(Xây dựng) – Theo ông Lưu Quang Vũ, Chủ tịch HĐQT M&A Partners, thành viên Ban vận động Hiệp hội M&A Việt Nam, cộng đồng mua bán sáp nhập Việt Nam đã bắt đầu khởi động với mục tiêu thành lập pháp nhân Hiệp hội để đón đầu chu kỳ kinh tế mới.
Tại sự kiện Chào xuân 2023 tổ chức tại Hà Nội, cộng đồng M&A Vietnam đã khởi động hàng loạt các hoạt động đầy hứng khởi để đón đầu một chu kỳ kinh tế mới. Nổi bật là sự kiện ra mắt Hội đồng cố vấn, Ban điều hành, Ban kết nối và xúc tiến đầu tư, Ban vận động thành lập Hiệp hội M&A Việt Nam.
Sân chơi mới dành cho cộng đồng M&A Việt Nam
Ông Lưu Quang Vũ, Trưởng Ban kết nối và xúc tiến đầu tư M&A Vietnam Group chia sẻ: “Từ năm 2021, cộng đồng M&A Việt Nam đã tìm đến với nhau, hợp thành M&A Vietnam Group gồm các chuyên gia, nhà đầu tư, chủ đầu tư, chuyên gia kinh tế, luật sư, truyền thông… hoạt động sôi nổi trên các nền tảng Zalo, Facebook, Telegram… Đến nay, M&A Vietnam Group đã có hàng chục chuyên đề khác nhau, hàng trăm group nhỏ do các thành viên M&A Vietnam Group tự lập, tự hoạt động cùng hơn 10.000 thành viên trên toàn cầu”.
Ông Hà Tuấn Anh, Trưởng Ban vận động thành lập Hiệp hội M&A Việt Nam phát biểu tại sự kiện. |
Ngày 29/09/2022, M&A Vietnam Group đã có cuộc gặp mặt chính thức đầu tiên. Nối tiếp là các chương trình hội thảo, Talk show M&A Sharing, Cafe M&A… qua đó bầu ra Ban lãnh đạo dự kiến và chính thức đặt tên là Cộng đồng mua bán sáp nhập Việt Nam – viết tắt là M&A Vietnam. Diễn biến thị trường cùng cơ hội to lớn từ M&A giai đoạn hiện nay và sắp tới mở ra một giai đoạn mới cho những người quan tâm và hoạt động trong lĩnh vực M&A và việc thành lập một Hiệp hội chuyên biệt về M&A là hết sức cần thiết.
Ông Hà Tuấn Anh, Trưởng Ban vận động thành lập Hiệp hội M&A Việt Nam nêu quan điểm: “Thị trường và “khẩu vị” M&A đang thay đổi mạnh mẽ, diễn biến phong phú nhưng cũng vô cùng thú vị. Trong năm 2023, chúng ta sẽ chứng kiến những thương vụ khủng trên thị trường Việt Nam cùng làn sóng M&A xu hướng hoàn toàn mới so với giai đoạn trước đây. Chúng tôi tin với sự đoàn kết, tâm huyết và tầm nhìn xa, quản trị khoa học, kết nối thông minh, minh bạch, hiệu quả, Hiệp hội M&A Việt Nam sẽ là “sân chơi mới”, địa chỉ đáng tin cậy cho những tổ chức, đơn vị, cá nhân... quan tâm đến thị trường mua bán sáp nhập tại Việt Nam”.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện Chào xuân 2023, M&A Vietnam Group đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện với các đơn vị, tập đoàn lớn như Tập đoàn Viewest, Danh Khôi miền Bắc; DTJ Group để cùng nhau phát triển, phân phối sản phẩm, dự án trong các lĩnh vực bất động sản công nghiệp, nhà ở thương mại, bất động sản nghỉ dưỡng thế hệ mới (view hồ, du lịch gắn với thiền trị liệu Tâm - Thân)…
Đại dịch Covid-19 cùng những diễn biến bất ổn của nền kinh tế toàn cầu đã, đang và sẽ tiếp tục có những tác động mạnh mẽ đến nhiều doanh nghiệp, khiến trật tự trong từng lĩnh vực phải tái cấu trúc, sắp xếp lại theo một trật tự mới, thích ứng với thời cuộc. Đây chính là cơ hội cho các thương vụ M&A diễn ra sôi động hơn, xu hướng doanh nghiệp cộng sinh để tiếp tục phát triển trở nên phổ biến và nở rộ. Theo dự báo, hoạt động M&A sẽ bùng nổ trong giai đoạn 2023-2025 và sự ra đời của Hiệp hội M&A Việt Nam chính là xu hướng tất yếu, góp phần thúc đẩy thị trường M&A Việt Nam phát triển bền vững cả về tổng giá trị giao dịch và quy mô giao dịch bình quân, hướng tới ngôi vị top đầu những điểm đến M&A hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á.
Cơ hội và thách thức
Luật sư Lê Nết cho rằng, bất động sản, tài chính và thị trường vốn sẽ là những lĩnh vực sẽ gặp nhiều vấn đề về pháp lý do thay đổi các Luật, hiệu ứng domino tin xấu bất lợi cho thị trường, nhiều phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp hợp đồng sẽ xuất hiện những vấn đề khối tổ chức, doanh nghiệp cần tái cơ cấu hàng loạt. Vì vậy, thị trường M&A sẽ có cơ hội và thách thức, cho bên mua và bên bán.
Cũng tại sự kiện, ngài Asano Eiji, Tổng Giám đốc tại Yamada Consuilting and Spring Việt Nam - doanh nghiệp đến từ Nhật Bản cho biết: “Hàng tỷ USD từ các đối tác nước ngoài đang sẵn sàng đổ vào Việt Nam thông qua kênh mua bán sáp nhập đặc biệt là doanh nghiệp Nhật Bản. Hình thức các doanh nghiệp Nhật ưa thích không phải là giao dịch về tài sản mà là mua cổ phần để tiếp tục điều hành. Lĩnh vực được quan tâm có thể kể đến như: Logistic, bất động sản, năng lượng, hạ tầng...”.
Ngài Raoul Imbach - Tham tán thương mại, Sứ quán Thụy sỹ tại Sri Lanka và Maldives nêu những thách thức mà các bên tham gia M&A tại Việt Nam cần phải tuân thủ, đáp ứng được những quy chuẩn quốc tế bắt buộc. Chúng tôi có quỹ đầu tư khoảng 70 triệu Franc Thuỵ Sỹ có thể giúp các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu đưa sản phẩm dịch vụ vào Thuỵ Sỹ. Trên thế giới có nhóm quốc gia đã phát triển thì họ giữ gìn vị thế của họ, nhóm quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam là quốc gia có tiềm năng, có tham vọng, mục tiêu phát triển nhanh và cao.
“Tuy nhiên, thực tế có nhiều nhà đầu tư nước ngoài họ đánh giá môi trường kinh doanh tại Việt Nam là một sân chơi không bình đẳng. Những luật lệ về kinh tế của Việt Nam quá rắc rối, nhà đầu tư quốc tế cảm thấy không được đối xử bình đẳng, những cam kết không được thực hiện và họ giảm niềm tin so với các quốc gia minh bạch khác. Vấn đề quan trọng nhất với nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam là vấn đề sở hữu trí tuệ cần được tôn trọng tuyệt đối, đối tác trong nước cần làm đủ mọi cách để thể hiện tinh thần trao đổi, hợp tác” – Ngài tham tán nhấn mạnh thêm.
Ninh Nhi
Theo