-Vạn Ninh cũng do Ban Quản lý Dự án 6 làm chủ đầu tư, ông Trần Văn Thành, Giám đốc Ban Điều hành Gói thầu XL1-Tập đoàn Công ty Cổ phần Tập đoạn Cienco 4, cho biết để đẩy nhanh tiến độ trên công trường, dịp nghỉ Lễ Quốc khánh năm nay, nhà thầu động viên anh em trên công trường nỗ lực thi công. Cienco 4 đã huy động 60 kỹ sư, 295 công nhân chia làm 26 mũi thi công (bao gồm 7 mũi thi công cầu, 11 mũi thi công đường và 8 mũi thi công hầm chui dân sinh và cống các loại) cùng 92 đầu máy thiết bị.
Cũng tại Dự án Đường bộ Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021-2025) là Dự án Thành phần Quảng Ngãi-Hoài Nhơn do Ban Quản lý dự án 2 làm chủ đầu tư.
Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cùng các nhà thầu liên danh thi công tại Dự án này cho biết, gác lại những ngày nghỉ lễ, tập đoàn bứt tốc các hạng mục quan trọng. Trên đại công trường dài 88km của Dự án này, hàng nghìn cán bộ kỹ sư, công nhân viên được chia làm nhiều mũi để thi công các gói thầu. Riêng tại Công trình Hầm số 3 - hầm xuyên núi dài nhất của dự án có khoảng 400 kỹ sư, công nhân đang tập trung đẩy nhanh tiến độ đào hầm.
Mừng dịp Lễ Quốc khánh 2/9, tại hai Dự án Thành phần Cao tốc phía Nam là Cần Thơ-Hậu Giang, Hậu Giang-Cà Mau, các mũi thi công cũng đang giữ vững vị trí để tăng tốc các công trình cầu trên tuyến, đường công vụ trong bối cảnh dự án còn khó khăn nguồn cung ứng vật liệu đắp nền.
Đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận cho biết để đảm bảo mục tiêu tổng thể của 2 dự án thành phần này trong năm 2023, đến nay các nhà thầu đã tổ chức 140 mũi thi công, huy động 440 đầu máy thiết bị với 1.072 nhân sự. Tổng giá trị sản lượng 2 đoạn Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau đạt hơn 1.700 tỷ đồng, đạt 9% giá trị hợp đồng.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - đơn vị đứng đầu liên danh nhà thầu thi công Cao tốc Cần Thơ-Hậu Giang, cho hay để dự án đạt tiến độ theo hợp đồng, đợt nghỉ lễ này Tổng công ty đã động viên cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên trên công trường nỗ lực thi công để đảm bảo tiến độ đề ra. Tuy nhiên, Dự án vẫn đang khó khăn về nguồn cung vật liệu cát cho đắp nền và nếu không có nguồn đất đắp kịp thời thì không thể đắp gia tải xử lý nền đất yếu trên tuyến.
“Nhu cầu cát phục vụ thi công rất lớn, các địa phương khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long phải chia sẻ, quan tâm mới hoàn thành được dự án. Các nhà thầu đang dồn lực thi công các hạng mục cầu, đường công vụ dịp lễ này trong thời gian chờ vật liệu cát đắp nền," Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc chia sẻ.
Về khó khăn nguồn vật liệu cho 2 đoạn tuyến thuộc Cao tốc Cần Thơ-Cà Mau, ông Lê Đức Tuân, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, cho hay phải ghi nhận nỗ lực, quyết tâm của các nhà thầu tại công trường. Tuy nhiên, các nhà thầu cũng gặp vô vàn khó khăn về nguồn cung vật liệu.
Theo ông Lê Đức Tuân, nhu cầu cát đắp nền đường cho Dự án này là rất lớn (hơn 18 triệu m3). Đến nay các địa phương mới bố trí được gần 1,5 triệu m3. Thực tế nhà thầu tiếp nhận được 0,481 triệu m3 (tỉnh An Giang 0,11 triệu m3; tỉnh Đồng Tháp 0,371 triệu m3) thì các mỏ tạm dừng do bị thu hồi (tỉnh An Giang). Trong khi đó, việc thực hiện thủ tục mở các mỏ cát mới rất chậm. Vì vậy, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận kiến nghị các địa phương đẩy nhanh các thủ tục nâng công suất không quá 50% ghi trong giấy phép các mỏ đang khai thác trên địa bàn theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 18/NQ-CP để có thể cấp cho Dự án ngay trong tháng 9/2023./.
Theo Quang Toàn (TTXVN/Vietnam+)